Đại tướng Lê Đức Anh với quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ASEAN
Cập nhật: 29/11/2020
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995.
VOV xin trân trọng giới thiệu tham luận của Đại tá TS Lê Đức Hạnh - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự thế giới, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam gửi đến Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1/12/1920-1/12/2020). Hội thảo được tổ chức trong 2 ngày 29, 30/11 tại thành phố Huế.
Đồng chí Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước đã đi xa. Ông sinh năm 1920 và lớn lên trên quê hương Thừa Thiên - Huế, tham gia cách mạng năm 1937, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938. Trải qua 82 năm gắn bó với sự nghiệp cách mạng, từ buổi đầu tham gia hoạt động cho đến khi về với cõi vĩnh hằng, Đồng chí Lê Đức Anh đã kinh qua nhiều cương vị công tác, nhưng dù ở bất cứ cương vị và hoàn cảnh nào, Ông đã luôn thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường, dũng cảm; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết; toàn tâm, toàn trí, toàn lực cống hiến cho Đảng, cho dân tộc và Nhân dân; giữ trọn danh hiệu cao quý của người cộng sản, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó.
Qua mỗi chặng đường lịch sử, ông đều để lại nhiều dấu ấn sâu đậm đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những năm đầu đổi mới đất nước (1987 - 1997) - thời kỳ khó khăn nhất của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, ảnh hưởng nhất định đến công cuộc xây dựng đất nước. Thời kỳ này, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại của đất nước, nổi bật là việc xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy Việt Nam ra nhập ASEAN. Ông được Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hệ trọng này trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết Trung ương 13 (tháng 5 năm 1988) kịp thời điều chỉnh chiến lược đối ngoại với phương châm “hạn chế đối đầu, tăng cường đối tác”, “củng cố tăng cường quan hệ với bạn bè”. Tất cả nhằm mục đích “Chuyển cuộc đấu tranh từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác cùng tồn tại hòa bình” làm thất bại cuộc bao vây, cấm vận và cô lập Việt Nam về kinh tế, chính trị và ngoại giao, làm cho Việt Nam chủ động hòa hợp vào cộng đồng thế giới. Kiên trì thực hiện mục tiêu “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các quốc gia và dân tộc trên thế giới”. Đồng thời, Mỹ bắt đầu có sự thay đổi chiến lược với Việt Nam. Chính quyền của Tổng thống G.Bush có sự điều chỉnh chính sách: tập trung giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh; bước đầu đề cập thận trọng vấn đề dân chủ nhân quyền “từng bước có điều kiện” để nới lỏng các mức quan hệ, dần dần đi đến xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Trước đó, vào thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam chủ trương hướng tới cải thiện quan hệ với Mỹ bằng những hành động giải quyết vấn đề liên quan tới người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA). Tháng 2 năm 1982, lần đầu tiên Việt Nam trao trả một số hài cốt cho đoàn đại biểu Mỹ do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Armitage dẫn đầu đến thăm Hà Nội. Tháng 6 năm 1985, Việt Nam thông báo với Mỹ về việc sẵn sàng giải quyết vấn đề MIA trong vòng hai năm. Hai tháng sau, Việt Nam trao trả hài cốt 26 người Mỹ và đây là lần trao trả số lượng lớn nhất tinh từ năm 1982. Vào tháng 11 năm 1985, Việt Nam cho phép tiến hành cuộc khai quật chung đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ tại khu vực máy bay B52 rơi nhằm tìm kiếm các hài cốt lính Mỹ.
Đi vào thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao, đồng chí Lê Đức Anh đã chọn con đường tiếp cận với phía chính quyền Mỹ qua các hoạt động khoa học để bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ. Ông cử Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phan - Giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình của nước ta đi Mỹ trao đổi nghiệp vụ, mời đoàn bác sĩ Mỹ trong tổ chức “Phẫu thuật nụ cười” sang thăm, trao đổi nghiệp vụ với ngành y học Việt Nam. Sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học. Bước tiếp theo, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất với Bộ Chính trị tạo điều kiện thuận lợi cho phía Mỹ trở lại đất nước Việt Nam tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong thời kỳ chiến tranh trước đây (gọi tắt là POW/MIA).
Việc này được khởi đầu với việc ký Hiệp định Liên Hợp Quốc tại Hội nghị Paris về một giải pháp chính trị cho Campuchia với điều kiện Việt Nam phải thuyết phục Phnôm Pênh ký và thực hiện Hiệp định Paris…, ưu tiên hợp tác và giải quyết nhanh chóng các thông tin liên quan tới MIA, thu hồi hài cốt Mỹ được tìm thấy. Phía Mỹ sẽ bỏ giới hạn đi lại 25 dặm đối với các nhà ngoại giao Việt Nam làm việc tại Liên hợp quốc ở New York, bắt đầu đối thoại về thể thức liên quan tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam, thảo luận vấn đề tài sản giữa hai nước, quy chế cho các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam.
Tháng 2 năm 1987, tướng Mỹ John Vessey, đặc phái viên của Tổng thống G.Bush sang Việt Nam bàn về vấn đề MIA, được xem như bước khởi đầu về mặt ngoại giao cho các hoạt động hỗn hợp giữa Việt Nam và Mỹ để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đặc biệt tháng 4 năm 1991, tại New York, phía Mỹ trao cho Việt Nam “Bản lộ trình 4 bước” thể hiện rõ từng bước có điều kiện thực hiện ý đồ chính trị của phía Mỹ đối với phía Việt Nam. Tháng 8 năm 1987, hai hội nghị được tổ chức tại Washington và Hà Nội để thảo luận vấn đề MIA và vấn đề viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Việt Nam. Việt Nam đã đồng ý cho phép đội ngũ kỹ thuật hỗn hợp Việt Nam - Hoa Kỳ cùng làm việc nhằm tìm kiếm hài cốt các nhân viên công vụ. Tới tháng 9 năm 1990, Mỹ nhận từ phía Việt Nam 100 hài cốt. Ngày 29 tháng 9 năm 1990, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã gặp gỡ Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker tại New York.
Từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 11 năm 1991, Chính phủ Mỹ cử tiếp một đoàn đại biểu do Thượng nghị sĩ John Kerry dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Ngày 18 tháng 11 năm 1992, đồng chí Lê Đức Anh trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi vấn đề POW và MIA là vấn đề thuần túy nhân đạo. Chủ trương của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với phía Mỹ để sớm giải quyết thỏa đáng vấn đề này và cũng mong muốn hai bên tích cực hợp tác giải quyết sớm vấn đề đó. Tháng 4 năm 1994, phía Chính phủ Mỹ mở văn phòng tại thủ đô Hà Nội liên quan tới vấn đề POW và MIA. Tháng 2 năm 1992, thành lập lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm hỗn hợp về MIA. Tháng 7 năm 1993, Tổng thống Mỹ Bill Clinton mở đường cho các tổ chức tài chính IMF và World Bank cung cấp tín dụng cho Việt Nam. Ngày 3 tháng 2 năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam. Bằng những nỗ lực của cả hai phía Việt Nam và Mỹ, trong đó có vai trò quan trọng của cá nhân đồng chí Lê Đức Anh, sáng ngày 12 tháng 7 năm 1995 (theo giờ Việt Nam), hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ, tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội.
Tháng 10 năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc. Chuyến thăm này của ông cũng đồng thời trở thành chuyến thăm đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam đặt chân tới Mỹ.
Cùng với xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp cho tiến trình thúc đẩy để Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 28 tháng 7 năm 1995.
Để Việt Nam gia nhập ASEAN, điều tiên quyết là phải bình thường hóa quan hệ với hai nước Trung Quốc và Mỹ. Việc này, Việt Nam đã có những bước đi ngoại giao khôn khéo, hợp lý, mạnh mẽ và đạt được thành tựu quan trọng với những dấu ấn đậm nét của cá nhân đồng chí Lê Đức Anh. Công lao của ông đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao. Đồng chí Lê Đức Anh, với tư duy lý luận và thực tiễn sắc sảo đã có công đóng góp ý kiến vào việc điều chỉnh chiến lược quân sự và điều chỉnh chiến lược đối ngoại, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 (Đại hội VI) của Bộ Chính trị đạt kết quả, nhất là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ.
Năm 1993, đồng chí Lê Đức Anh với cương vị Chủ tịch nước đã sang thăm chính thức Trung Quốc, mở ra giai đoạn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau 15 năm đối đầu căng thẳng, tạo điều kiện cho Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào ngày 12 tháng 7 năm 1995. Chỉ sau đó hai tuần, ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Việt Nam chính thức đi vào hội nhập với cộng đồng khu vực và thế giới, phục vụ chủ trương xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã phải nỗ lực rất lớn nhằm mở ra quan hệ bình thường với Chính phủ Thái Lan. Thái Lan là một nước trong khối ASEAN rất căng thẳng với Việt Nam, thường xuyên công kích Việt Nam trước dư luận quốc tế bởi quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh bại hoàn toàn tàn quân phản động Pôn Pốt đứng chân trên lãnh thổ Thái Lan. Năm 1989, Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện ở Campuchia về nước khiến Thái Lan hết lo ngại. Năm 1990, Thủ tướng Thái Lan Chạt chai Chuhavan tuyên bố muốn biến “Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” đã thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Thái Lan chuyển biến tích cực hơn.
Đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Văn Quang chủ động tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội Thái Lan bàn nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai quân đội và hai nước. Trong đặt vấn đề, Việt Nam đã nhấn mạnh sự tương đồng về lịch sử giữa hai nước, hai dân tộc; nhân dân Thái Lan giúp đỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và giúp nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp; nhân dân hai nước đều theo đạo Phật, mà tín đồ phật giáo chỉ làm điều thiện, không hận thù, tránh gây đổ máu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan là Đông Chai Dut rất cảm kích khi được mời sang thăm Việt Nam; sau đó, góp phần nối lại quan hệ hữu nghị, bình thường hóa hai nước vào năm 1990, trước khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Việc này đã có tác động sâu sắc đến quan hệ của Việt Nam với ASEAN, phương Tây và Trung Quốc.
Như vậy, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng với Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao các bộ, ngành để mở rộng quan hệ với các nước. Sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và ASEAN, hàng loạt các quốc gia tìm đến Việt Nam để tìm hiểu và hợp tác, đầu tư về kinh tế và khoa học công nghệ. Cũng trong nhiệm kỳ chủ tịch nước, thay mặt Nhà nước và Nhân dân ta, đồng chí Lê Đức Anh đi dự một số hội nghị quốc tế quan trọng; thăm chính thức và làm việc với 13 nước trên thế giới; đón tiếp 26 nguyên thủ quốc gia thăm hữu nghị chính thức và nhiều đoàn khách quốc tế tới thăm Việt Nam; tiếp nhận 90 đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài ở Việt Nam và cử 57 đại sứ nước ta tại các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; ký quyết định phê chuẩn một Hiến chương, 26 công ước, 5 Hiệp ước, 35 Hiệp định, 3 Nghị định thư giữa Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế, trình Quốc hội phê chuẩn một Công ước theo quy định của Hiến pháp (Công ước quốc tế về Luật biển); ủy quyền đàm phán và ký kết một số điều ước quốc tế khác.
Đại tá TS Lê Đức Hạnh - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự thế giới, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Từ khóa: Lê Đức Anh, đại tướng Lê Đức Anh, 100 năm ngày sinh của Đại tướng Lê Đức Anh, chủ tịch nước Lê Đức Anh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN