Đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng được chất vấn
Cập nhật: 02/11/2022
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi luật về giám sát để mở rộng chủ thể được chất vấn, trong đó có các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương - nơi trực tiếp thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, chiều nay 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Chất vấn cả chính quyền địa phương?
Nhằm nâng cao hiệu quả phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, nhất là việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia và các vấn đề mang tính quan trọng chiến lược khác do Quốc hội quyết định, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.
“Trong đó mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương - nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện nghị quyết, chính sách đó, giúp cho đại biểu Quốc hội lắng nghe đa chiều, đủ thông tin, căn cứ để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước” – bà Xuân nêu ý kiến.
Đại biểu cũng cho rằng Nội quy cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn. Như số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp thời lượng dành cho 1 chức danh được chất vấn, có mối quan hệ trực tiếp với nhau, vấn đề bức xúc tồn đọng chưa được giải quyết, vấn đề cử tri đặc biệt qua tâm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng cho biết, đại biểu Quốc hội được phép mang vật chứng đến phiên chất vấn, do đó cần quy định điều kiện cụ thể vật chứng được phép mang vào để đảm bảo an ninh, an toàn.
Tranh luận việc “thảo luận nhưng cầm giấy đọc”
Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban TCNS nhấn mạnh nếu kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động quan trọng, chủ yếu nhất thì thảo luận là phương thức hoạt động quan trọng nhất, tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Vân, thảo luận hiện nay phần lớn là tham luận, theo cách cũ xưa.
“Chúng ta gọi là thảo luận nhưng mỗi người lấy giấy ra đọc mỗi hướng khác nhau. Đề nghị đổi mới phương thức thảo luận” – ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm và đề xuất phân định rõ hình thức thảo luận tổ và thảo luận hội trường.
Cụ thể, thảo luận ở tổ là sàng lọc ra các vấn đề. Thảo luận hội trường tập trung những vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau, trao đổi và tương tác trực tiếp để rõ vấn đề.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đề nghị, với phiên họp có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì nên xin ý kiến Quốc hội về việc rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi người ngay từ đầu, không nên để gần cuối mới đề xuất vì như thế là không bình đẳng.
Ông cũng cho rằng ai đăng ký trước thì phát biểu trước theo tuần tự chứ không nên phân biệt đại biểu địa phương này hay vùng miền kia vì suy cho cùng đại biểu ngoài đại diện cho nơi mình được bầu ra còn là đại diện cho cử tri cả nước.
Đồng tình với ông Lê Thanh Vân, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng cách thảo luận hiện nay giúp nhiều đại biểu nêu ý kiến, đề cập được nhiều điều cư tri quan tâm nhưng lại quá dàn trải.
Ông ủng hộ sau họp tổ thì lựa chọn một số vấn đề lớn để thảo luận hội trường, dành thời gian tranh luận cho sáng tỏ để đưa ra quyết sách đúng tầm. Ai nắm chắc, sâu vấn đề gì thì ấn nút tham gia vấn đề đó chứ không cần nhường nhau, tránh thông tin trùng lắp, dàn trải như việc chuẩn bị sẵn các bài phát biểu.
“Đổi mới để thảo luận trọng tâm, trọng điểm, thiên về tranh luận giúp đại biểu tự tin đưa ra quyết định” – ông Hà Sỹ Đồng nói.
Giơ biển tranh luận với hai đại biểu trên, ông Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội cần lộ trình. Đại biểu đại diện ở nhiều vùng miền, với văn hoá, trình độ, sự quan tâm có thể khác nhau.
“Đại biểu tham gia Quốc hội nhiều năm thì có kỹ năng nói tốt. Có đại biểu lần đầu tham gia thì trung thực phản ánh tâm tư cử tri lên Quốc hội nên nói không được đọc giấy lại hơi khó. Chúng ta không nói rõ thì một số đại biểu lần đầu tham gia lại ngại phát biểu”.
Cũng theo ông Huân, nội dung KTXH rất rộng, rất nhiều vấn đề, giờ chọn một số vấn đề ra tranh luận thì cử tri thấy không được nêu hết tiếng nói của mình.
“Vì nội dung quan trọng nên Quốc hội mới dành 2 ngày thảo luận, truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi. Không phải họ thích lên tivi” – đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.
Trao đổi lại, đại biểu Lê Thanh Vân một lần nữa nhấn mạnh, ông nói việc quy định mạch lạc thảo luận tổ và thảo luận toàn thể có 3 tác dụng: Thúc đẩy tham luận sang tranh luận nhanh hơn; quyết định chất lượng hơn và rèn luyện kỹ năng tranh luận, thuyết phục của đại biểu.
“Mỗi đại biểu Quốc hội khi được giới thiệu đều phải vận động ứng cử, tức thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Kỹ năng tối thiểu là phải hùng biện và ở nghị trường này cần thể hiện khả năng đó” – ông Lê Thanh Vân nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ: “Phát biểu cầm giấy hay không tuỳ quan điểm và đều được, song quan trọng phát biểu phải hay, phải trách nhiệm”./.
Từ khóa: Nội quy kỳ họp quốc hội, đại biểu quốc hội tranh luận, kỳ họp quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN