"Đảng viên làm giàu như thế nào là chính đáng?"
Cập nhật: 05/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Quan điểm khuyến khích đảng viên làm giàu là đúng, phù hợp với thời đại nhưng chưa chặt chẽ khi chưa xác định được rõ ràng thế nào là làm giàu chính đáng
Sáng 5/11, Câu lạc bộ Thăng Long (nơi sinh hoạt của những cán bộ trung, cao cấp của Trung ương và thành phố Hà Nội đã nghỉ hưu) tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Tư duy không phù hợp sẽ là lực cản
Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng sáng 5/11 do , ông Nguyễn Tử Tuấn, thành viên CLB quan tâm đến các đột phá chiến lược được nêu trong Dự thảo văn kiện. Nhấn mạnh, việc dự thảo văn kiện đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng là chính xác, tuy nhiên ông cho rằng cần bổ sung thêm 1 đột phá nữa là đột phá về tư duy lý luận. Đây sẽ là đột phá của mọi đột phá, có tính cơ bản, bao trùm, mở đường cho các đột phá khác.
Ông Tuấn cho rằng, thế kỷ 21 đã có những thay đổi cơ bản, bước ngoặt so với thế kỷ 20. Do vậy không thể dùng tư duy lý luận của thế kỷ 20 để giải quyết những vấn đề của thế kỷ 21. Tư duy lý luận không phù hợp sẽ là lực cản vô hình kìm hãm các đột phá khác.
Đột phá tư duy lý luận phải kiên định nguyên tắc cơ bản: Đảng lãnh đạo, kiên định lý tưởng, mục tiêu, mục đích của cách mạng Việt Nam, như Bác Hồ đã khái quát, tinh lọc gồm 4 chữ: Dân giàu, nước mạnh. Dân không giàu, nước không mạnh thì không thể thành nước phát triển, khó có thể giữ vững chế độ XHCN.
Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng, mục đích đó, theo ông Nguyễn Tử Tuấn có thể lựa chọn nhiều cách thức, phương tiện khác nhau, sao cho phù hợp và hiệu quả với bối cảnh, đặc điểm tình hình từng giai đoạn phát triển. Có nghĩa tư duy lý luận phải mở, linh hoạt và sáng tạo. Nếu tư duy lý luận theo kiểu “đẽo chân cho vừa giày” là tự hãm mình, khó có thể đột phá, chưa nói đến việc mở đường cho các đột phá khác.
“Thực hiện đột phá về tư duy lý luận, theo tôi cần tuân thủ một trong những điểm cơ bản trong triết học Mác, đó là: Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Theo quan điểm của Cụ Hồ, tiêu chuẩn của chân lý là ích nước, lợi dân. Cái gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm. Cái gì có hại cho dân thì phải tuyệt đối tránh. Đó là chân giá trị tư tưởng, triết học Hồ Chí Minh”, ông Tuấn phân tích.
Nhận định về những đánh giá trong Dự thảo văn kiện về thực hiện điều lệ, cương lĩnh của Đảng, ông Tuấn cho rằng, nhiệm kỳ qua chúng ta thực hiện tốt điều lệ, cương lĩnh của Đảng, tuy nhiên cần phải điều chỉnh, làm rõ hơn một điều rất quan trọng trong cương lĩnh, đó là khuyến khích đảng viên làm giàu chính đáng.
Cho rằng đây là một quan điểm đúng, phù hợp với thời đại, nhưng theo ông Tuấn là chưa đủ, chưa chặt chẽ khi chưa xác định được rõ ràng thế nào là làm giàu chính đáng, nên xảy ra tình trạng nhà nhà làm giàu.
“Đảng viên làm giàu nhờ làm kinh tế là vô cùng đúng đắn và quý giá, nhưng đảng viên, cán bộ lương ba cọc ba đồng, làm giàu nhờ bổng lộc, nhờ lũng đoạn, tha hóa, lạm quyền thì là tai họa cho Đảng, cho dân, cho nước. Vì nó không chỉ làm tổn hại tài sản quốc gia, làm tài sản quốc gia chảy vào túi quan chức, mà nguy hại hơn, nó là nguyên nhân chính làm tha hóa cán bộ, đảng viên, tổ chức, và hủy hoại uy tín của Đảng”, ông Tuấn bày tỏ.
Cần nghiêm minh về tổ chức
Ông Trần Quân Bảo, thành viên CLB, đề nghị sửa một số câu từ trong phương châm về xây dựng Đảng. Theo ông Bảo, phương châm được nêu trong Dự thảo Báo cáo là “Xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”, thì nên sửa lại là “Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, nghiêm minh về tổ chức, cán bộ và gương mẫu về đạo đức, lối sống”.
Theo ông Bảo, sự kiên định về chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối đối mới là sự nhất quán về chính trị, tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên nhằm chống lại sự dao động, hoài nghi, mơ hồ, thiếu tin tưởng đối với đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, đạt tới sự đoàn kết, nhất trí cao, vững vàng trong nhận thức và hành động.
Nghiêm minh về tổ chức cán bộ đòi hỏi sự minh bạch từ lịch sử gia đình, bản thân cho tới học vấn, tài sản và sự công bằng, công khai trong đào tạo, đề bạt, sử dụng cán bộ, củng cố lòng tin trong toàn Đảng, toàn dân, thực sự gắn bó ý Đảng, lòng dân.
Gương mẫu về đạo đức, lối sống không chỉ trong lời nói mà bằng hành động của bản thân và gia đình, chống mọi cử chỉ, hành động có hại cho lợi ích đất nước và cộng đồng, xa lạ cách biệt với nhân dân, trái với phong tục tập quán của dân tộc để thực sự xứng đáng là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Bày tỏ nhất trí với chủ đề của Đại hội với việc đưa ra 5 thành tố rất cụ thể, rõ ràng, ông Khúc Văn Quý, ở quận Hai Bà Trưng, thành viên CLB, cho rằng, việc đưa thành tố “Xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” lên hàng đầu thêm một lần nữa khẳng định vị trí, ý nghĩa của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là rất cần thiết và vô cùng quan trọng, tổ chức Đảng các cấp phải thường xuyên quan tâm. Thành tố thứ hai “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” là rất mới, tuy nhiên nên bổ sung thêm cụm từ “Phồn vinh, hạnh phúc” tiếp theo sau cụm từ trên, như vậy sẽ thể hiện cụ thể và làm rõ thêm ý nghĩa nội hàm, mục tiêu của cụm từ “khát vọng”.
Quan tâm đến nội dung tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, bà Bùi Thị Hiệp, thành viên CLB, cho rằng, dự thảo chưa nêu rõ giải pháp để đưa Việt Nam trở thành nước Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa trong khi ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo của ta còn rất khiêm tốn.
5 năm qua, chủ yếu ngành công nghiệp vẫn thiên về lắp ráp, gia công nên phụ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài (như công nghiệp dệt may, da giày, đồ dùng gia dụng); công nghiệp nhẹ cũng thiếu bền vững.
Bà Hiệp cũng đề nghị Ban soạn thảo văn kiện cần có nghiên cứu, khảo sát, bổ sung, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2021 cho đầy đủ, để những đánh giá về mục tiêu tăng trưởng, tỷ lệ giảm nghèo, an sinh xã hội, các chỉ tiêu kinh tế xã hội…. sát với thực tế hơn bởi sau 2 lần giãn cách xã hội, đặc biệt sau thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung vừa qua, nhiều gia đình trở nên trắng tay, một tỷ lệ không nhỏ lao động bị mất việc./.
Từ khóa: Góp ý văn kiện, văn kiện Đại hội 13, Câu lạc bộ Thăng Long, đảng viên làm giàu, làm giàu chính đáng, đột phá về tư duy lý luận
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN