Đất đấu giá ở nông thôn: vì sao “nóng”?
Cập nhật: 02/11/2024
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Thời gian gần đây, dư luận xã hội xôn xao về những phiên đấu giá đất ở nông thôn Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức… với lượng hồ sơ đăng ký lớn, thời gian đấu kéo dài đến gần 20 tiếng đồng hồ, đặc biệt là mức giá trúng đấu giá lên đến cả trăm triệu.
“Ô đất trúng đấu giá cao nhất là ô góc, giá 133,3 triệu/m2. Ô thấp nhất cũng 92 triệu đồng/m2. Giờ người ta và tiền khá nhiều rồi, khoảng 50% rồi. Hôm đó, ô 133 triệu đấu 9-10 vòng xong người ta không cho đấu nữa, phải bắt thăm.” - Trong vai nhà đầu tư đi mua đất, phóng viên được một môi giới tên Vân dẫn đi giới thiệu khu đất đấu giá tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Cuối tháng 8/2024, chính quyền huyện Hoài Đức tổ chức phiên đấu giá được cho là xác lập nhiều kỷ lục nhất từ trước tới nay đối với đất ở khu vực nông thôn như: Hồ sơ tham gia đông nhất, phiên đấu lập “kỷ lục” nhất (9 vòng đấu, kéo dài 19 tiếng, từ 9h sáng hôm trước đến gần 5h sáng hôm sau), kết quả trúng đấu giá cao nhất - gấp 18 lần giá khởi điểm.
Chẳng ai đoán được, giá đất ở “làng” mà lại cao như vậy.
Cả trăm triệu đồng/m2 đất ở nông thôn, tất nhiên người dân ở làng, ở xã - nơi chủ yếu sống bằng nghề nông thì không đủ tiền mua đất. Họ khẳng định "toàn thiên hạ chứ người làng không có nhiều tiền mà đầu tư."
Ngay sau khi kết thúc phiên đấu giá, nhiều sàn môi giới "mọc" lên cạnh khu đất với những tấm biển quảng cáo đủ mọi kích thước, trải dài từ đầu đến cuối khu Lòng Khúc.
Môi giới bất động sản tên Vân cho biết một số người trúng đấu giá cũng đã tới những văn phòng bất động sản này để "gửi" hàng: "Họ bán lại với giá chênh. Đợt vừa đấu xong thì chênh ít, chỉ 200 triệu/mảnh thôi nhưng đợt này chênh cao hơn vì họ vào tiền hết rồi."
Khi thấy "khách" băn khoăn về giá, H. - một môi giới bất động sản khác cho biết đất ở đây "đắt xắt ra miếng", vì nơi đây có vị trí rất đắc địa, chẳng ở đâu có:
Khu này sát 1 số đường giao thông lớn như đại lộ Thăng Long và đang có dự án làm đường Vành đai 4 kết nối với nhiều tuyến giao thông lớn. Từ đây đến Bệnh viện Nhi Hà Nội và Bệnh viện Phụ sản Trung ương khu vực Quốc Oai chưa đầy 10km. Hơn nữa, đất ở khu vực Hoài Đức cao hơn Quốc Oai bởi vì đây nằm trong khu vực bảo vệ. Nếu lũ về thì thường về bên kia sông Đáy. Khu này còn có 2 cái hồ điều hòa, rộng mát, sân bóng nữa.
Theo dự kiến, ngày 4/11, cũng chính tại nơi đây sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá đợt 2. Cũng như lần trước, hồ sơ bán ra cũng đã đạt kỷ lục, hơn ai hết, các văn phòng môi giới bất động sản cũng đang nóng lòng chờ “hàng”. Các môi giới cho biết ngay khi chuẩn bị ra lịch đợt 2, đã có rất nhiều người xuống xem đất đấu giá và đất thổ cư của làng.
Chỉ cần khách có nhu cầu, những môi giới bất động sản này sẵn sàng giới thiệu thêm cho khách hàng nhiều dòng sản phẩm bất động sản khác tại huyện Hoài Đức như đất thổ cư, đất dịch vụ, đất vườn... Ngay cả chính môi giới bất động sản cũng ngạc nhiên khi đất làng mình “được giá” đến vậy:
Đất ở làng em tăng chóng mặt luôn. Em vẫn nhớ năm ngoái giá đất chỉ hơn 40 triệu đồng/m2, nay thì đất ở trong làng, nơi ô tô đi được đã lên đến 80 triệu/m2.
Đất ở nông thôn huyện Hoài Đức có bị “thổi giá”, khi đất “neo” ở mức giá cao, có ảnh hưởng gì đến an sinh xã hội trên địa bàn? chính quyền làm gì để việc đấu giá đất công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng “bỏ cọc” khi trúng đấu giá? Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một chương trình gần đây.
Từ khóa: đất, Đất đấu giá ở nông thôn, Đất đấu giá, giá đất tăng, Đất đấu giá ở hà nội
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: việt anh/vov2
Nguồn tin: VOVVN