Đại úy công an 9 năm sưu tầm gần 500 thẻ cử tri và hiện vật bầu cử
Cập nhật: 26/05/2021
Da Nang looks to attract 11.9 million tourists in 2025
Quán quân Sao Mai Phương Mai ra mắt MV gửi gắm thông điệp về gia đình
[VOV2] - 9 năm sưu tầm, đại úy Hoàng Anh Tuấn sở hữu bộ sưu tập gần 500 tấm thẻ cử tri phong phú đủ các thời kì, trong đó có tẩm thẻ cử tri đặc biệt của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946.
“Bộ sưu tập thẻ cử tri của tôi tất cả được khoảng gần 500 thẻ, tập trung vào giai đoạn từ 1991 trở về trước, thuộc các kì bầu cử quốc hội từ Quốc hội khóa I", đại úy Hoàng Anh Tuấn (34 tuổi), hiện công tác tại công an huyện Gia Lâm, Hà Nội say mê chia sẻ với phóng viên VOV2 về thú vui sưu tầm hiện vật lịch sử đã có từ gần chục năm nay.
Năm 2012, Hoàng Anh Tuấn bắt đầu sưu tầm tem phiếu, tiền và một số hiện vật khác của thời kì bao cấp, phân phối hàng hóa. Một thời gian sau, tình cờ anh có được những tấm thẻ cử tri. Ban đầu anh cũng chưa chú ý lắm, nhưng dần dần khi số lượng nhiều lên cũng là lúc anh bắt đầu tìm ra điều thú vị ở những tấm thẻ này. “Sưu tầm những thẻ cử tri này giúp tôi có rất nhiều thông tin và kiến thức bổ ích, tìm ra rất nhiều thẻ hay về hình dạng, kích thước", anh Hoàng Anh Tuấn nói.
"Thứ nhất là biết được thẻ đấy thuộc giai đoạn nào của lịch sử. Chẳng hạn như tấm thẻ cử tri năm 1946, đấy là tấm thẻ bầu Quốc hội khóa I; trên thẻ có các thông tin về người bầu cử, thành phần, tôn giáo, dân tộc… sau đấy là vị trí nơi bỏ phiếu của thẻ cử tri đấy. Thứ hai là từ những tấm thẻ đấy mình cũng biết là việc bỏ phiếu được tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân, các giai tầng của xã hội đều tham gia đi bỏ phiếu để bầu ra những người có đức có tài, thay mình nói lên tiếng nói, nguyện vọng của quần chúng nhân dân”.
Bộ sưu tập gần 500 thẻ cử tri của đại úy Hoàng Anh Tuấn có niên đại vô cùng phong phú, từ năm 1946 đến năm 1976 – kì bầu cử đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất cho đến tận ngày nay; thuộc nhiều đơn vị hành chính, từ miền núi phía Bắc đến đất mũi Cà Mau.
Anh Tuấn kể, quá trình sưu tập thẻ cử tri đã đưa anh đi khắp dọc dài đất nước. Có khi chủ đích đi tìm thì không thấy, nhưng cũng có khi tình cờ may mắn lại có được hiện vật hay ho. “Có một lần tôi được nghỉ phép, đi thăm nhà một người bạn trên Tuyên Quang. Lên đấy ban đầu chỉ định đi chơi thôi. Tình cờ vào nhà một người bạn của bạn tôi, hỏi chú chủ nhà là có còn giữ được giấy tờ tài liệu gì không? Chú bảo có một thẻ cử tri của tỉnh Hà Tuyên ngày còn chưa tách tỉnh thành Tuyên Quang và Hà Giang. Rất ấn tượng, vừa đi chơi vừa được hiện vật nên rất vui".
"Còn hiện vật có giá trị nhất thì chắc chắn là tấm thẻ cử tri năm 1946 tôi mới sưu tầm được vào tháng 6/2020. Lần đó có người em có ít giấy tờ cũ gửi tặng, thế nào mà trong đó lại có một tấm thẻ cử tri từ năm 1946. Lúc đó mừng lắm, vì sưu tầm bao năm không được. Biết là ở Hà Nội vẫn có 1 số tấm thẻ cử tri thời đó nhưng người ta cũng bị thất lạc. Cảm thấy rất vui, nó bổ khuyết cho những gì mình còn thiếu sót”.
Ngoài thú vui sưu tầm thẻ cử tri, Hoàng Anh Tuấn còn có một bộ sưu tập đồ sộ các hiện vật lịch sử lên đến 10.000 chiếc, bao gồm: tem phiếu, tiền Việt Nam qua các thời kì, tem, bì thư bưu chính... Trong đó có khoảng hơn 2.000 hiện vật tem phiếu thời bao cấp như tem chất đốt, đường muối, gạo, thịt… Hành trình sưu tầm tem phiếu đã giúp anh Tuấn có thêm nhiều hiểu biết về một thời bao cấp mà thế hệ anh đã không còn nhớ được nhiều.
Với bộ sưu tập đồ sộ như thế, anh Tuấn phải rất kì công trong việc bảo quản, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm của Việt Nam. Phải chia theo từng chuyên đề, có những khi thức tới 3h sáng để lau chùi, phân loại.
“Chơi và sưu tầm các hiện vật bằng giấy thì việc bảo quản rất khó", anh Tuấn cho biết. "Bởi vì kể cả nguyên trạng thì bản thân những tờ tiền, tem phiếu, thẻ cử tri hay những hiện vật tranh ảnh… trong quá trình tồn tại đã có sự xâm hại, rách do con người hoặc thời tiết nóng ẩm. Cho nên khi mang được về đầu tiên mình phải khắc phục hư hại bằng cách rọi đèn cực tím để hết bụi bẩn, ẩm mốc, vi khuẩn… Làm sạch xong thì dùng những tấm nhựa mỏng hàn các góc lại, hạn chế phần nào khả năng bị hư. Nói chung bảo quản các hiện vật giấy rất khó, vì mình là nhà sưu tầm tư nhân, để mà có điều kiện bảo quản chuyên nghiệp như các bảo tàng là không có”.
Chính vì thế nên anh Tuấn luôn sẵn sàng hiến tặng cho các bảo tàng, các đơn vị triển lãm để giới thiệu đến công chúng. Riêng với bộ sưu tập thẻ cử tri, dịp này anh Tuấn đã gửi cho Bảo tàng Bắc Ninh gần 200 hiện vật để trưng bày nhân dịp bầu cử.
Hiện tại, các bộ sưu tập của anh Tuấn đang được lưu giữ tại nhà riêng và cơ quan. Thời gian tới, anh dự định mở rộng không gian lưu trữ tại nhà, đồng thời có thể phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức triển lãm có qui mô lớn để đông đảo mọi người được thưởng lãm.
Từ khóa: 500 thẻ cử tri, Hoàng Anh Tuấn, hiện vật, bầu cử, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2