Đằng sau việc Mỹ lại hoãn sản xuất “siêu tiêm kích” thế hệ năm F-35

Cập nhật: 01/11/2020

VOV.VN - Do quá trình thử nghiệm bị trì hoãn, Lầu Năm Góc buộc phải hoãn việc khởi động sản xuất công suất đầy đủ tiêm kích cơ đa năng tàng hình hiện đại bậc nhất thế giới F-35, được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.

Trước khi Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép bắt đầu sản xuất với công suất đầy đủ, “siêu tiêm kích” F-35 phải vượt qua một loạt các bài kiểm tra thử nghiệm với hình thức mô phỏng phức tạp, trong đó bao gồm một số tình huống, mối đe dọa đặc biệt không thể thực hiện được trong huấn luyện. Các cuộc thử nghiệm môi trường mô phỏng chung (Joint Simulation Environment - JSE) kéo dài một tháng, sử dụng một bản sao kích thước đầy đủ của buồng lái F-35 được trang bị các hệ thống chiến đấu, cảm biến và thiết bị điện tử để chứng minh máy bay có thể hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt nhất với hệ thống phòng thủ và các đối thủ trên không là các phi công Trung Quốc và Nga.

Tại căn cứ Không quân Sông Patuxent của Hải quân Mỹ ở Maryland, một phi công sẽ tác nghiệp trong một môi trường với chế độ quan sát 360 độ mô phỏng đầy đủ các mối đe dọa trên không và mặt đất đã được phân loại, đồng thời phối hợp tác chiến các máy bay đồng minh. Các cuộc thử nghiệm JSE là bước cuối cùng trong giai đoạn thử nghiệm và đánh giá hoạt động ban đầu (Initial Operational Testing and Evaluation - IOT & E) của F-35, sau đó nó sẽ được chứng nhận để sản xuất với công suất đầy đủ, cho phép Lầu Năm Góc mua các lô máy bay phản lực lớn hơn.

Tuy nhiên, môi trường mô phỏng chung JSE và “F-35 trong hộp” (“F-35 in a box”), một thiết bị mô phỏng bay công nghệ cao cần thiết để đánh giá khả năng của máy bay tàng hình, vẫn chưa sẵn sàng cho thử nghiệm. Việc thử nghiệm ban đầu được lên kế hoạch cho năm 2017 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần vì “chương trình đã phải vật lộn để phát triển phần mềm phức tạp và chức năng cần thiết”.

F-35 sẽ không được sản xuất với công suất đầy đủ trong vòng ít nhất 13 tháng, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ellen Lord. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ thì cho biết, các cuộc thử nghiệm như vậy đã chuyển sang năm 2021 thay vì tháng 12/2020. Ngay cả khi trình mô phỏng trực tuyến vào tháng 1/2021, sẽ mất vài tháng để đánh giá, có nghĩa là việc tiến tới sản xuất công suất đầy đủ không có khả năng xảy ra trước tháng 3/2021. Còn Defense News đưa tin, quyết định bắt đầu sản xuất trở lại có thể bị hoãn cho đến cuối năm sau.

Không rõ chính xác các tình huống hoặc mối đe dọa nào được đề cập đến, nhưng theo một số nhà quan sát, có thể bao gồm các kịch bản hạt nhân. Đầu năm nay, Lầu Năm Góc đã công bố các bức ảnh cho thấy F-35 đang thử nghiệm khả năng mang và thả bom trọng lực nhiệt hạch B61-12 mô phỏng, và chiếc máy bay này dự kiến sẽ thay thế máy bay được chứng nhận có thể sử mang vũ khí hạt nhân trong một loạt lực lượng không quân các nước châu Âu, bao gồm Ý, Hà Lan và Bỉ.

Đại dịch COVID-19 với việc lock-down trên toàn nước Mỹ bắt đầu vào tháng 3 đã đóng cửa Căn cứ Không quân Edwards ở California - nơi công việc mô phỏng đang được thực hiện, là một phần lý do về sự chậm trễ. Tháng 8, Không quân Mỹ đã phê duyệt hợp đồng xây dựng hai cơ sở thử nghiệm lớn tại Edwards và Căn cứ Không quân Nellis ở Nevada, nơi sẽ không chỉ đặt JSE mà còn có các thiết bị mô phỏng cho các máy bay tương tự khác như F-22 Raptor, một máy bay đánh chặn khác cũng do Lockheed Martin chế tạo.

Tuy nhiên, Defense News cho biết, việc khởi động sản xuất toàn bộ F-35 là một quyết định mang tính biểu tượng, vì Lầu Năm Góc đã mua máy bay chiến đấu với số lượng đủ để sản xuất hàng loạt. Hiện tại, việc sản xuất F-35 sẽ tiếp tục trong giai đoạn nhịp độ thấp. Lockheed sử dụng khoảng 2.500 công nhân cho dây chuyền sản xuất F-35 ở Fort Worth. Với tốc độ sản xuất hết công suất, Lockheed có thể cho xuất xưởng 14 chiếc mỗi tháng, hay 168 chiếc F-35 mỗi năm.

F-35 - sản phẩm của chương trình trị giá 398 tỷ USD, đã được đưa vào hoạt động từ năm 2016; Lầu Năm Góc mua được 134 máy bay loại này và chuyển giao một số cho các đồng minh của Mỹ trong năm 2019. Tháng 3/2020, tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố đã bàn giao máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thứ 500 là phiên bản F-35A cho khách hàng.

Trong tổng số 500 chiếc F-35 được sản xuất và chuyển giao, 354 máy bay là biến thể F-35A (dành cho Không quân), 108 máy bay là F-35B (dành cho Hải quân) và 38 là F-35C (dành cho Thủy quân Lục chiến). Tính đến ngày 1/10, hơn 570 máy bay trong số các máy bay đã được chuyển giao cho quân đội Mỹ và đồng minh theo chương trình dự kiến với tổng số hơn 3.200 chiếc.

Lockheed Martin đã báo cáo rằng họ sẽ cung cấp 121 trong số các máy bay phản lực trong năm nay, thấp hơn 20 chiếc so với dự báo 141 chiếc. Nhà thầu quốc phòng này cho biết họ sẽ tăng sản lượng lên khoảng 14 chiếc mỗi tháng, với mục tiêu cung cấp 160 chiếc vào năm tới.

Việc sản xuất F-35 theo công suất thiết kế sẽ là dấu hiệu máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến thế hệ thứ năm đã được thử nghiệm đầy đủ. Quan trọng hơn, sự chấp thuận này có nghĩa là máy bay được coi là có hiệu quả chống lại các mối đe dọa từ các đối thủ tiềm năng, đồng thời nó cũng có thể đáp ứng các mục tiêu bảo dưỡng và hạn ngạch sản xuất. Vấn đề hoãn thời hạn bắt đầu sản xuất F-35 với công suất đầy đủ cũng mang tính biểu tượng không kém JSE; nó phản ánh hiệu quả và niềm tin với chương trình./.

Từ khóa: Đằng sau việc Mỹ lại hoãn sản xuất “siêu tiêm kích” thế hệ năm F-35, thử nghiệm JSE, Lockheed Martin

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập