Cấm thuốc lá điện tử, "bóng cười" từ hôm nay (1/1/2025)

Cập nhật: 4 giờ trước

VOV.VN - Từ năm 2025, việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử chính thức bị cấm tại Việt Nam. Quyết định này không chỉ được nhân dân hoan nghênh mà còn là bước tiến lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ngày 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, bóng cười.

Theo Nghị quyết này, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Dưới góc độ chuyên môn, ông Phí Anh Hoàng, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội khẳng định, đây là một quyết định vô cùng đúng đắn.

Quyết định vô cùng đúng đắn

Theo ông Hoàng, Nghị quyết 173/2024/QH15 đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia) thực hiện chính sách cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Quyết định này không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà với các nước trên toàn thế giới trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, trật tự, an toàn xã hội góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những nguy cơ nghiêm trọng do thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện gây ra.

Ông Phí Anh Hoàng phân tích, thuốc lá điện tử là thiết bị mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá truyền thống, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật.

Thuốc lá điện tử có cấu tạo chủ yếu bao gồm: pin, một bộ đốt và buồng chứa tinh dầu.  Thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau: pod, vape, mod….Hình dáng của thuốc lá điện tử: Rất đa dạng như: hình bật lửa, điếu thuốc truyền thống, USB, thỏi son, cây bút, đồ dùng học tập…Thành phần chính của thuốc lá điện tử là: Nicotin, các hạt siêu mịn có thể bị hít sâu vào phổi; nhiều hóa chất gây ung thư, chất tạo hương vị…

Thuốc lá nung nóng là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Điếu thuốc (hay đầu mồi) được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao để sinh ra các hạt khói, làn khói cho người dùng có thể hít vào. Xét về nguyên liệu, thuốc lá làm nóng được chế biến theo quy trình đặc biệt từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường (sử dụng giấy, lá thuốc lá hoặc gỗ có tẩm nicotine). Lượng nicotine, thành phần các chất khác và sự độc hại không khác biệt đáng kể, tương đương với thuốc lá điếu thông thường.

Về tác hại của của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ông Phí Anh Hoàng phân tích, nicotine trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá thông thường. Một số loại thuốc lá điện tử có chứa lượng nicotine tương đương một bao (20 điếu) thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng còn làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn gây bệnh lý đường hô hấp: viêm tiểu phế quản tắc nghẽn; Tràn khí màng phổi nguyên phát; Suy giảm chức năng phổi; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Sử dụng nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong.

“Một số hóa chất độc hại như carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ. Ngoài ra, một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá truyền thống. Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxi hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u” - ông Phí Anh Hoàng cho biết..

Ông Phí Anh Hoàng cho biết, bóng cười (hay còn được gọi là Funkyball) là những quả bóng bay được bơm đầy khí N2O. Đây là một hợp chất không màu, không mùi và không hương vị. Khi hít phải loại khí này sẽ khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, vui vẻ có thể cười nói mất kiểm soát, gây ảo giác khiến không gian xung quanh màu sắc và rực rỡ hơn. Do đó, nó được nhiều người sử dụng để thư giãn, thậm chí còn lạm dụng gây những tác hại đến sức khỏe:

“Người hút bóng cười sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Theo đó, khí N20 là một chất gây mê và có thể gây mất cảm giác. Khí này sẽ tan vào trong máu khi được hít vào cơ thể, gây tác động đến hệ thần kinh khiến người dùng đi loạng choạng, run rẩy và tê bì chân tay. Cùng đó, chất này gây tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống; rối loạn giấc ngủ; rối loạn trí nhớ; gây tử vong; ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, hạ huyết áp; thiếu ô xy máu; đột quỵ”- ông Hoàng cho biết thêm.

Ngoài ra, theo ông Phí Anh Hoàng, phụ nữ sử dụng bóng cười trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, vỡ động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, co giật và nguy cơ tử vong. Thiếu oxy do sử dụng bóng cười cũng có thể gây ra các vấn đề về phát triển não bộ của thai nhi, gây ra dị tật. Trong giai đoạn cuối thai kỳ, sử dụng bóng cười có thể gây sinh non, nhẹ cân và kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ.

Cai nghiện rất khó khăn

Ông Phí Anh Hoàng khẳng định, thực tế cho thấy ma túy đang núp bóng đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc… là những kiến thức cần thiết để gia đình, nhà trường, thanh thiếu niên cần nâng cao cảnh giác. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều loại ma túy “núp bóng” khác như “nước vui”, “nước biển”, “nước xoài”, “nước nho”, bánh cần, bánh lười “lazy cakes”, trà chanh, nước giải khát, thảo mộc… Như vậy bản chất của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay bóng cười đều là chấy gây nghiện và quá trình cai nghiện cũng được thực hiện như chu trình cai nghiện ma túy.

Từ thực tiễn công tác, ông Hoàng khẳng định, để cai nghiện là một quá trình rất gian nan, vất vả đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Và quan trọng nhất, theo ông Hoàng mang tính chất quyết định sự thành công của quá trình cai nghiện là sự quyết tâm của chính bản thân người nghiện, bên cạnh đó là sự đồng hành giúp đỡ của gia đình, người thân và của chúng ta- những người làm công tác cai nghiện, những người làm truyền thông, định hướng dẫn dắt dư luận giúp cho mọi người hiểu đúng và tránh xa ma túy.

Qua đây, ông Hoàng cho biết thêm, chúng ta cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội nhất là với cộng đồng thanh thiếu niên về bản chất thật sự của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bóng cười, các chất gây nghiện và tác hại của việc sử dụng chúng đối với sức khỏe người dùng, gia đình và xã hội… và lời khuyên của ông dành cho các bạn trẻ là: “Hãy luôn nói không với bóng cười, thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện khác”.

Từ khóa: bóng cười, bóng cười, thuốc lá điện tử, Nghị quyết 173

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập