Đảm bảo An toàn an ninh mạng cho cơ quan truyền thông, báo chí trong giai đoạn mới.

Cập nhật: 14/05/2025

Trước thềm Đại hội đảng các cấp, cũng như thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình mới, vấn đề an ninh mạng trở nên phức tạp và khó lường, với nguy cơ tấn công mạng, gián điệp mạng và các hoạt động phá hoại khác.

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 13/5/2025, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ truyền thông ( R&D) tổ chức Hộithảo “Đảm bảo An toàn an ninh mạng cho cơ quan truyền thông, báo chí trong gian đoạn mới”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, Tiến sỹ Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc, Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì và chỉ đạo Hội thảo; tham gia hội thảo cóđại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an và hơn 100 viên chức là Lãnh đạo các đơn vị, đại diện các phòng và thành viên đội Ứng cứu sự cố An ninh mạng VOV.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang khẳng định: An ninh mạng là hoạt động rất cấp thiết và tốn kém. Các hoạt động liên quan đến vấn đề An ninh mạng hiện nay rất khó lường chúng ta không nhìn thấy, sờ thấy, nhưng lại diễn ra hàng ngày, nếu chúng ta không có giải pháp ứng phó kịp thời thì phải trả giá bất cứ lúc nào. Với tinh thần đó thì chúng ta phải xây dựng các hệ thống để bảo vệ, bảo mật hệ thống an ninh mạng ngay và luôn. Đây không chỉ là công việc một người, mà là cả hệ thống phải vào cuộc.

Phó tổng Giám đốc Vũ Hải Quang phát biểu tại Hội thảo

Trung tá Đinh Quang Vũ, chuyên gia an ninh mạng Cục A05, Bộ Công an, có tham luận “ Nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin và kỹ năng an toàn cho người dùng trên không gian mạng”, nhấn mạnh: tội phạm mạng hiện đang triệt để lợi dụng các tiện ích của internet, mạng xã hội và các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội... để thực hiện các hoạt động tấn công mạng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thống kê cho thấy, cứ mỗi giây trên thế giới có 2 mã độc mới ra đời. Mỗi phút có 2,7 triệu nạn nhân của tội phạm mạng, gây thiệt hại khoảng 600 tỉ USD hàng năm. Hoạt động mua bán mã độc hiện nay trên không gian mạng diễn ra rất đơn giản, thậm chí chúng ta chỉ mất khoảng 1.000 USD là có thể sở hữu một con mã độc. Ngoài ra trên không gian mạng còn đang diễn biến rất phức tạp hoạt động lộ, lọt thông tin cá nhân.

Trung tá Đinh Quang Vũ, Cục A05, Bộ Công an

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức (trong đó có các cơ quan truyền thông, báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam) là rất lớn và khó lường. Do đó, để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, các cơ quan, tổ chức cần đầu tư hạ tầng an ninh mạng, áp dụng tốt các quy định, quy chế về an ninh mạng, an toàn thông tin… Đối với người dùng, cần được trang bị các kỹ năng an toàn trên không gian mạng như: sao lưu dữ liệu quan trọng thường xuyên; tự bảo vệ các thông tin cá nhân; cẩn trọng trong việc truy cập email, web; cùng với đó cài đặt các chương trình diệt virus trên các thiết bị điện tử…Kỹ sư Trịnh Văn Tươi, đại diện Trung tâm R&D , thông tin: trong tháng 4 vừa qua, hệ thống tường lửa đặt tại trụ sở chính đã ghi nhận hàng trăm nghìn lượt tấn công có chủ đích vào các địa chỉ IP quan trọng. Một số trường hợp đã bị phát hiện mã độc và kịp thời phối hợp với Cục A05 để xử lý, bảo vệ dữ liệu nội bộ. Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng an ninh mạng hiện đại, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị an toàn cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên là yếu tố then chốt. Chỉ cần một điểm yếu từ người dùng cũng có thể dẫn đến sự cố an ninh nghiêm trọng…..

Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận cảnh báo các mối đe dọa, nguy cơ tấn công mạng (đánh cắp, lộ loạt thông tin, mã hóa dữ liệu....) vào các cơ quan báo chí, truyền thông; Các trường hợp tấn công mạng tại Việt Nam, bài học và kinh nghiệm trong thời gian qua; Các biện pháp, khuyến cáo người dùng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn an ninh mạng cho cán bộ, viên chức của VOV.

VOVTC thực hiện

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D