Đại biểu Quốc hội ủng hộ Hà Nội tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách
Cập nhật: 01/04/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chiều 1/4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2006. Theo đó, Chính phủ thống nhất với đề nghị của TP Hà Nội về việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách lên 19 người.
Nội dung đề nghị của Hà Nội không làm tăng số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội, mà chỉ tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, tăng một số chức danh lãnh đạo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Mặt khác, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội chỉ thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thủ đô. Sau khi kết thúc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành tổng kết để đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp.
Điều kiện rất tốt cho cán bộ trẻ
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn ĐBQH Cà Mau) đồng tình cao về quy định số lượng được bổ sung thêm cho HĐND TP Hà Nội về hoạt động chuyên trách. Việc chuẩn bị thêm nhân lực cho đại biểu hoạt động chuyên trách ở cấp TP Hà Nội là điều cần thiết, đồng thời một dịp để chuẩn bị nguồn nhân lực cho HĐND trong những khóa tiếp theo.
"Mỗi tháng, mỗi quý, các đại biểu có thể đi thực tế cho hoạt động chuyên trách của mình. Có thể một tháng hoặc 15 ngày để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Quá trình đó cũng là quá trình rèn luyện thực tế ở cơ sở, để có thêm thực tiễn khi hoạt động chuyên trách về xây dựng luật, thực hiện nhiệm vụ giám sát, cũng như tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hay ở địa phương", đại biểu Minh Hoàng nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đánh giá tích cực Tờ trình về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách của thành phố Hà Nội. Đây là tư duy rất mới, coi trọng cơ quan dân cử. Tuy nhiên, đại biểu đoàn Cà Mau cũng cho rằng, hiện còn nặng về quan niệm hành chính khi xem xét đến địa vị pháp lý của đại biểu dân cử khi chúng ta lấy hệ số phụ cấp trách nhiệm để quy đổi sang chức vụ tương đương, như thế thì sẽ rất khó làm việc.
“Một đồng chí đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách của thành phố mà chỉ tương đương Trưởng phòng, chưa bằng cấp phó của giám đốc sở, làm sao giám sát được hoạt động của giám đốc sở. Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là một nhân vật chính trị, tiếp nhận sự ủy thác quyền lực của nhân dân thông qua bầu cử. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa chính trị đó”, đại biểu đoàn Cà Mau nhấn mạnh.
Vấn đề phụ cấp của đại biểu chuyên trách
Theo ông Lê Thanh Vân, là đại biểu Quốc hội, tất cả những người được ngồi vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại hội trường này thì có mức lương khởi điểm tối thiểu phải là Thứ trưởng, còn lại những phụ cấp phân công, Quốc hội không nên có một hệ thống chức danh có tính chất hành chính.
“Suy cho cùng, Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu Quốc hội đều ngang bằng về quyền lực như nhau, đó là quyền phát biểu, quyền biểu quyết. Hội đồng nhân dân cũng vậy. Cho nên chúng ta phải nghiên cứu một bảng lương riêng cho các cơ quan dân cử, các đại biểu dân cử phải có vị trí chính trị pháp lý”, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây là một chính sách rõ ràng, đãi ngộ của Nhà nước, của nhân dân với các đại biểu dân cử, có như vậy mới thu hút được nhân tài vào ngồi các cơ quan quyền lực Nhà nước, Quốc hội đến Hội đồng nhân dân các cấp.
Một số đại biểu khác kiến nghị, chức danh đại biểu chuyên trách cũng phải tương đương hoặc bằng chức danh Phó Giám đốc Sở của cấp thành phố. Mức phụ cấp 0,6 hiện nay chỉ bằng với mức phụ cấp chức danh của Trưởng phòng của cấp TP Hà Nội và TPHCM.
Trả lời những ý kiến của các đại biểu quan tâm đến phụ cấp của đại biểu hoạt động chuyên trách, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện trong thang bảng lương và danh mục vị trí việc làm chưa có chức danh đại biểu chuyên trách của các ban HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
“Hà Nội vừa qua đã thí điểm và cho hưởng phụ cấp 0,6 bằng với phụ cấp trưởng phòng cấp Sở. TPHCM cũng đang áp dụng mức phụ cấp này. Như vậy, phụ cấp của các đại biểu hoạt động chuyên trách của các ban HĐND không thể cao hơn hoặc bằng với phụ cấp của Phó ban HĐND. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đồng bộ mức phục cấp này”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói./.
Từ khóa: đại biểu chuyên trách, bầu đại biểu chuyên trách, đại biểu quốc hội Hà Nội, bầu đại biểu quốc hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN