Đảng viên ở Quảng Nam: Hạt nhân lãnh đạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 4 giờ trước

VOV.VN - Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, vai trò đảng viên và tổ chức Đảng ở cơ sở được nâng cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép với các chương trình, dự án khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân giảm nghèo bền vững.  Tại những nơi này, vai trò của tổ chức đảng và đảng viên đã nâng cao, phát huy được vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nằm ven đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 14B. Các con đường nhỏ từ Quốc lộ 14B vào các thôn đều được bê tông sạch đẹp. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống người dân có nhiều khởi sắc. Đây cũng là xã được huyện Phước Sơn chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn có sự chung tay đóng góp của người dân địa phương, trong đó, vai trò tiên phong của đội ngũ đảng viên, già làng, người có uy tín được phát huy. Tại thôn Nước Lang, có hàng chục hộ dân tham gia hiến đất, hiến cây, ủng hộ ngày công để địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Anh A Thắm, ở thôn Nước Lang, xã Phước Xuân cho biết, là 1 đảng viên trẻ, anh luôn nỗ lực phát triển kinh tế và sẵn sàng góp công, góp của cùng địa phương xây dựng quê hương: “Là 1 đảng viên, bản thân tôi luôn thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Tôi cũng sẵn sàng nhường đất để địa phương mở rộng đường giao thông, rồi tham gia ngày công để xây dựng các công trình dân sinh”.

Xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Giẻ Triêng. Những năm qua, Lãnh đạo xã Phước Xuân tranh thủ nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò, dê cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn gần 19%.

Ông A Sang Dí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn cho biết, Đảng ủy xã quán triệt cán bộ, đảng viên đi đầu trong thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia: “Vấn đề thu nhập của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con tích cực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, chúng tôi chỉ đạo các chi bộ, các Hội, đoàn thể đăng ký giúp đỡ hộ nghèo. Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh chịu trách nhiệm mỗi năm giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo. Chúng tôi cũng chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo”.

Từ năm 2021 đến 2024, tổng nguồn vốn của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia đầu tư cho huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam là hơn 640 tỷ đồng. Với nguồn lực này, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng 65 công trình hạ tầng cơ sở quan trọng, thiết yếu, góp phần quan trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào. Năm nay, huyện Phước Sơn được thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội: Về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Huyện mạnh dạn điều chỉnh những tiểu dự án, dự án không cần thiết sang các dự án khác phù hợp với thực tiễn địa phương.

Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho rằng, để cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phát huy tinh thần “dám nghĩ dám làm” thì cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ: “Trong Nghị quyết 111 của Quốc hội, được giao cho một huyện thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù. Mọi quyết định điều chuyển nguồn vốn từ dự án này qua dự án kia, từ chương trình này qua chương trình kia thuộc thẩm quyền của HĐND huyện. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, có vấn đề gì vướng hoặc hạng mục nào không giải ngân được, ví dụ như hết đối tượng hưởng thụ hay như tỷ lệ giải ngân thấp thì huyện mạnh dạn điều chỉnh qua dự án khác”.

Nam Giang cũng là một trong những huyện miền núi cao khó khăn của tỉnh Quảng Nam. Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương này đã lồng ghép các nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Nhờ đó, đến nay, tại huyện miền núi này, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện; hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, thôn, bản đã bê tông hóa; hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, đảm bảo phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 

Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định tập trung nâng cao và phát huy vai trò của đảng viên và tổ chức đảng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

“Hết sức quan tâm chỉ đạo làm sao Đảng viên phải gương mẫu trong phát triển kinh tế xã hội để nhân dân noi theo. Bởi cũng có thời gian do có nhận thức tư tưởng ỷ lại không muốn thoát nghèo. Cho nên Huyện ủy phải chỉ đạo, Đảng viên phải gương mẫu trong chương trình này”, ông Lê Văn Hường nói.

Những kết quả đạt được từ các chương trình mục tiêu quốc gia ở tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua rất thiết thực. Qua đó, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị và sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo điều hành, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, các địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Nổi bật là vai trò của đảng viên và tổ chức Đảng ở cơ sở ngày càng được nâng cao. 

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, vai trò đảng viên và tổ chức Đảng ở cơ sở được nâng cao đã góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

“Vai trò nêu gương của cán bộ Đảng viên, gương mẫu thực hiện chương trình này. Nếu chúng ta không nêu gương, không thực hiện thì chắc chắn rằng, đồng bào không thể nghe được. Vì vậy tôi cho rằng, đây là nguyên  nhân rất là quan trọng. Hay nói cách khác là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Việc nêu gương của cán bộ, Đảng viên phải thật sự trở thành tấm gương sáng trong thực hiện chương trình này thì chúng ta mới thực hiện được chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết 88 của Quốc hội”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Những năm qua, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam quan tâm thực hiện. Từ năm 2022 đến năm 2024, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phân bổ cho tỉnh Quảng Nam hơn 2.000 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống, được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, chuyển đổi nghề. 

Từ khóa: Quảng Nam, Đảng viên gương mẫu, Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thể loại: Nội chính

Tác giả: pv/vov -miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập