Đắk Lắk phục hồi điều tra về khu xử lý nước thải hàng chục tỷ “đắp chiếu”

Cập nhật: 01/10/2020

VOV.VN - Đến thời điểm hiện tại, có 68 dự án đang hoạt động, 18 dự án đang triển khai xây dựng và 2 dự án ngừng hoạt động. Hơn 8 tỷ đồng có dấu hiệu được thanh quyết toán khống cho liên doanh trúng thầu.

Liên quan đến Khu xử lý nước thải được đầu tư hàng chục tỷ đồng tại Cụm Công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột sau gần chục năm vẫn dở dang, bỏ hoang trong khi nước thải ô nhiễm xả tràn lan, làm ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu mà VOV đã thông tin, hôm nay (1/10), UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp bàn hướng xử lý những sai phạm liên quan. Thông tin đáng chú ý là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã phục hồi điều tra vụ án sai phạm tại đây sau 3 năm bị đình chỉ. 

Đến thời điểm hiện tại, có 68 dự án đang hoạt động, 18 dự án đang triển khai xây dựng và 2 dự án ngừng hoạt động tại Cụm Công nghiệp Tân An 1 và 2, thành phố Buôn Ma Thuột.

Ông Phạm Duy Toản, Chánh Thanh tra Sở TNMT Đắk Lắk cho biết, tình trạng xả thải ô nhiễm ra môi trường tại Cụm công nghiệp này là đáng báo động. Thanh tra sở phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã kiểm tra và xử lý 6 đơn vị xả thải với mức phạt từ 7 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng. Việc trạm xử lý nước thải triển khai từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thành đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xử lý nước thải trong khu cụm công nghiệp và là nguyên nhân gây ô nhiễm.

“Cụm công nghiệp xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung từ 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thành, dang dở. Chưa có trạm xử lý nước thải tập trung thì rất khó khăn trong việc xử lý nước thải, dẫn đến thải nước thải ra hồ Ea Trum, gây ô nhiễm" - ông Phạm Duy Toàn nói.

Khu xử lý nước thải tập trung của Cụm Công nghiệp Tân an có mức đầu tư hơn 37 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào tháng 8/2014. Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thịnh và Công ty Cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường trúng thầu, triển khai từ năm 2012 nhưng ngừng thi công từ tháng 5/2014 khi công trình vẫn dở dang. Tuy vậy, nhà thầu đã 3 lần được thanh toán với số tiền hơn 16 tỷ đồng. Nhưng Sở Xây dựng Đắk Lắk xác định, khối lượng thi công thực tế chỉ là 7,7 tỷ đồng. Hơn 8 tỷ đồng có dấu hiệu được thanh quyết toán khống cho liên doanh trúng thầu.

Tháng 9/2016 Công an Thành phố Buôn Ma Thuột đã khởi tố vụ án hình sự, nhưng một năm sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì xác định “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Giữa năm 2020, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo và UBND thành phố Buôn Ma Thuột kiến nghị phục hồi điều tra vụ án.

Trung tá Nguyễn Đức Tin, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, được Công an tỉnh Đắk Lắk cử đến dự họp, cho biết, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra đã phục hồi điều tra vụ án.

“Liên quan đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình xây dựng khu xử lý nước thải của Cụm Công nghiệp Tân An 1 và 2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh phục hồi điều tra vụ án. Chúng tôi đang thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ để xử lý các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật”- Trung tá Nguyễn Đức Tin cho biết. 

Cũng theo Trung tá Nguyễn Đức Tin, Công an tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những đơn vị xả thải ô nhiễm tại Cụm công nghiệp Tân An.

Ở khía cạnh khác, ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk cho biết, tại Cụm Công nghiệp Tân An còn nổi lên việc sử dụng đất không đúng mục đích, xin giấy phép một đằng nhưng xây dựng một nẻo. Tuy nhiên, việc theo dõi, giám sát và xử lý còn nhiều bất cập, hiện nay chưa rõ đơn vị nào chủ trì, đơn vị nào phối hợp và cũng chưa có quy chế phối hợp để kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định tỉnh mong muốn và tạo điều kiện để phát triển công nghiệp, tuy nhiên trên quan điểm không đánh đổi môi trường. Đúng ra, khi chưa xong hạng mục xử lý nước thải thì chưa cho hoạt động, nhưng Cụm Công nghiệp Tân an đã hoạt động và cho thấy còn nhiều tồn tại dẫn đến gây ô nhiễm. Ông Y Giang Gry chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Buôn Ma Thuột vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

“Thành phố, Công an tỉnh đều có đơn vị xử lý về môi trường, đặc biệt là Sở TNMT, tôi đề nghị các anh trong thời gian hết sức quan tâm, kiểm tra vấn đề môi trường tại đây. Phải có biện pháp mạnh thì họ mới dừng xả thải”- Ông Y Giang Gry Niê Knơng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Y Giang Gry, Cụm công nghiệp Tân An buộc phải có khu xử lý nước thải tập trung. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu vốn trung hạn để sau khi có kết luận điều tra, xử lý sai phạm thì tiếp tục đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải này.

Đối với những sai phạm liên quan đến đất đai trong Cụm công nghiệp Tân An, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Thanh tra Sở TNMT thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất tại đây. Sở Xây dựng giám sát tổng thể hoạt động xây dựng công trình. Tiến tới phải có một quy chế phối hợp rõ ràng giữa các sở ngành với Thành phố Buôn Ma Thuột để quản lý có hiệu quả đối các vấn đề tại Cụm công nghiệp Tân An, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” đã tồn tại quá lâu tại đây./.

Từ khóa:

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập