Đại tướng Lê Đức Anh: Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của QĐND Việt Nam

Cập nhật: 01/12/2020

VOV.VN - Cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với những chiến thắng, những bước thăng trầm của lịch sử nước nhà trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

VOV xin trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1/12/1920-1/12/2020).

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một vị tướng tài ba, mưu lược, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Đồng chí là một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất sắc, đức độ, tài năng, luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, được đồng chí, đồng đội và Nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao. 

Đại tướng Lê Đức Anh – người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà quân sự tài ba, quyết đoán

Đồng chí Lê Đức Anh sinh ra trong một gia đình và trên quê hương giàu truyền thống yêu nước thuộc xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở độ tuổi 17, đồng chí đã tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, đọc báo chí tiến bộ, tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản và tham gia phong trào dân chủ đấu tranh đòi độc lập, tự do cho dân tộc tại Phú Vang, Thừa Thiên - Huế. Hoạt động cách mạng của đồng chí bắt đầu từ những việc như rải truyền đơn, treo cờ đỏ… đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia phong trào bình dân, phụ trách tổ chức các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh. Năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Mang trong mình lý tưởng phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí luôn bám dân, bám địa bàn, hoạt động và xây dựng phong trào cách mạng ở nhiều địa phương từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, đến Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước. Đầu năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền ở các đồn điền cao su và hai huyện Hớn Quản, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh luôn có mặt ở những chiến trường trọng yếu, khó khăn, ác liệt. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí luôn vượt qua khó khăn, thể hiện phẩm chất của người chỉ huy mưu trí, dũng cảm, quyết đoán, luôn bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của chiến trường. Đồng chí là người kiên quyết đề nghị chỉ xây dựng lực lượng vũ trang đến mức tiểu đoàn tại chiến trường Nam Bộ, theo phương châm “dựa vào dân mà chiến đấu” và thu được nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần cùng quân và dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên chiến trường miền Nam những năm đầu đánh Mỹ, đảm nhiệm cương vị Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, đồng chí đã đề xuất sáng kiến tổ chức lại chiến trường ở vùng không dân thành một tổ chức quân sự theo lãnh thổ, biến các cơ quan dân sự kháng chiến thành các đơn vị hành chính huyện, xã; mạnh dạn lấy vũ khí từ các kho đang cất giấu dọc biên giới Việt Nam - Campuchia trang bị cho các nhân viên dân sự, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng lớn và có chiều sâu. Dựa vào thế trận đó, quân và dân miền Nam đã đánh thắng các cuộc hành quân của quân Mỹ và ngụy quân Sài Gòn dù được sự chi viện các loại vũ khí tối tân của Mỹ trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967.

Đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân khu 9, trong bối cảnh hết sức khó khăn của cách mạng miền Nam sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng Chính ủy Quân khu Võ Văn Kiệt đề ra chủ trương xốc lại tinh thần đoàn kết nội bộ, đưa lực lượng vũ trang trở lại địa bàn, tiến công địch, không để địch giành quyền chủ động lấn chiếm, bình định. Những quyết sách táo bạo, quyết đoán này đã tạo sự chuyển thế to lớn trên chiến trường Khu 9 và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1/1973), có những nơi xuất hiện nhận thức, quan điểm, tư tưởng chưa thật thống nhất, một số cán bộ có xu hướng thiên về đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, lơi lỏng ý chí chiến đấu. Nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của địch, với tư duy nhạy bén, quyết đoán, đồng chí đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu vừa chấp hành Hiệp định, song cũng sáng tạo, kiên quyết giữ vững thế tiến công, chủ động đánh địch vi phạm Hiệp định Paris, đẩy lùi các cuộc hành quân lấn chiếm của địch, không để mất đất, mất dân. 

Năm 1974, trên cương vị Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng “Kế hoạch Tác chiến mùa khô 1974 - 1975”, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chủ lực Miền huấn luyện và hoạt động tác chiến theo kế hoạch mới, nhất là tập huấn cách đánh công kiên. Dưới sự chỉ huy của đồng chí và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Phước Long, mở ra cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây Nam - một trong năm hướng tiến công của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào thành phố Sài Gòn, là hướng tiến công khó khăn nhất, song bằng bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc, đồng chí đã tham gia hoạch định và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước những biến động phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, vừa phải tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế theo đường lối đổi mới để sớm thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương, tham mưu cho Đảng và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng vũ trang ba thứ quân; chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm tốt nhiệm vụ quốc tế giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dấu ấn nổi bật trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là đồng chí đã đề xuất kế hoạch xây dựng Quân đội tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và cắt giảm lực lượng vũ trang để tập trung cho phát triển đất nước; kịp thời điều chỉnh chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế lúc bấy giờ mà vẫn bảo đảm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sự tài ba, quyết đoán của Đại tướng đã góp phần vào những chiến thắng vẻ vang của Quân đội và của dân tộc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên chính quy, hiện đại.

Đại tướng Lê Đức Anh – người chỉ huy thao lược trong sứ mệnh thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả tại Campuchia 

Trong thời gian 10 năm (1979 – 1989), thay mặt Đảng, Nhà nước và Quân đội trực tiếp lãnh đạo thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia, với nghĩa cử của người chiến sĩ cộng sản chân chính, đồng chí đã quán triệt nghiêm túc đường lối quốc tế trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng “giúp bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội tình nguyện, Trưởng ban lãnh đạo Đoàn Chuyên gia giúp Campuchia, đồng chí đã chỉ huy bộ đội và cán bộ chuyên gia Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức giúp quân và dân Campuchia dưới ngọn cờ của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đánh tan lực lượng 20 vạn quân của Pol Pot và chặn đứng âm mưu quay trở lại chính trường của chúng, cứu giúp dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng, giữ vững thành quả cách mạng để tập trung xây dựng hệ thống chính trị, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước; đồng thời góp phần tạo điều kiện để Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo ổn định ở biên giới Tây Nam; giữ vững hòa bình, ổn định, mối quan hệ giữa các nước trong khu vực.

Với quan điểm “Không ai có thể làm thay cuộc hồi sinh Campuchia, bảo vệ thành quả cách mạng Campuchia bằng người Campuchia”, đồng chí  Lê Đức Anh đã chuẩn bị mọi mặt chu đáo cho các cuộc tiếp xúc với nước Bạn, chú trọng công tác chuyên gia, thường xuyên rèn luyện cho cán bộ, bộ đội tình nguyện tính tổ chức kỷ luật cao trong chấp hành các mệnh lệnh, nguyên tắc; đánh giá chính xác tình hình địa bàn, đề ra phương châm, quyết sách, biện pháp đấu tranh phù hợp thực tiễn và quy luật khách quan, giúp Bạn vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân trên các chiến trường để chống lại cuộc chiến tranh du kích phản cách mạng của tàn quân Pol Pot. Chính quan điểm cương quyết, sự chân thành, chí nghĩa, chí tình, nhưng không làm thay Bạn của Đại tướng Lê Đức Anh và các lực lượng quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã hỗ trợ Chính quyền cách mạng non trẻ Campuchia xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ trung thành, có phẩm chất, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, dần dần tự đảm đương nhiệm vụ, làm chủ chặng đường phát triển mới. Trên mặt trận ngoại giao, hình ảnh ngọn cờ độc lập dân tộc, trung lập, không liên kết và hòa bình của Chính phủ Campuchia nhanh chóng phát huy vị thế trên trường quốc tế, đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên phát triển mới của đất nước Campuchia. Nghĩa cử cao cả ấy đã được Quốc vương, nhiều chính khách và Nhân dân Campuchia quý trọng, coi bộ đội tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật!”. Kết quả hoạt động của đoàn chuyên gia, quân tình nguyện dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Anh đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam – Campuchia, đưa mối quan hệ giữa hai nước bước sang thời kỳ mới, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc.

Đại tướng Lê Đức Anh – nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, có uy tín lớn với nhiều dấu ấn nổi bật thời kỳ đổi mới đất nước.

Với uy tín và năng lực lãnh đạo qua thực tiễn nhiều năm, trải qua nhiều cương vị như Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI; đến  Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991), Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và được Quốc hội Khóa IX (nhiệm kỳ 1991-1996) bầu giữ trọng trách Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là thời kỳ tình hình thế giới và trong nước có những thay đổi lớn, nhiều khó khăn, thách thức. Đất nước tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới, dù đã đạt nhiều thành tựu bước đầu, song phải đối mặt với không ít khó khăn, nhiều vấn đề mới mẻ, nhất là xây dựng hệ thống luật pháp về các mặt, các lĩnh vực... trong bối cảnh nước ta vẫn bị bao vây cấm vận... Trong khi đó, về bình diện quốc tế, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, nguồn viện trợ không còn, nhiều vấn đề mới đặt ra cần phải xử lý, đặc biệt là yêu cầu bức thiết về bình thường hóa quan hệ với nhiều nước lớn, hội nhập quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế, khu vực... Là người được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có bản lĩnh, quyết đoán, hoạt động thực tiễn sôi nổi, sâu sát, nói đi đôi với làm, có tư duy sáng tạo, đồng chí đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước.

Trong công tác đối nội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra và chỉ đạo xây dựng hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng, triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đúng hướng. Một trong những điều thường trực trong suy nghĩ và hành động của đồng chí là làm sao các cơ quan nhà nước phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân và phục vụ hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đúng với chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Để thực hiện điều này, đồng chí đã nhiều lần trực tiếp đến thăm và làm việc với các địa phương, nắm bắt tình hình và lắng nghe người dân nói; kịp thời chỉ đạo đảng bộ, chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. 

Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng - an ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, với tình cảm sâu nặng và ý thức trách nhiệm lớn lao, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội, công an. Đồng chí chỉ đạo quyết liệt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng và là một trong những người đề xuất ý tưởng xây dựng khu vực phòng thủ, các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược mà hiện nay chúng ta đã và đang triển khai thực hiện, thể hiện tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh đạo, một vị tướng tài ba đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, Đại tướng cũng hết sức chú trọng đến tình hình bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị của quân đội và đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Trước thực trạng các doanh trại Quân đội dột nát, đồng chí đã yêu cầu tăng kinh phí xây dựng, sửa chữa doanh trại và có các biện pháp cụ thể, thiết thực bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. 

Trong công tác đối ngoại, Đại tướng được coi là “kiến trúc sư” của việc triển khai các biện pháp chiến lược và chiến thuật trong lộ trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và ASEAN, “phá vây” để hội nhập quốc tế, góp phần đặt nền móng cho chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng, Nhà nước ta. Đồng chí đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo các Bộ, Ngành mở rộng quan hệ, giao thương với các nước, đồng thời trực tiếp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế nhằm tăng cường mối quan hệ, hợp tác song phương, đa phương; tiến hành đàm phán, ký kết, phê chuẩn các hiệp định, điều ước quốc tế, thu hút đầu tư, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đưa đất nước từng bước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố, để lại những dấu ấn quan trọng và tình cảm tốt đẹp với các quốc gia, cộng đồng quốc tế; uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

Đại tướng Lê Đức Anh – tấm gương về đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân

Trong con người của Đại tướng Lê Đức Anh là sự thống nhất giữa chính trị và quân sự, quân sự và chính trị luôn hòa quyện với nhau, được tôi luyện và trưởng thành trong thực tiễn, trí tuệ và đạo đức cách mạng của đồng chí luôn tỏa sáng. Đại tướng không ngừng phấn đấu, học tập, nâng cao tri thức về mọi mặt; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước cán bộ, chiến sĩ. Trong cuộc sống, đồng chí sống giản dị, tiết kiệm, gần gũi, thủy chung, nhân ái; trong công việc luôn có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của Đại tướng là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân", một danh tướng xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh. 

Đại tướng Lê Đức Anh là một lãnh đạo, chỉ huy luôn đồng cam cộng khổ, không phân biệt cấp bậc, chức vụ, hết mình thương yêu cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi trong công tác và sinh hoạt; gắn bó máu thịt với với Nhân dân, bám địa bàn, bám dân để đánh giặc, tìm mọi cách giảm thiểu hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ và khó khăn, mất mát của người dân. Đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ luôn nhớ hình ảnh vị chỉ huy luôn tin vào dân, coi lòng dân, sức dân là thành lũy để bộ đội chiến đấu và chiến thắng; một vị Tư lệnh luôn đặt Sở Chỉ huy tiền phương ngay sát đồn địch, có mặt ở những nơi ác liệt nhất, ở vào những thời điểm quan trọng nhất.

Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cũng rất quan tâm công tác chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Là người từng chỉ huy quân sự qua nhiều năm chiến tranh, đồng chí thấu hiểu sự hy sinh mất mát của các gia đình chính sách, thân nhân liệt sĩ, nhất là những người mẹ đã hy sinh người thân của mình cho đất nước. Năm 1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những Mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, truyền thống đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ mai sau.  Khi còn đương chức và kể cả khi đã nghỉ công tác, Chủ tịch nước Lê Đức Anh vẫn thường xuyên quan tâm đến lực lượng vũ trang, nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có tầm chiến lược sâu rộng về công tác quân sự, quốc phòng cho Đảng và Nhà nước ta.

Cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với những chiến thắng, những bước thăng trầm của lịch sử nước nhà trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trên các cương vị công tác, dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản; luôn tận tụy, cương nghị, bản lĩnh; dám làm, dám chịu trách nhiệm, đem hết tài năng, trí tuệ, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề xuất và chỉ đạo thực hiện nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, tiếp tục công cuộc đổi mới, phá thế bao vây, cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. 

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Yêu cầu về chấn chỉnh lực lượng Quân đội phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước đang đặt ra những vấn đề mới cần quan tâm giải quyết. Quán triệt tư tưởng, quan điểm của Đại tướng Lê Đức Anh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tinh thần cách mạng tiến công; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống. Đồng thời, tích cực chấn chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, bảo đảm nâng cao sức mạnh chiến đấu, phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật tác chiến hiện nay. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng; ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Đẩy mạnh phòng chống “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chúng ta mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh với lòng kính trọng và tự hào về người đồng chí thân thiết, chí tình, chí nghĩa, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách giản dị, gần gũi của Quân đội nhân dân Việt Nam. Toàn quân tiếp tục học tập, noi gương đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyện mãi đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn; nêu cao truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của cha anh để lại; xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./. 


Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH
Ủy viên Bộ Chính trị
Phó Bí thư Quân ủy Trung ương
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ khóa: Lê Đức Anh, 100 năm ngày sinh Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Bộ trưởng bộ quốc phòng Lê Đức Anh

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập