Đau bụng ngày “đèn đỏ”: Nguyên nhân và cách điều trị

Cập nhật: 17/01/2021

VOV.VN - Đau bụng kinh là triệu chứng khá phổ biến ở phụ nữ. Cứ 10 phụ nữ có đến 9 người bị đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt.

Đau bụng kinh là triệu chứng khá phổ biến ở phụ nữ. Thực tế cứ 10 phụ nữ có 9 người bị đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên có một số người đau đớn đến mức phải dùng thuốc giảm đau trước hay trong chu kỳ. Các chuyên gia về phụ khoa cho biết, đau bụng trong những ngày “ đèn đỏ” khá phổ biến ở phụ nữ, với các cơn co thắt để đẩy cục máu đông ra khỏi tử cung. Hiện tượng này cũng có thể kéo dài và đau đớn hơn vào mùa đông. Tuy nhiên nếu cơn đau khiến bạn không thể chịu được, cần quan tâm đến vấn đề u xơ tử cung và lạc nội mạc tử cung.

Những nguyên nhân gây ra cơn đau?

Một số nhóm người có nguy cơ bị đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt cao hơn:

- Dưới 20 tuổi

- Gia đình có tiền sử mẹ hay chị gái bị đau bụng kinh

-  Ra máu nhiều khi có kinh

- Kinh nguyệt không đều

- Chưa có con

- Dậy thì trước 11 tuổi

Nhiều người bị đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt cũng là do tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như:

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): PMS là một tình trạng phổ biến do những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, xảy ra từ 1 đến 2 tuần trước khi bắt đầu kinh nguyệt. Các triệu chứng thường biến mất sau khi bạn bắt đầu “đến tháng”

Lạc nội mạc tử cung: Đây là một tình trạng bệnh lý gây đau đớn. Lạc nội mạc tử cung là do các tế bào của niêm mạc tử cung không chỉ nằm trong lòng tử cung, mà còn phát triển ở những nơi khác thuộc hệ thống sinh dục và cả những bộ phận khác trong cơ thể người phụ nữ, thường là trên ống dẫn trứng, buồng trứng, bàng quang...

U xơ tử cung: là những khối u có thể gây áp lực lên tử cung hoặc gây ra kinh nguyệt bất thường và đau.

Những cơn đau “ mùa đông”

Mùa đông cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Những nguyên nhân sau khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn:

Mất nước: Trong mùa đông, chúng ta có xu hướng uống ít nước hơn. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn vùng chậu, thay đổi lưu lượng máu và cũng tạo áp lực khi máu đi qua các mạch máu trong tử cung, đến âm đạo. Mất nước cũng có thể làm gián đoạn lưu lượng máu và làm trầm trọng thêm tình trạng đau bụng kinh.

Giảm hoạt động thể chất: Trong mùa đông, chúng ta có xu hướng ở trong nhà và nằm trên giường nhiều hơn là bước ra ngoài để vận động. Giảm hoạt động thể chất có liên quan đến nhiều triệu chứng PMS hơn, bao gồm cả đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt.

Chu kỳ dài hơn: Các bác sĩ cho rằng mùa đông có thể khiến kỳ kinh của bạn kéo dài hơn so với mùa hè. Điều này cũng được chứng minh ở những phụ nữ sống ở vùng khí hậu ấm hơn, có kỳ kinh ngắn hơn so với những người sống ở nơi có nhiệt độ lạnh hơn.

Cách điều trị

Để hết đau bụng, bạn có thể uống thuốc giảm đau. Đôi khi, các phương pháp điều trị tại nhà cũng có thể giảm đau bụng kinh. Sử dụng một miếng chườm nóng, đặt lên vùng xương chậu hoặc lưng, xoa bóp bụng, tắm nước ấm, tập thể dục thường xuyên và ăn các bữa ăn nhẹ, bổ dưỡng sẽ giúp ích rất nhiều. Không nên dùng caffeine trong những ngày đầu của kỳ kinh nguyệt vì caffeine và đường làm tăng nguy cơ đầy hơi.

Nếu các biện pháp điều trị tại nhà và thuốc giảm đau không giúp bạn dễ chịu hơn, đã đến lúc bạn nên đến gặp bác sĩ phụ khoa.

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Nếu đau bụng kinh ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của bạn, đã đến lúc bạn nên nói chuyện với bác sĩ phụ khoa. Hãy gặp bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ điều nào sau đây: Đau liên tục sau khi đặt vòng tránh thai, chuột rút kèm theo tiêu chảy và buồn nôn, đau vùng chậu khi không bị hành kinh. Chuột rút đột ngột hoặc đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiễm trùng không được điều trị có thể tạo ra các mô sẹo, làm tổn thương các cơ quan vùng chậu và có thể dẫn đến vô sinh./.

Từ khóa: đau bụng, kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt, ngày đèn đỏ

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập