Đà Nẵng chuẩn bị gì cho Trung tâm tài chính quốc tế?
Cập nhật: 08/03/2024
VOV.VN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 119/2020 Quốc hội khoá XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Nội dung Dự thảo đề xuất thí điểm thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng. Vậy thành phố Đà Nẵng chuẩn bị những điều kiện gì để tận dụng cơ hội đón làn sóng đầu tư mới?
Theo nhận định của các chuyên gia, thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế. Địa phương này có thuận lợi về vị trí địa lý và khả năng kết nối, hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống, nguồn nhân lực cùng nhiều điều kiện phát triển khác… Đà Nẵng được chọn thí điểm thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế phù hợp với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Năm 2024, Thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Thành phố Đà Nẵng liên tục tổ chức nhiều sự kiện lớn, diễn đàn quảng bá hình ảnh, lắng nghe ý kiến đa chiều từ các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đồng hành với thành phố khai thông nguồn lực hợp tác và hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường du lịch, thương mại, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong thời gian đến.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và tại Đại công quốc Luxembourg, Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên minh châu Âu cho rằng, thành phố Đà Nẵng lựa chọn đa lĩnh vực chiến lược để phát triển là những lựa chọn đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với những thế mạnh vượt trội của địa phương.
“Liên minh châu Âu là khu vực có nguồn tài chính rất dồi dào. Trong năm 2023, Việt Nam và Luxembourg, một nước thành viên của EU đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về tài chính xanh. Trên khuôn khổ đối tác chiến lược đã thiết lập được, tôi tin rằng nếu như đẩy mạnh hợp tác giữa Đà Nẵng với EU nói chung và Luxembourg nói riêng thì Đà Nẵng có thể hoàn toàn trở thành Trung tâm Tài chính của khu vực” - ông Nguyễn Văn Thảo nói.
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực sau năm 2045. Thành phố Đà Nẵng quy hoạch quỹ đất sạch diện tích hơn 6 ha phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng tốt. UBND thành phố Đà Nẵng đề ra lộ trình xây dựng theo 4 giai đoạn…
Theo đó, từ năm 2024 đến 2030, thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng; thu hút các định chế tài chính quốc tế và nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng thế giới. Sau năm 2030, thành phố sẽ chuyển đổi mô hình trung tâm để cung cấp dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hướng đến trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045.
UBND thành phố Đà Nẵng đề xuất 11 cơ chế chính sách đặc thù. Địa phương ưu đãi đối với các nhà đầu tư chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm tài chính, với tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính và ưu đãi về thuế. Đà Nẵng có chính sách phát triển thị trường vốn, huy động vốn, chính sách ngoại hối, chính sách phát triển fintech.
Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác TheCityUK, Vương quốc Anh về Trung tâm tài chính quốc tế khuyến nghị, Đà Nẵng nên tập trung nhiều hơn vào các hoạt động tài chính, thế mạnh của thành phố.
“Trung tâm tài chính Quốc tế không đơn thuần là cơ sở hạ tầng mà vấn đề quan trọng nhất là cơ chế, khung thể chế phù hợp với các hoạt động. Trên thế giới có rất nhiều thành phố xây dựng những trung tâm tài chính rất đẹp với những toà nhà cao tầng, tuy nhiên họ không có những khung thể chế, những hoạt động tài chính hấp dẫn các công ty thì sẽ không tạo ra được sự khác biệt trong thị trường tài chính quốc tế. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh, khi xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế của Đà Nẵng cần tập trung vào những dịch vụ tài chính mà thành phố có thế mạnh” - ông Andrew Oldland nói.
Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố Đà Nẵng sẽ hoạt động theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại. Việc thí điểm thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế tại Đà Nẵng theo mô hình này có thể áp dụng ngay để tận dụng các lợi thế hiện tại của Việt Nam. Đây là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao. Các nhà đầu tư đều được xem là doanh nghiệp nước ngoài.
Mô hình này nhằm thiết lập một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh, có tính gắn kết yếu với các thị trường tài chính trong nước còn đang trong lộ trình tự do hóa tài khoản vốn.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc xây dựng cũng như hình thành đưa vào hoạt động Trung tâm Tài chính quốc tế đòi hỏi thời gian dài, ít nhất là 5 năm. Để có thể lựa chọn mô hình phù hợp cũng như vận hành hiệu quả thì cần phải nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau trong quá trình xây dựng mô hình cũng như thể chế, chính sách về Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng trong thời gian tới”.
Từ khóa: Đà Nẵng, Trung tâm tài chính,tài chính quốc tế,chính quyền đô thị
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: vinh thông/vov-miền trung
Nguồn tin: VOVVN