Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 24/04/2020

VOV.VN -Dấu ấn về tài chỉ huy, tài thao lược của Đại tướng Lê Đức Anh đối với cánh quân phía Tây -Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ còn lưu mãi.

Đại tướng Lê Đức Anh - người chỉ huy cuối cùng của 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975 đã ra đi. Nhưng những dấu ấn về tài chỉ huy, tài thao lược của ông đối với cánh quân phía Tây -Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sẽ còn lưu mãi trong lòng quân và dân ta.

dau an cua dai tuong le duc anh trong chien dich ho chi minh hinh 1
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn. Trong Chiến dịch này, Trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn (đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Từng là người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, PGS-TS Hà Minh Hồng – nguyên Trưởng khoa lịch sử - Đại học Khoa học & Xã hội Nhân văn TPHCM đánh giá, trong 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975 thì cánh quân hướng Tây-Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh chiến dịch chỉ huy (thời điểm này nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh mang hàm Trung tướng) có những khó khăn nhất định. Đây là khu vực có địa hình chia cắt bởi những con sông lớn, chỉ có con đường duy nhất là Quốc lộ 4. Bên cạnh đó, ở ĐBSCL, ngoài một quân đoàn nguyên vẹn lực lượng, thì địch vẫn còn các sư đoàn không quân, hải quân.

dau an cua dai tuong le duc anh trong chien dich ho chi minh hinh 2
PGS-TS Hà Minh Hồng

Trong thế trận ở hướng Tây-Tây Nam, việc giữ cầu, chiếm giữ Quốc lộ 4 mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Vì nếu làm chủ được Quốc lộ 4, chúng có thể sẽ kéo dài được cuộc chiến, ngược lại nếu tuyến đường này bị cắt đứt thì khi Sài Gòn thất thủ, vấn đề ở ĐBSCL gần như cũng đã được giải quyết.

PGS-TS Hà Minh Hồng phân tích: "Tây -Tây Nam có con đường số 4 là con đường độc đạo. Nếu Ngụy giữ được con đường đó thì có hai khả năng, một là Sài Gòn tử thủ để dưới kia kéo lên, hai là nếu Sài Gòn bị đánh thì có thể kéo về tử thủ ở Cần Thơ. Ngược lại, nếu bị cắt thì coi như bị cắt đứt, coi như là cô lập toàn bộ, coi như Sài Gòn phải đầu hàng, và nếu Sài Gòn đầu hàng thì coi như toàn bộ ĐBSCL không còn khả năng chống trả. Việc này mang tính quyết định"

Chặt đứt Quốc lộ 4 là mệnh lệnh cấp thiết trong chiến lược quân sự của cánh Tây -Tây Nam. Cho nên, 2 tháng trước chiến dịch, Sư đoàn 5 đã có mặt phối hợp cùng lực lượng vũ trang tại chỗ chiếm giữ đoạn từ Tân An tới Bến Lức (Long An).

Chiều ngày 26/4, hiệu lệnh của chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu khởi động, 5 cánh quân cùng thực hiện các cuộc tổng tiến công. Khoảng 3 giờ sáng ngày 27/4/1975, Sư đoàn 5, Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang đánh cắt Quốc lộ 4. Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh – Lộc Giang, đồng thời đảm bảo cho Sư đoàn 9 cùng khí tài quân sự vượt sông….

Trước thế trận tấn công như vũ bão của quân và dân ta, đến ngày 29/4/1975 mọi ý định tử thủ và tìm cách rút quân về Cần Thơ của chúng sụp đổ hoàn toàn. Trưa ngày 30/4, cánh quân hướng Tây–Tây Nam cùng 4 cánh quân khác đã họp mặt tại Dinh Độc lập, chứng kiến cảnh Tổng thống Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.

Theo PGS-TS Hà Minh Hồng, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cánh quân Tây-Tây Nam đã đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ của chiến dịch khi sớm làm chủ chiến trường, kìm giữ chân địch, tạo điều kiện cho các cánh quân sớm hoàn thành nhiệm vụ. Tài chỉ huy của Trung tướng Lê Đức Anh cũng được thể hiện rõ qua cách sử dụng con đường bạo lực cách mạng, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, huy động lực lượng của nhân dân tham gia cuộc chiến. Ông cũng đã tận dụng được sự giúp đỡ của nhân dân để vượt sông, giữ cầu, đánh chiếm cắt đường….

Ngoài sức mạnh quân sự với sự hợp nhất sức mạnh tổng lực của quân chủ lực với quân dân địa phương, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh – Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, sức mạnh chính trị của nhân dân và đặc biệt uy danh của người đầu cánh quân Tây-Tây Nam cũng khiến địch khiếp sợ.

dau an cua dai tuong le duc anh trong chien dich ho chi minh hinh 3
TS Nguyễn Việt Hùng

"Sức mạnh quân sự của chúng ta với sự hỗ trợ sức mạnh chính trị của đồng bào cũng cảm hóa cả đối phương khi phần lớn các đơn vị đối phương phòng thủ ở hướng Tây -Tây Nam án binh bất động hoặc đầu hàng rã ngũ. Có nơi còn hợp tác với quân giải phóng để nhanh chóng kết thúc sớm chiến tranh. Có thể nói chính nghĩa của chúng ta gắn với tên tuổi của nhà quân sự lừng danh Lê Đức Anh làm địch khiếp sợ", Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Dấu ấn quân sự và tài thao lược của Trung tướng Lê Đức Anh đối với cánh quân phía Tây- Tây Nam rất rõ, đó là kinh nghiệm trận mạc của ông ở chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ những năm 1969-1970, đặc biệt là sau Hiệp định Paris và đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chính uy danh của ông cùng uy lực của lực lượng bộ đội chủ lực, sự hiệp đồng tác chiến của nhân dân đã tạo nên vị thế của cánh quân phía Tây - Tây Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh./.

Từ khóa: lê đức anh, đại tướng lê đức anh, chiến dịch hồ chí minh, dấu ấn lê đức anh, nguyên chủ tịch nước lê đức anh

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập