Dấu ấn đậm nét của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh trên đất Pháp
Cập nhật: 05/06/2021
HĐND Sơn La: Phát huy vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương
Chủ tịch nước Lương Cường dự Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2025
(VOV5) -Đi nhiều, đọc nhiều, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã phát triển cho mình một thế giới quan rộng mở, hòa đồng và nhân ái với mọi con người thuộc mọi tầng lớp, màu da, sắc tộc.
Trong hành lang dẫn đến căn phòng nhỏ mang tên “Không gian Hồ Chí Minh” nằm trong Bảo tàng Lịch sử sống ở thành phố Montreuil, ngoại ô phía Đông thủ đô Paris – Pháp, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người xem là cánh cửa gỗ cùng tấm gạch xanh mang số 9, những vật dụng nguyên bản được chuyển đến từ căn phòng số 9 ngõ Compoint, quận 17 thủ đô Paris.
Đó là địa điểm mà hơn 1 thế kỷ trước, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã trọ lại trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn nhưng tràn đầy nhiệt huyết của một con người mang lý tưởng và hoài bão to lớn, một người thanh niên lao vào những biến động của thời đại để tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc mình khỏi chế độ thực dân.
Bước qua cánh cửa đó là căn phòng được phục dựng lại như những gì đã từng tồn tại trong quá khứ ở ngõ Compoint. Chiếc bồn rửa mặt của 1 thế kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn, đặt dưới một căn gác xép nhỏ chứa đầy sách.
Sách, có lẽ là người bạn lớn duy nhất và quan trọng nhất trong những năm tháng đầu tiên người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng tìm đường sang phương Tây. Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh – từ nhà cách mạng đến biểu tượng”, nhà sử học Pierre Brocheux kể lại, trong những ngày đầu tiên lênh đênh trên biển cùng con tàu Latouche Treville, người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành làm quen với hai người lính Pháp thuộc địa được giải ngũ và được những người này cho mượn sách, đổi lại với những ly cà phê. Sách dính chặt lấy Nguyễn Tất Thành từ đó và sau này, tất cả thuyền viên đều đặt biệt danh cho chàng thanh niên là “Cậu sinh viên” vì Nguyễn Tất Thành là người duy nhất dành toàn bộ thời gian rảnh để đọc sách, trong khi những người khác chỉ ngủ và đánh bài.
Khát khao học hỏi, khám phá đó đã giúp Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng xây dựng được cho mình một cái nhìn toàn diện về thời đại, về các biến động dân tộc-xã hội trên khắp thế giới vào thời điểm đó. Theo nhà sử học Alain Ruscio, ám ảnh học hỏi và tìm hiểu trong những ngày tháng đầu tiên ra đi khỏi Việt Nam đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tư duy chính trị sau này của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
“Nguyễn Ái Quốc có một ý chí tự học rất lớn. Có rất nhiều tư liệu cho thấy ông là một người cực kỳ ham đọc sách, rất thường xuyên đến thư viện, không chỉ các thư viện tại Pháp bởi sau khi rời Marseille, chuyển đến Le Havre, ông đã đi theo các con tàu viễn dương đến nhiều nơi trên thế giới. Ông đã đến thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, như Dakar (Senegal) và nhận ra rằng những người da đen cũng chịu chung số phận như người Việt Nam và do đó, nó là vấn đề của hệ thống. Ông cũng đã đến Mỹ, học đọc và nói tiếng Anh rất nhanh, đã đến thư viện Boston và nhiều nhân chứng nói ông vô cùng siêng năng, vô cùng chăm chú”,nhà sử học Alain Ruscio nói.
Đi nhiều, đọc nhiều, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã phát triển cho mình một thế giới quan rộng mở, hòa đồng và nhân ái với mọi con người thuộc mọi tầng lớp, màu da, sắc tộc. Trong những ngày phục vụ tại khách sạn Carlton ở thủ đô London – Anh quốc, sự nhân hòa đó của người thanh niên trẻ châu Á đã lọt vào mắt xanh của bếp trưởng nổi tiếng người Pháp Auguste Escoffier.
Cảm phục hành động Nguyễn Tất Thành giữ lại thức ăn thừa trong bếp và trao cho những người nghèo khổ sống vật vờ trên phố thay vì đổ vào sọt rác, bếp trưởng Escoffier thậm chí đã đề nghị Nguyễn Tất Thành “từ bỏ những tư tưởng cách mạng” để theo ông học nghệ và trở thành một đầu bếp trứ danh.
Nguyễn Tất Thành, dĩ nhiên, đã lựa chọn một con đường khác, để đến năm 1918 quay trở lại đất Pháp, với đầy đủ kiến thức sau 7 năm bôn ba khắp thế giới quan sát và học hỏi, tiếp tục chấp nhận một cuộc mưu sinh vất vả bằng nghề thợ ảnh và vẽ tranh, trọ trong một căn phòng nhỏ tồi tàn ở ngõ Compoint và giành hầu hết những đồng tiền kiếm được vào việc mua sách-báo, và chính thức bước vào con đường đấu tranh chính trị. Những gì diễn ra sau đó, đã trở thành di sản vĩ đại và là một phần lịch sử sống động của thế kỷ 20.
Nhưng, sự vĩ đại của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh không chỉ gói gọn trong các di sản và tầm vóc, mà còn ở ký ức tập thể vô cùng gần gũi về mặt con người. Trong rất nhiều cuộc trả lời phỏng vấn trước đây, Raymond Aubrac – người bạn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nói rằng, điều mà ông ấn tượng nhất nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh là cách mà ông luôn có thể bắt đầu câu chuyện ngay lập tức với bất cứ người đối thoại nào một cách bình đẳng và thân thiện, dù người đó có là Bộ trưởng, Đại sứ công nhân lao động hay chỉ là người làm vườn.
Jean-Pierre Brard, cựu Nghị sĩ Pháp và cựu Thị trưởng thành phố Montreuil, thì cho rằng, là con người luôn khát khao học hỏi ngay từ những ngày đầu tiên bôn ba thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiểu rõ rằng, con đường đầu tiên dẫn đến độc lập là con đường học hỏi và đó là đóng góp lớn của lãnh tụ Việt Nam cho các dân tộc thuộc địa khác trên thế giới. “Năm 2005, chúng tôi lên ý tưởng về một chương trình hợp tác Việt Nam- Mali. Đoàn chúng tôi, gồm có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam, được đón tiếp tại Phủ Tổng thống Mali ở thủ đô Bamako. Khi vị Thứ trưởng mở lời phát biểu theo thủ tục lễ tân, Tổng thống Mali đã ngay lập tức dừng lại và nói rằng ông ấy không bao giờ quên là những người thầy đầu tiên của Mali sau ngày độc lập là người Việt Nam. Đó là năm 1960, Việt Nam khi đó rất nghèo nhưng vẫn gửi giáo viên đến Mali để giúp nước này giành độc lập thực sự, sau khi có được độc lập hình thức. Điều đó thật tuyệt vời”, ông nói.
Không chỉ giữ sự đoàn kết, nhân hòa với các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, đối với chính nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cũng luôn duy trì được một mối quan hệ thiện cảm, bất chấp các sóng gió lịch sử giữa hai bên. Nhà sử học Claude Dulong-Sainteny, phu nhân của ông Jean Sainteny - Trưởng phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Pháp tại nước Việt Nam DCCH, kể lại một bữa ăn tối cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1956 và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc trò chuyện nói từ trái cây Việt Nam cho đến lời hỏi thăm cả về những chính trị gia và quan chức Pháp, mà như bà thuật lại,“cứ như thể chưa từng có cuộc chiến nào diễn ra giữa hai bên”.
Từ hành trình của một thanh niên ra đi để tìm hiểu tường tận về xã hội của kẻ cai trị đến phong thái của một nhà ngoại giao - văn hóa lớn, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã giành được sự tôn trọng và kính nể của chính người Pháp, để rồi trở thành một phần của ký ức tập thể của nước Pháp, như lời khẳng định của Mathieu Tome, thành viên Hội đồng, phụ trách các vấn đề về lịch sử của thành phố Montreuil, nơi đang lưu giữ những dấu ấn đậm nét nhất của Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh trên đất Pháp: “Lịch sử về Hồ Chí Minh là một phần của lịch sử nước Pháp và là một phần trong ký ức tập thể của chúng tôi. Trong nhân cách của Hồ Chí Minh, có một điều đáng ngưỡng mộ, đó là, mặc dù đất nước mình bị Pháp chiếm đóng, mặc dù luôn khát khao chiến đấu vì quê hương, nhưng Hồ Chí Minh không nuôi bất cứ lòng thù hận nào đối với nước Pháp và nhân dân Pháp”.
Quang Dũng/VOV-Paris
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Dấu ấn đậm nét, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, trên đất Pháp
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5