Đăng ký hộ kinh doanh cá thể - cần phải làm những gì?
Cập nhật: 25/04/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
[VOV2] - Bắt đầu bước vào con đường kinh doanh, nhiều người thường phân vân không biết nên thành lập doanh nghiệp tư nhân hay đăng ký hộ kinh doanh cá thể để phù hợp với quy mô hoạt động của bản thân.
Phóng viên chương trình "Cầm tay chỉ luật" - VOV2 có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Công ty Luật Aladin để giúp các bạn hiểu rõ thêm về việc đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể.
PV: Luật sư có thể giải thích giúp thính giả biết rõ hơn hộ kinh doanh cá thể là gì và ai nên đăng ký hộ kinh doanh cá thể? Với trường hợp của thính giả mà chúng ta vừa nghe thì theo luật sư, thính giả có nên đăng ký hộ kinh doanh cá thể hay không?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp nên Luật doanh nghiệp cũng không có quy định về loại hình này. Việc đăng ký và hoạt động của Hộ kinh doanh do Chính phủ quy định tại Nghị đinh 01/2021/NĐ-CP ngày 04/02/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Một số đặc điểm pháp lý để nhận biết hình thức Hộ kinh doanh như sau:
Đối tượng có quyền thành lập hộ kinh doanh: Cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh. (Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP); Cá nhân, thành viên hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh chỉ được đăng ký 01 hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc nhưng được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại;
Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trong trường hợp thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh thì chủ hộ, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Đăng ký hộ kinh doanh áp dụng cho các hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh thường mang tính nghề nghiệp thường xuyên, ổn định, là nguồn thu nhập chính của hộ hoặc kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Đối với các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. (Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
Do đó, những cá nhân, hộ gia đình có các hoạt động sản xuất, kinh doanh thường xuyên, liên tục nhưng quy mô nhỏ lẻ, quản lý đơn giản, dễ dàng thì nên thành lập hộ kinh doanh để có cơ sở pháp lý xác định hoạt động kinh doanh của mình.
Đối với trường hợp Quý thính giả vừa chia sẻ, những năm trước đây gia đình bạn thường sấy vải bán cho người quen, hết vụ thì không làm gì nữa nên hoạt động kinh doanh này không thường xuyên, liên tục, mang tính chất thời vụ, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ thì không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, việc tiêu thụ tăng lên, lượng khách hàng tăng lên, nếu việc kinh doanh vải sấy là hoạt động thường xuyên, liên tục, đem lại nguồn thu chủ yếu trong gia đình thì gia đình bạn phải thực hiện đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
PV: Vậy thì muốn đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh cần chuẩn bị những giấy tờ gì và làm thủ tục như thế nào, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Theo quy định của pháp luật, để đăng ký hộ kinh doanh cá thể, người đăng ký cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau: (1) là Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; (2) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh như Căn cước công dân/ Chứng minh nhân dân.
Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ngoài các giấy tờ trên cần bổ sung thêm giấy tờ pháp lý cá nhân của từng thành viên hộ gia đình; Sổ hộ khẩu gia đình; Bản sao Biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh và Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh
Ngoài ra, hộ kinh doanh có thể chuẩn bị thêm các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm hợp pháp làm trụ sở kinh doanh như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay còn gọi là Sổ đỏ; Hợp đồng thuê hoặc mượn nhà nếu thuê, mượn địa điểm kinh doanh trong trường hợp có yêu cầu hợp pháp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về thủ tục thực hiện, cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn người nộp hồ sơ sửa đổi bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ. Nếu hồ sơ đã đầy đủ thì trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Người nộp hồ sơ có thể nhận kết quả trực tiếp hoặc trả phí để nhận kết quả qua bưu điện.
PV: Công dân có thể nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể ở đâu và thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể được quy định như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Sau khi đã chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đầy đủ theo quy định, người đăng ký hộ kinh doanh (chủ hộ hoặc người được ủy quyền của chủ hộ) đến nộp trực tiếp cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh (thường là Phòng Tài chính – Kế hoạch của UBND quận/huyện) nộp hồ sơ. Tại một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ….., chủ hộ kinh doanh có thể thực hiện thủ tục qua mạng Internet.
Thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể theo quy định là 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ đó là hồ sơ hợp lệ (là hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định và nội dung giấy tờ được kê khai đầy đủ).
Nếu hồ sơ không hợp lệ thì trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ thì Cơ quan tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do, yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu có cho người nộp hồ sơ hoặc người đăng ký lập hộ kinh doanh biết.
Nếu quá thời hạn 03 ngày làm việc từ ngày nhận hồ sơ mà Cơ quan đăng ký kinh doanh không cấp Giấy chứng nhận hoặc không ra thông báo từ chối thì hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
PV: Có thính giả nếu câu hỏi: Tôi đã đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh ở TP.HCM, việc kinh doanh này ngày càng có nhiều khách ở khắp đất nước nên tôi muốn đăng ký mở thêm tại Hà Nội được không?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Theo quy định của pháp luật, mỗi cá nhân chỉ được phép đăng ký 1 hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc nên Quý thính giả không thể tự mình đăng ký thêm 1 hộ kinh doanh tại Hà Nội được. Tuy không thể đăng ký thêm 1 hộ kinh doanh nữa tại Hà Nội nhưng pháp luật cho phép việc một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Vì vậy, quý thính giả có thể đăng ký hộ kinh doanh và chọn thành phố Hồ Chí Minh làm địa điểm đăng ký trụ sở của hộ kinh doanh và đăng ký mở địa điểm kinh doanh khác tại Hà Nội. Khi mở địa điểm tại Hà Nội thì hộ kinh doanh thông báo địa điểm trụ sở chính và các địa điểm kinh doanh sẽ được mở tại Hà Nội tới Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh tại Hà Nội.
PV: Thực tế có trường hợp đã đi đăng ký hộ kinh doanh nhưng bị trả hồ sơ về vì lý do vi phạm quy định tên hộ kinh doanh. Vậy thì có hướng dẫn gì về việc đặt tên đối với hộ kinh doanh cho đúng quy định hay không, xin nhờ Luật sư hướng dẫn cho thính giả?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Việc đặt tên hộ kinh doanh cũng được pháp luật quy định cụ thể, Quý khán giả có thể tham khảo theo Điều 88 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/02/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số lưu ý như sau:
Một là tên hộ kinh doanh không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Hai là không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.
Ba là không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.
Kết cấu tên Hộ kinh doanh phải bao gồm cụm từ Hộ kinh doanh và tên riêng của hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh và tên riêng là để phân biệt với các hộ kinh doanh khác trong khu vực.
PV: Pháp luật có quy định trường hợp nào thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh không, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Trong quá trình kinh doanh, nếu hộ kinh doanh có các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình thì tùy từng trường hợp và mức độ vi phạm, hộ kinh doanh có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Các trường hợp vi phạm bị thu hồi như sau:
Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo;
Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế;
Kinh doanh ngành, nghề bị cấm;
Hộ kinh doanh do những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh thành lập;
Hộ kinh doanh không gửi báo cáo về việc tuân thủ các quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP khi cần thiết đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
PV: Trường hợp đang hoạt động kinh doanh dưới dạng hộ kinh doanh, lại muốn chuyển đổi loại hình sang doanh nghiệp thì có được không? Nếu được thì thủ tục ra sao?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Pháp luật hiện hành cho phép hộ kinh doanh cá thể trực tiếp thực hiện thủ tục chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH,…
Để chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp khác, người đăng ký chuyển đổi thực hiện thủ tục hành chính tương tự như khi thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thị hành.
Do việc thành lập doanh nghiệp trên cơ sở đăng ký chuyển đổi từ hộ kinh doanh nên ngoài các thành phần hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện hành thì hộ kinh doanh nộp kèm thêm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế - là các loại giấy tờ chứng minh hoạt động hộ kinh doanh trước đó, làm cơ sở cho việc chuyển đổi.
Nơi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp là phòng đăng ký kinh doanh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty đặt trụ sở.
Cách thức nộp hồ sơ: Người nộp hồ sơ có thể nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc nộp online qua mạng Internet trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Lưu ý hiện nay có một số tỉnh/ thành phố bắt buộc nộp hồ sơ online qua mạng Internet mà không nhận hồ sơ trực tiếp nên Quý thính giả nên tìm hiểu trước khi thực hiện để tránh mất thời gian.
Về thời gian giải quyết hồ sơ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng sẽ có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
PV: Thưa Luật sư, trong trường hợp 1 người đứng tên đăng ký hộ kinh doanh cá thể và đang kinh doanh nhưng nay có việc nên muốn thuê người quản lý hoạt động kinh doanh, như vậy có được hay không? Pháp luật quy định vấn đề này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Bình: Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì "chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh". Do đó, Chủ hộ kinh doanh vẫn có thể thuê người quản lý hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh vẫn thuộc về chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh.
Xin cảm ơn luật sư Nguyễn Văn Bình.
Từ khóa: đăng ký hộ kinh doanh cá thể, hồ sơ, thủ tục
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2