Đặc sản Bình Thuận tìm đường ra thế giới qua sàn thương mại điện tử

Cập nhật: 20/06/2021

VOV.VN - Bình Thuận hiện đang phối hợp với Bộ Công Thương để giúp đưa các đặc sản của tỉnh có mặt trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế.

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Bình Thuận chuẩn bị đi vào hoạt động sẽ là kênh phân phối hàng hóa, giúp doanh nghiệp (DN) kết nối với người tiêu dùng. Bình Thuận cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương để giúp đặc sản của tỉnh có mặt trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế.

Mỗi năm, cơ sở Nước mắm Cá Đen (ở Phan Thiết, Bình Thuận) sản xuất hơn 100.000 lít nước mắm. Chính thức mở cửa hàng phân phối vào tháng 11/2019, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2020, sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP 2020 của Bình Thuận chỉ bán được vài chục ngàn lít.

Ông Huỳnh Văn Dung, Giám đốc Công ty TNHH Cá Đen cho biết, việc sàn TMĐT Bình Thuận ra đời là tin vui giúp DN quảng bá sản phẩm tốt hơn đến khách hàng. “DN cũng muốn nhân cơ hội này để giới thiệu với bạn bè, đối tác ở nước ngoài nước mắm truyền thống của mình. Sản phẩm này đã được lưu truyền mấy trăm năm qua ở Phan Thiết, Bình Thuận”, ông Dung nói.

Bà Trần Thị Bảo Trâm, chủ cơ sở sản xuất chế biến Yến sào Trường Ca (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc giao dịch qua internet rất cần thiết vì sẽ giúp DN tỉnh Bình Thuận giảm được nhiều chi phí về nhân công, mặt bằng…. và cũng giúp cho người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm tốt với giá cả hợp lý.

“Ổn định giá là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết để cho DN và người tiêu dùng an tâm về mặt chi phí. Giá cả do doanh nghiệp tính toán đã được đăng ký trước, nếu có chương trình khuyến mãi thì phải đăng ký qua Sở Công Thương. Do đó, giá cả hoặc các điều khoản được nêu trên Sở Công Thương, trên sàn giao dịch TMĐT sẽ vô cùng hữu ích, thứ hai đảm bảo uy tín cho DN và mang lại độ tin cậy cao cho người tiêu dùng”, bà Trâm bày tỏ sự vui mừng.

Để hỗ trợ cho DN của 3 tỉnh giáp ranh là Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng kết nối người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Đề án “Xây dựng sàn TMĐT hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng”. Cuối năm 2020, đề án đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Đến nay, Bình Thuận đã hoàn thiện cơ bản về cơ sở hạ tầng và đang chờ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông qua. Dù chưa đi vào hoạt động, nhưng đã có 10 cơ sở kinh doanh và các công ty đăng ký tham gia sàn TMĐT của Bình Thuận.

Ông Đỗ Xuân Lâm, phó Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho rằng, với các công ty, cơ sở kinh doanh ở Bình Thuận bước đầu tham gia sàn giao dịch sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Sở sẽ có những hướng dẫn tập huấn cụ thể để họ có thể kết nối với người tiêu dùng qua sàn giao dịch TMĐT.

“Các DN, cơ sở kinh doanh phải có nhân viên rành về công nghệ thông tin, để họ hiểu và họ cập nhật các thông tin về sản phẩm của DN. Bước đầu, một số cơ sở lên sàn TMĐT sẽ gặp một chút khó khăn nên Sở cũng có hướng sau khi hết dịch bệnh Covid sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức 1 lớp tập huấn về nội dung này”, ông Lâm nêu rõ.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận hiện cũng đang phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương giúp đặc sản trái thanh long có mặt trên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế như Shopee, TiKi, Sendo, Lazada,… qua đó giúp DN quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc đưa hàng hóa lên các sàn TMĐT sẽ là một kênh phân phối quan trọng giúp nhiều DN ở Bình Thuận nói riêng và các DN nói chung kết nối tốt hơn với người tiêu dùng, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh bền vững./.

Từ khóa: tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm ocop, sản phẩm đặc sản, đặc sản bình thuận, sàn thương mại điện tử, tiêu thụ trong nước, mở rộng thị trường

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập