Dân ngại ra tòa vì thủ tục tố tụng phức tạp?
Cập nhật: 25/09/2019
Ngày cuối cùng của Tổng thống Biden ở Nam Carolina trước khi kết thúc nhiệm kỳ
Quan hệ sâu đậm giữa CIA và tình báo Ukraine trong xung đột với Nga
VOV.VN - Trong cuộc sống thường nhật, có những mâu thuẫn tưởng nhỏ nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.
Nếu như ở nước ngoài, người dân có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết các tranh chấp nhỏ như chuyện nuôi chó mèo ở chung cư, hay hát karaoke gây ồn ào, thì người Việt lại thường chọn cách phàn nàn hoặc gửi đơn ra phường. Vì sao lại như vậy? Phải chăng vì thủ tục tố tụng quá phức tạp?
Việc nuôi chó mèo ở các căn hộ chung cư hiện nay rất phổ biến. Người thích thì cho rằng đó là thú vui và là quyền riêng tư của họ. Những người không thích thì lại thấy không thoải mái. Vì lẽ đó, việc có được phép nuôi những vật nuôi này ở chung cư hay không vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đó chỉ là những tranh cãi trong phạm vi khu dân cư, thường không được đưa ra giải quyết trước pháp luật.
(Ảnh minh họa) |
Theo Thông tư số 02/2016 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, một trong số các hành vi bị nghiêm cấm khi sống ở chung cư là chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm. Luật Chăn nuôi 2018 quy định: “Gia súc là loại động vật có vú, có 4 chân, được con người thuần hoá và chăn nuôi; gia cầm là các loại động vật có 2 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh, được con người thuần hoá và chăn nuôi”.
Theo định nghĩa này thì chó, mèo cũng được coi là những loài gia súc thay vì chỉ gồm những vật nuôi để lấy sức kéo, lấy thịt theo định nghĩa truyền thống như trâu, bò, dê, cừu. Do đó, xét ở góc độ này, việc cấm nuôi chó, mèo ở trong chung cư là có cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, việc cấm nuôi chó, mèo ở chung cư phụ thuộc vào nội quy riêng của từng chung cư, được xây dựng dựa trên sự thống nhất với các cư dân của chung cư đó. Phần lớn mọi người đều cho rằng, việc nuôi chó, mèo ở chung cư là bất tiện vì gây mất vệ sinh chung và ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Vì vậy, nhiều người sống tại chung cư rất bất bình và thường xảy ra mâu thuẫn với những người chủ nuôi chó. Lời qua tiếng lại, người không nuôi thì thấy phiền hà, bức xúc, còn người nuôi thì ra sức bảo vệ thú cưng của mình. Rồi các diễn đàn, các hội nhóm, dân cư bày tỏ sự bức xúc, phàn nàn, tranh luận gay gắt… nhưng không ai đưa ra toà án để được giải quyết bởi “nút thắt” vẫn là thủ tục. Nếu như chó, mèo cắn hay gây tiếng động ồn ào thì người ta cũng chỉ nhắc nhở, cùng lắm lên tổ dân phố hoặc ra đến công an nhắc nhở hành chính, còn để kiện tụng thì thường phải liên quan đến án hình sự và tâm lý chung ai cũng ngại vì nhiều bước làm đơn phải đi đi, lại lại rất nhiều lần mới giải quyết được.
Có người cho rằng, sự việc chưa có gì là nghiêm trọng đến tính mạng của con người mà đem ra tòa khởi kiện vừa mất thời gian lại vừa tốn kém tiền bạc.
Theo quy định tại Nghị định 167 năm 2013, nếu nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu cư dân, để gia súc, gia cầm hoặc các loài động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng với mỗi hành vi.
Theo luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc công ty luật số 1 Hà Nội, những sự việc như vậy quá nhỏ nhặt và khó xác định án phí, trong khi thủ tục khởi kiện lại khá phức tạp.
“Hiện nay ngành toà án với số lượng án quá lớn, quá tải mà dẫn đến quy trình tố tụng, thời hạn tố tụng rất lâu. Trong khi đó các mâu thuẫn, tranh chấp chủ yếu phát sinh từ đời thường và nhỏ nhặt khá phổ biến. Vì vậy dẫn đến yêu cầu phải giải quyết ngay để ổn định tâm lý cũng như cuộc sống hàng ngày một cách nhanh chóng là chưa đáp ứng được. Thứ hai là theo quy trình giải quyết ở toà án, với các tranh chấp dân sự nhỏ nhặt, người dân thường có tâm lý e ngại, thấy dườm dà, phức tạp cho nên không lựa chọn toà án. Thứ ba là án phí trong các vụ án dân sự. Ví dụ một con chó vào nhà bên cạnh cắn làm hỏng Macbook chẳng hạn, thiệt hại đó là thiệt hại hữu hình có thể định giá được ngay, nhưng có những thiệt hại như thể nó cắn người sau đó lo thuốc men, chữa trị thì rất khó” – luật sư Phạm Thị Thu nêu ý kiến. /.
Bị cáo mặc thường phục khi ra tòa: Sao chưa có hướng dẫn cụ thể?
Từ khóa: thủ tục tố tụng, mâu thuẫn thường nhật, hát karaoke, luật sư, ra tòa
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN