Đảm bảo 100 % vùng nuôi trồng thủy sản được kiểm soát về môi trường
Cập nhật: 13/12/2024
Quảng Ninh huy động nhiều lực lượng dập tắt cháy rừng tại 2 thành phố
Ông Phạm Trọng Nhân làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương
VOV.VN - Vùng ĐBSCL chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản của khu vực ĐBSCL khoảng 910.000 ha, với sản lượng hơn 3,34 triệu tấn, chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản và cả nước. Trong đó tôm và cá tra đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế của khu vực, vấn đề môi trường đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, hiện nay vùng ĐBSCL có khoảng 4.561 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 310 nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của khu vực. Bên cạnh đó, vùng đang có 362 cơ sở chế biến đông lạnh, trong đó có 102 nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường quốc tế, nhiều nhà máy chuyên chế biến cá tra, tôm, và các loại thủy sản giá trị cao tập trung nhiều tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp và An Giang.
Ông Nguyễn Văn Hữu, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL hiện nay phụ thuộc vào các thị trường nhập khẩu và bị hạn chế về công nghệ, năng lực sản xuất. Cùng với đó là vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn chế về trong xây dựng thương hiệu. Hiện nay, vùng ĐBSCL đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, nước biển dâng và xâm nhập mặn.
Theo đánh giá, Việt Nam đã tham gia ký kết 16 FTA bao gồm các FTA song phương, đa phương và các hiệp định này đã giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng không hề nhỏ khi các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia đang cạnh tranh gay gắt với thủy sản của Việt Nam, cùng với đó là các rào cản thương mại, những quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch an toàn thực phẩm, chống bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, áp lực về môi trường, nhu cầu phát triển bền vững đòi hỏi cần có những biện pháp để phát triển ngành thủy sản của Việt Nam cũng như khu vực ĐBSCL một cách bền vững, đạt được các mục tiêu về xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Hữu, mục tiêu phát triển thủy sản khu vực ĐBSCL đến 2030 có diện tích nuôi trồng 990.000 ha, trong đó nuôi nước lợ chiếm khoảng 740.000 ha, nuôi nước ngọt chiếm khoảng 150.000 ha. Sản lượng nuôi trồng đạt trên 4,8 triệu tấn, trong đó tôm nước lợ 1,2 triệu tấn, cá tra khoảng 2 triệu tấn. Đối với các vùng nuôi phải được kiểm soát về môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
"Mục tiêu 100 % các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung phải được kiểm soát về môi trường dịch bệnh, an toàn thực phẩm và diện tích sản lượng nuôi trồng thủy sản sản xuất theo mô hình hợp tác xã và liên kết chuỗi phải đạt trên 30%, lao động nuôi trồng thủy sản được tập huấn, đào tạo nghề phải đạt trên 30%. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt một trong các chứng nhận VietGap và và các chứng nhận khác tương đương trên 20 % và hệ thống hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50 % nhu cầu của của vùng nuôi trồng tập trung", ông Hữu nói.
Tính đến hết tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 3,2 tỷ USD; xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD. Dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD.
Từ khóa: thủy sản, thủy sản, môi trường, nuôi trồng thủy sản
Thể loại: Xã hội
Tác giả: phạm hải/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN