Đà Nẵng sớm ghi danh hệ sinh thái bán dẫn thế giới

Cập nhật: 02/12/2023

VOV.VN - Đà Nẵng hội đủ các điều kiện trở thành trung tâm phát triển vi mạch bán dẫn của thế giới. Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp cùng những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư các dự án động lực, phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực này, sớm ghi danh trong hệ sinh thái bán dẫn thế giới.

 

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn cán bộ lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tại Hoa Kỳ trung tuần tháng 11/2023, tại San Jose, California, UBND thành phố Đà Nẵng, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố phối hợp với Công ty ITSJ-G tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư “Đà Nẵng – Điểm đến đầu tư lĩnh vực bán dẫn”. Hội thảo thu hút hàng chục đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng bán dẫn tại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội quảng bá điểm đến Đà Nẵng.

Tại hội thảo, thành phố Đà Nẵng giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn của thành phố đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ. Các hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra trong bối cảnh chuỗi giá trị bán dẫn có xu hướng dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với trọng tâm đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn thành phố Đà Nẵng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển.

Dịp này, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư và Công ty ITSJ-G đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Công ty ITSJ-G là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các linh kiện điện, điện tử, nhiều năm kinh nghiệm tham gia trong chuỗi cung ứng công nghiệp bán dẫn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, việc ký kết Bản ghi nhớ này nhằm xúc tiến, thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ vào Đà Nẵng và hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia vào chuỗi cung ứng của ITSJ-G: “Đây là cơ hội tốt. Thành phố Đà Nẵng cũng đã xây dựng chiến lược thu hút đầu tư từ nay đến năm 2030. Trong đó, xác định thị trường trọng điểm là Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng, Đà Nẵng và các đối tác sẽ có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư hơn nữa”.

Theo ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh Synopsys khu vực Nam Á, Đà Nẵng không còn quỹ đất rộng để phát triển các ngành công nghiệp thông thường. Hướng tốt nhất là thành phố phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn. Đây là lĩnh vực không cần nhiều đất đai nhưng tạo ra nguồn doanh thu khổng lồ.

Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn, nhất là về nhân lực, hạ tầng công nghệ cao, các trung tâm khởi nghiệp. Đà Nẵng hiện thu hút nhiều doanh nghiệp vi mạch bán dẫn đến đặt trụ sở cùng hàng trăm nhân sự, điển hình như Synopsys, FPT Software, eSilicon, Savarti… Ngoài đầu tư, Tập đoàn Synopsys cam kết hỗ trợ công cụ và tư vấn để thành phố Đà Nẵng chuẩn bị nguồn nhân lực bán dẫn và vi mạch. Ông Trịnh Thanh Lâm cho rằng, Đà Nẵng không chỉ cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn tại địa phương mà phải hướng đến cung cấp cho các công ty toàn cầu…

“Trong chiến lược phát triển ngành bán dẫn của Thủ tướng Chính phủ ban hành sắp tới, Đà Nẵng sẽ có một Trung tâm ươm tạo. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến mô hình của Trung tâm này như thế nào. Nếu chúng ta chỉ nhằm đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chip bán dẫn, điều đấy tốt, nhưng chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra những chip có khả năng cạnh tranh quốc tế”, ông Trịnh Thanh Lâm cho biết.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn, không chỉ vị trí địa lý, cảnh quan, môi trường hấp dẫn mà còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Cuộc đi thăm và làm việc của Bí thư Thành uỷ, Nguyễn Văn Quảng tại Mỹ vừa rồi đã được các công ty hàng đầu chấp nhận Đà Nẵng là “điểm chọn”. FPT hiện đào tạo 17.500 học sinh sinh viên và cũng mở ngành đào tạo bán dẫn. Chúng tôi đã mở khoa, đã ký kết hợp tác và sẽ đào tạo với quy mô lớn chưa từng có về nguồn nhân lực bán dẫn. FPT cam kết sẽ làm hết sức mình cho bức tranh tương lai Silicon Đà Nẵng".

Năm 2022, kinh tế số đóng góp 19,76% vào GRDP thành phố Đà Nẵng. Thành phố hiện có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số với khoảng 46.000 nhân lực lĩnh vực này. Trong định hướng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2030, Đà Nẵng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch.

Khu Công nghệ cao Đà Nẵng diện tích hơn 1.128 ha là khu công nghệ cao duy nhất ở miền Trung và là một trong 3 khu công nghệ cao cấp quốc gia. Hạ tầng kỹ thuật của Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng tập trung xây dựng Đề án Phát triển chip bán dẫn và vi mạch. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP, 8.950 doanh nghiệp công nghệ số với 115.000 nhân lực, 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm…

“Quy hoạch thành phố Đà Nẵng lần này là một quy hoạch rất mở. Do đó, chúng ta có rất nhiều không gian để tích hợp và phát triển theo nhận định của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp. Thành phố sẽ ban hành ngay các chính sách để thu hút đầu tư các dự án động lực, trọng điểm, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, có tính lan toả. Các dự án công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ tự động hoá, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo”, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định.

Từ khóa: hệ sinh thái bán dẫn, vi mạch bán dẫn, thu hút đầu tư,Đà Nẵng,sản xuất vi mạch

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: vinh thông/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập