Nông dân Tây Nguyên chăm sóc cà phê, thu hoạch nông sản ngay sau Tết
Cập nhật: 2 giờ trước
Nông dân Tây Nguyên chăm sóc cà phê, thu hoạch nông sản ngay sau Tết
Nhà hàng, quán ăn ở trung tâm thương mại chật kín khách chơi Tết
VOV.VN - Sau những ngày vui Xuân đón Tết, hôm nay (1/2 - ngày mùng 4 Tết Nguyên đán Ất Tỵ), nhiều nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu ra quân sản xuất, tưới cà phê, thu hoạch nông sản với kỳ vọng một năm sản xuất thuận lợi, được mùa được giá.
Sáng mùng 4 Tết Ất Tỵ, trên ruộng khoai lang ở xã Đắk N’Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, không khí làm việc nhộn nhịp. Gần 30 nhân công đang tất bật thu hoạch khoai lang, tiếng cười nói rôm rả xen lẫn tiếng máy móc.
Anh Y Đắp Kbuôr, ở buôn Trắp B, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, anh đã đi từ sáng sớm để kịp tham gia thu hoạch khoai lang tại đây. “Để kịp thời giúp nhà vườn, bà con tập trung thu hoạch ngay những ngày sau Tết. Bà con nông dân rất vui vì có công việc, tăng thêm thu nhập đầu Xuân”, anh Y Đắp Kbuôr nói.
Cũng có mặt từ sớm để kịp nhận công, bà Lê Thị Lan, ở xã Ea Drơng, ở huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi khi ngày đầu ra ruộng được chủ vườn lì xì lấy lộc. “Ngay trong những ngày sau Tết, chúng tôi ra quân thu hoạch giúp nhà vườn nhưng ai cũng phấn khởi vì được nhận lì xì Tết, mong năm 2025 có nhiều công việc ổn định”, bà Lan chia sẻ.
Ông Lại Cao Điền, chủ ruộng khoai cho biết, 7ha khoai lang Nhật này đã được thương lái chốt giá và 2 bên đã thỏa thuận, thống nhất thời gian giao nhận hàng. Vì đã thỏa thuận trước, nên đúng ngày mùng 4 Tết, số nhân công thu hoạch từ Đắk Lắk đã tập trung đi xe sang để thu hoạch kịp vụ, đảm bảo thời gian chuyển hàng cho thương lái.
“Hiện nay giá khoai cũng đang nhích lên, cho nên tranh thủ thời gian Tết nắng ấm, thương lái đã đồng ý chốt giá từ trong năm với giá 12.000 đồng/kg tại vườn và cũng đã chuẩn bị công cán, động viên hỗ trợ nhau. Dịp Tết vui Xuân mới nhưng mọi người không quên nhiệm vụ, mùng 4 Tết mọi người bắt đầu ra quân thu hoạch, kịp thời cung cấp sản phẩm cho thương lái”, ông Điền cho hay.
Ngày mùng 4 Tết cũng là thời điểm nhiều nông dân các tỉnh Tây Nguyên ra vườn tưới cà phê, sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác. Đang tưới 1ha cà phê xen sầu riêng, ông Vũ Văn Thắng, ở thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông chia sẻ, năm nay nhiều nông dân được hưởng một cái Tết đầm ấm. “Mùng 4 Tết, nông dân xuất phát tưới cà phê, tưới sầu riêng cũng rất mong giá cả ổn định, cuối năm bà con có thêm thu nhập”, ông Thắng nói.
Ông Y Danh Niê, ở buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cũng đang lắp ống béc để tưới cà phê. Ông cho biết, đã tưới đợt đầu tiên từ trước ngày 20 tháng Chạp. Nay ăn Tết xong hoa cà phê đã khô héo, vừa đúng tầm tưới đợt 2. Tưới cà phê xong gia đình sẽ gặt lúa và tầm cuối tháng Giêng thì tiếp tục thu hoạch hồ tiêu.
"Hết Tết gia đình tiếp tục tập trung tưới nước cho cà phê, hồ tiêu. Năm nay gia đình hy vọng vườn cà phê, hồ tiêu phát triển tươi tốt, ra hoa đậu trái nhiều để có niên vụ đạt năng suất. Gia đình cũng mong giá cà phê năm nay ổn định và cao hơn, để cuộc sống gia đình được ổn định hơn so với năm trước", ông Y Danh Niê chia sẻ.
Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân trồng cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum vẫn chăm chỉ bơm tưới cho rẫy cà phê của gia đình. Sau niên vụ 2024-2025 thắng lợi, người trồng cà phê ở đây đang khởi động một niên vụ mới với kỳ vọng bội thu.
Ngày mùng 4 Tết, tiếng máy bơm nước nổ ròn rã vang khắp những rẫy cà phê của người dân thôn 4, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Nhà có gần 1 ha cà phê tái canh năm thứ 2, ông Nguyễn Văn Phượng cùng vợ kéo ống đưa dòng nước mát đến tưới cho từng gốc cây cà phê cho biết, gia đình lấy nước từ đập mùa Xuân ra tưới.
“Gia đình ra quân ngay từ ngày mùng 4 Tết để nước tưới vườn cà phê đầy đủ. Năm nay cà phê được giá cao bà con có nguồn vốn để tái đầu tư, tập trung chăm sóc cà phê cho tốt”, ông Phượng nói.
Anh Lê Quang Đông - nhà có 1 ha cà phê đang kinh doanh cho biết, do yêu cầu phải có nhiều nước để kích thích cà phê đồng loạt bung hoa, đậu quả và nguồn nước phụ thuộc vào sự điều tiết của hệ thống thuỷ lợi, nên những ngày qua người dân thôn 4 xã Đắk Mar đã ăn Tết cùng cây cà phê.
“Làm cà phê nên phụ thuộc vào nguồn nước mương không kể Tết. Thậm chí hôm mùng 1 Tết vẫn có nhà đi tưới. Có nhà tưới 1 đợt có nhà tưới 2 - 3 đợt”, anh Đông cho hay.
Huyện Đăk Hà là vùng cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum, với diện tích hơn 15.000 ha đều trong thời kỳ kinh doanh. Trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm, là giai đoạn cây cà phê có nhu cầu nước cao nhất, quyết định đến sản lượng và chất lượng của niên vụ kế tiếp. Đến mùng 4 Tết Ất Tỵ này, người dân đã tưới được từ 1 - 3 lần nước, đảm bảo cây có thể ra hoa, đậu quả tối đa.
Từ khóa: cà phê, cà phê,tây nguyên, chăm sóc, nông sản, tây nguyên
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: h.xíu-khoa điềm/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN