Đại tướng Lê Đức Anh: Người con giản dị, gần gũi, nặng lòng với quê hương
Cập nhật: 02/12/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Về làng Bàn Môn những ngày này, rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ chào đón sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh trải dài từ trung tâm xã Lộc An đến tận các thôn, xóm.
Làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là quê hương của Chủ tịch nước, Ðại tướng Lê Ðức Anh. Ðây là nơi chôn nhau cắt rốn, gắn bó tuổi thơ, hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của chàng thiếu niên Lê Ðức Anh. Quê hương luôn in đậm trong tim, cùng ông vượt qua những chặng đường gian nan trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Những ngày này, người dân làng Bàn Môn đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng (1/12/1920-1/12/2020) tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh.
Về làng Bàn Môn những ngày này, rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ chào đón sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh trải dài từ trung tâm xã Lộc An đến tận các thôn, xóm. Rất đông cán bộ, học sinh, sinh viên và người dân đến thăm Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh. Công trình chính của Nhà văn hóa là thư viện được xây dựng theo phong cách nhà rường Huế, gồm 3 gian nhà. Trong nhà, nhiều tủ sách với hàng ngàn cuốn sách. Sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh mong muốn các cấp chính quyền, nhân dân sưu tầm sách, báo, tài liệu có giá trị để bổ sung vào Nhà văn hóa nhằm bồi dưỡng tinh thần, nâng cao kiến thức mọi mặt cho người dân.
Chị Trần Thị Xuân, thanh niên xã Lộc An, huyện Phú Lộc cho hay: "Là một người trẻ ở quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh, em cảm thấy rất tự hào khi mình được sinh ra trên mảnh đất có rất nhiều nhân tài. Em sẽ cố gắng hết sức mình học tập và noi gương thế hệ cha ông đi trước."
Làng Bàn Môn, xã Lộc An có truyền thống yêu nước và cách mạng. Đình làng chính là nơi thành lập chi bộ Ðảng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sớm được tiếp xúc với những người yêu nước, chàng thiếu niên Lê Ðức Anh đã sớm tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Được kết nạp Ðảng vào tháng 5/1938, năm 18 tuổi, ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn cho cách mạng, cho dân tộc Việt Nam.
Con sông Truồi chảy qua làng Bàn Môn là nơi in dấu nhiều kỷ niệm thuở nhỏ của đồng chí Lê Đức Anh. Cũng chính nơi đây, trong một đêm đông năm 1939, ông vượt sông, rời làng, dấn thân vào cuộc đời Cách mạng. Sau này, cứ mỗi lần về thăm quê, Ðại tướng Lê Ðức Anh luôn quan tâm nhắc nhở bà con về phát tiển kinh tế và nhắc nhở thế hệ trẻ phải chăm lo học hành để trở thành người có ích.
Ông Lê Đức Chính, người dân làng Bàn Môn cho biết: "Trong thời gian với cương vị là Đại tướng, cũng như với cương vị là Chủ tịch nước, mỗi lần về với quê hương, Đại tướng Lê Đức Anh luôn luôn quan tâm gần gũi, đồng thời cũng động viên bà con cố gắng tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống; Đồng thời cũng khuyên thế hệ trẻ cố gắng học tập lao động để xứng đáng với quê hương của làng Bàn Môn và quê hương xã Lộc An anh hùng."
Nhà văn hóa, Thư viện Ðại tướng Lê Ðức Anh được xây dựng trong xóm nhỏ, gắn bó với gia đình Ðại tướng. Tại đây Ðoàn thanh niên, các thế hệ học sinh trên địa bàn xã Lộc An và huyện Phú Lộc thường chọn đây làm nơi sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng quê hương. Ông Trương Thanh Tín, Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết: Nhà văn hóa, thư viện Ðại tướng Lê Ðức Anh hằng ngày thu hút rất đông người dân và học sinh, sinh viên đến đọc sách báo, tham quan, tìm hiểu về những kỷ vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Ðại tướng.
Ông Trương Thanh Tín cho biết: "Địa phương xem đây là địa chỉ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Giáo dục truyền thống cho tất cả bà con nhân dân. Các trường học thì xem đây là địa chỉ để các em học sinh đến đọc, tìm hiểu, tham quan. Từ đó, nâng cao tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Đoàn thanh niên thì tổ chức các hoạt động như: thắp nến tri ân, các hoạt động tình nguyện hè hoặc Chủ nhật xanh đều tổ chức trên khuôn viên của nhà văn hóa."
Những năm qua, Lộc An, từ một xã nghèo đã phấn đấu vượt bậc, thu nhập bình quân đã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm, xã có từ 50 đến 60 em thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Khắc ghi lời căn dặn của Ðại tướng, nhiều năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc An đã nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế, đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đến nay Lộc An đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Trần Văn Minh Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: Người dân huyện Phú Lộc rất vinh dự là quê hương của đồng chí Lê Đức Anh, người cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến hy sinh cho đất nước. Huyện xác định, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn./.
Từ khóa: Chủ tịch nước, Đại tướng, cơ sở Cách mạng, Thừa Thiên Huế
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN