Đắk Lắk phát hiện nhiều di vật tại khu di khảo Thác Hai

Cập nhật: 28/05/2022

VOV.VN -  Chiều 27/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2 (năm 2021-2022).

Khu Di tích khảo cổ học Thác Hai thuộc địa phận thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk. Di chỉ này được phát hiện đầu năm 2020 và khai quật lần thứ nhất vào tháng 3 năm 2021.

Ở lần khai quật thứ 2 thực hiện từ cuối năm 2021 đến nay, các nhà khảo cổ đã thu thập được một khối lượng di tích, di vật phong phú như: rìu bôn đá, đồ gốm, đồ thủy tinh, mộ táng, hơn 1.000 mũi khoan đá các loại và hàng vạn mảnh tước nhỏ.

Theo các nhà khảo cổ học, di tích khảo cổ học Thác Hai là di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn.

Di chỉ có khung niên đại cách ngày nay từ khoảng 3.500 năm đến 2.000 năm trước và tồn tại kéo dài khoảng 1.000 năm, từ thời Hậu kỳ Đá mới đến thời đại đồ Sắt. Việc phân tích tổng thể cho thấy đây là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất ở Tây Nguyên với độ dày khoảng 2m.

Tiến sĩ khảo cổ học Trương Đắc Chiến, Bảo tàng lịch sử quốc gia, chủ trì khai quật di khảo Thác Hai cho biết: "Thường thì ở Tây Nguyên hiện nay chúng ta biết những xưởng chế tác các công cụ đá, rìu bôn bằng đá thôi nhưng ở Thác Hai lại thấy những công xưởng trình độ rất cao, để chế tác được những mũi khoan như thế thì kỹ thuật chế tác đá của người cổ đạt đến đỉnh cao rồi thì mới chế tác được những mũi khoan như thế, những hạt chuỗi như thế.

Do đó, di chỉ Thác Hai này rất quan trọng đối với nhận thức về lịch sử của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung"./.

Từ khóa: Đắk Lắk, Di tích khảo cổ học Thác Hai, lịch sử của Đắk Lắk, hiện vật, khai quật, văn hóa Tây Nguyên

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập