Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”

Cập nhật: 3 ngày trước

VOV.VN - Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Quốc hội sáng 26/6, đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Chính phủ cần có chiến lược "hồi hương cổ vật", đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện (đoàn Điện Biên) cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phù hợp với thực tiễn hiện nay hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và phù hợp với công ước của UNESCO.

Theo đại biểu, việc đăng ký di vật, cổ vật được quy định tại Điều 39 dự thảo Luật này, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương.

"Quy định này rất cần thiết, qua đó dễ dàng quản lý, nhận diện, hình thành bộ dữ liệu di sản, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật", Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Tuy nhiên, Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật đã được đăng ký.

Đặc biệt, đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện đề nghị Chính phủ cần có chiến lược "hồi hương cổ vật", đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc "hồi hương cổ vật".

 Cũng quan tâm đến vấn đề thuế, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) đại biểu cho biết, khoản 5 Điều 49 quy định:

"Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí liên quan khác".

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 47 của Hiến pháp, vấn đề về thuế phải quy định  trong luật, hiện nay thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đang được điều chỉnh  trong các luật chuyên ngành.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, quy định nêu trên của dự thảo Luật chưa rõ. Do đó, cần làm rõ nội hàm chính sách của quy định nêu trên để có quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.

"Về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước, đại biểu cho biết, khoản 5 Điều 49 quy định: "5. Trường hợp di vật, cổ vật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, đề xuất phương án thu hồi, mua ở nước ngoài về nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam và di vật, cổ vật được tổ chức, cá nhân mua, đưa về Việt Nam nhằm mục đích lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận hoặc hiến tặng cho nhà nước thì được hưởng chế độ ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế, phí liên quan khác”, ông Lềnh nói

Trong khi đó, theo quy định tại Điều 47 của Hiến pháp, vấn đề về thuế phải quy định trong luật, hiện nay thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác đang được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành. Theo đại biểu, quy định nêu trên của dự thảo Luật chưa rõ. Do đó, cần làm rõ nội hàm chính sách của quy định nêu trên để có quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.

Quy định chặt chẽ về trách nhiệm quản lý, bảo quản, trưng bày cổ vật

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, Điều 88 của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về xã hội hóa  trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm khuyến khích mở rộng việc tổ chức, cá nhân được tham gia và không hạn chế nguồn lực xã hội  trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 Về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Huỳnh Kim Phúc cho rằng, không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản, đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về điều kiện, trách nhiệm quản lý, bảo vệ, bảo quản, trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật.

Khi có đủ “độ chín” sẽ có bảo tàng số

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành và chuẩn bị đầy đủ, công phu, tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan soạn thảo cũng ý thức đây là luật chuyên ngành, khó, liên quan đến di tích, di sản – lĩnh vực văn hóa quan trọng. Qua rà soát, nội dung này liên quan đến 23 luật đang có hiệu lực.

Vấn đề đặt ra trong quá trình sửa luật là không chồng lấn, không giao thoa, vấn đề đã rõ, quy định ở các luật khác phải được tiếp tục thực hiện. Quan điểm sửa đổi luật là những vấn đề nào đã chín, đã rõ thì đưa vào luật. Cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại Phiên họp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. 

Về quy định liên quan đến bảo tàng, Bộ trưởng khẳng định, theo luật hiện hành quy định bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, hướng tiếp cận mở rộng hơn, theo đó cho phép có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập; đồng thời đa dạng hóa các mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt hơn việc hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Liên quan đến bảo tàng số, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định trưng bày trên không gian mạng, khi có đủ “độ chín” sẽ có bảo tàng số.

Đối với ý kiến đại biểu liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, Bộ trưởng cho biết, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng giải trình một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; phân cấp trong việc quản lý di tích; việc xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung tại vùng lõi và vùng đệm của di sản…

Từ khóa: Quốc hội, Quốc hội, luật du sản, hượng tọa Thích Đức Thiện,Dự thảo Luật Di sản văn hóa,Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: phi long/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập