Đàm phán Mỹ-Taliban đổ vỡ, Trump “thấm thía” bài học về Afghanistan
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Việc chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, một trong những quốc gia bất ổn nhất thế giới đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn những gì Tổng thống Trump mường tượng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện giờ đã thấy rõ bài học mà Liên Xô và những người tiền nhiệm của ông từng rút ra: ở lại Afghanistan là điều tồi tệ nhưng thoát khỏi “vũng lầy này” thậm chí còn khó hơn.
Binh sỹ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Aljazeera. |
Thừa nhận “đàm phán đã chết”
Tuyên bố đưa ra cuối tuần qua từ nhà lãnh đạo Mỹ về việc ông hủy bỏ cuộc đàm phán với Taliban và chính phủ Afghanistan đã gây sốc đối với người dân tại Washington và Kabul. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán có thể dập tắt một trong những sáng kiến ngoại giao hứa hẹn nhất của chính quyền ông, mà nhiều khả năng sẽ giúp cho Tổng thống có thêm hy vọng khi cuộc bầu cử 2020 đang đến gần.
“Các cuộc đàm phán đã chết. Như tôi lo ngại thì chúng đã chết”, Tổng thống Trump tuyên bố hôm 9/9. Ông Trump cho biết, ông đã gạt bỏ các cuộc đàm phán sau khi nhận được thông tin Taliban đã giết hại một binh sỹ Mỹ tại Kabul. Theo CNN, Taliban sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ít nhất 16 quân nhân Mỹ kể từ khi các cuộc đàm phán giữa hai bên bắt đầu vào tháng 10/2018.
Giới quan sát cho rằng, nếu Mỹ muốn thoát khỏi những cam kết về quân sự với chính phủ Afghanistan thì nước này cần đạt được một thỏa thuận với phiến quân Taliban. Nhưng giờ đây, ông Trump hiểu rõ, việc chấm dứt chiến tranh tại một trong những quốc gia bất ổn nhất trên thế giới đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là sử dụng hình ảnh để giúp ông đạt lợi thế trước cuộc bầu cử hay giành một giải Nobel. Tổng thống Trump từng có suy nghĩ thứ hai về một thỏa thuận giữa Mỹ với Taliban vào thời điểm hai bên bị mắc kẹt trong các cuộc giao tranh dữ dội và khi chính phủ Afghanistan đang lo sợ bị bỏ rơi.
Trước đó, những hoài nghi về cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc xung đột tại Afghanistan đã gia tăng khi ông đề xuất một cuộc đàm phán với Taliban tại khu nghĩ dưỡng của Tổng thống, gần với ngày tưởng niệm vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi của Mỹ (11/9/2001). Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ,ông Richard Burrhôm 9/9 đã bày tỏ sự không hài lòng với đề xuất này. “Tôi không cho rằng Taliban là lực lượng thích hợp để mời tới Mỹ và tôi rất vui vì điều đó đã không xảy ra”, ông Richard Burrnói.
Lisa Monaco, người từng là cố vấn an ninh và chống khủng bố cho Tổng thống Barack Obama cảnh báo quyết định như vậy là “sai lầm về mặt địa chính trị”. “Chiến lược ở đây là gì? Nó đang làm thay đổi hoàn toàn tiến trình an ninh quốc gia”, đồng thời cho rằng “Tổng thống đã không nhận đủ những lời khuyên cần thiết về một vấn đề nhạy cảm như vậy”.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sự sụp đổ của cuộc đàm phán Mỹ-Taliban có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nó làm dấy lên lo ngại, Taliban sẽ gia tăng các hành vi bạo lực tại Afghanistan để trả thù. Bên cạnh đó, nó cũng làm tiêu tan hy vọng của Tổng thống đưa tất cả các binh sỹ Mỹ trở về nhà trước cuộc bầu cử năm 2020. Vẫn có khả năng ông Trump quyết định bỏ qua lời khuyên của các cố vấn quân sự và rút quân bằng mọi cách. Nhưng làm như vậy sẽ rất mạo hiểm và đảng Dân chủ có thể chớp lấy cơ hội này để cáo buộc ông sử dụng Afghanistan làm “bàn đạp” cho chiến dịch tranh cử.
Giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Trump tuyên bố sẽ dẫn dắt các bên đi đến thỏa thuận sau tiến trình ngoại giao kéo dài đã phản ánh một phong cách chính trị mới của ông. Xu hướng này dường như che mờ chính sách ngoại giao mà ông từng thực hiện với Triều Tiên, ở đó các cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra với rất ít sự chuẩn bị và không mấy hiệu quả trong việc giải giáp chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Ông Trump, với tư cách là một chính trị gia đang tranh cử, sẽ nhận thức sâu sắc rằng cần phải chấm dứt sự mệt mỏi của người dân Mỹ với cuộc chiến tranh tại Afghanistan kéo dài suốt 18 năm qua. Nếu thành công thì thành tựu mang tính dấu ấn này có thể giúp ông tái đắc cử vào năm 2020. Trước đó, cựu Tổng thống Obama cũng cam kết sẽ đưa quân đội Mỹ đang tham chiến tại nước ngoài trở về, song ông Obama đã rơi vào tình huống “đau đầu” khi những lời hứa trong chiến dịch tranh cử mâu thuẫn với tình hình thực tế.
Với tư cách là Tổng tư lệnh nước Mỹ, Tổng thống Trump buộc phải đặt câu hỏi tại sao các nhà lãnh đạo Mỹ lại khó rút quân khỏi Afghanistan, trái lại tiếp tục đổ nhân lực và vật lực vào cuộc chiến này. Có nhiều ý kiến cho rằng suốt hai thập kỷ qua, Mỹ đã không đạt được mục tiêu đầy hoài bão về xây dựng một nền dân chủ tại Afghanistan. Một số nhà phê bình đặt câu hỏi, liệu Mỹ có cần thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Afghanistan nữa hay không khi đã ngồi vào bàn đàm phán với Taliban?, trong khi ý kiến khác nhận xét mối đe dọa về một cuộc tấn công khủng bố theo kiểu 11/9 xuất phát từ Afghanistan sẽ ít có khả năng hơn so với từ Syria. Những lập luận như vậy đã mang đến một lý do chính đáng cho quân đội Mỹ để rút khỏi Afghanistan.
Tổng thống Trump cho biết, ông muốn giảm số lượng binh sỹ Mỹ tại Afghanistan từ 14.000 xuống còn 8.600. Bên cạnh đó, một thỏa thuận được đề xuất giữa Mỹ và Taliban sẽ yêu cầu Taliban cam kết không hỗ trợ các nhóm khủng bố hoặc tiến hành các cuộc tấn công khủng bố tại Afghanistan. Nhưng cách tiếp cận này không thuyết phục được những người chỉ trích, vốn cho rằng các nhóm khủng bố không thể tin tưởng được và ai biết chắc họ không tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công mới.
Tờ New York Times dẫn lời Laurel Miller, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Việc rút 5.400 binh sỹ Mỹ ra khỏi Afghanistan không mang lại cho Tổng thống Trump bất cứ lợi thế nào về mặt chính trị”. “Ông ấy không thể nói tôi đã chấm dứt chiến tranh hay tôi đã rút toàn bộ binh sỹ. Điều duy nhất ông có thể nói là tôi sẽ quay trở lại và tăng thêm quân”, Laurel Miller nói./.
Từ khóa: đàm phán Mỹ Taliban, Tổng thống Trump, Afghanistan, xung đột Afghanistan, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN