Cựu nhân viên quốc phòng Australia cần xin phép nếu làm việc cho nước ngoài

Cập nhật: 08/10/2023

VOV.VN - Truyền thông Australia cho biết, hôm nay, một dự luật quy định về việc làm của những người từng làm việc trong ngành quốc phòng Australia sẽ được đệ trình lên Quốc hội nước này.

Theo dự luật mới, các cựu nhân viên quốc phòng Australia cần phải nhận được sự đồng ý của bộ quốc phòng nước này trước khi làm việc cho nước ngoài.

Australia bắt đầu thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát các bí mật quốc phòng khi một dự luật quy định về việc làm của những người từng làm việc trong ngành quốc phòng được trình lên Quốc hội nước này ngày 14/9. 

Dự luật này mở rộng các quy định đã được đưa ra trước đó yêu cầu, những người từng làm việc cho ngành quốc phòng, sau khi ra khỏi lực lượng, nếu muốn làm việc cho nước ngoài, trong đó bao gồm cả hoạt động huấn luyện thì cần phải xin phép. Bộ Quốc phòng Australia sẽ đưa ra quyết định dựa trên loại công việc và mức độ thông tin mà cá nhân này được tiếp cận khi làm việc trong ngành quốc phòng, đồng thời, các yếu tố về loại công việc sẽ làm cho nước ngoài, thời gian làm việc và quốc gia mà họ định làm việc cũng là những nội dung sẽ được cân nhắc kỹ.

Theo dự luật mới, những người vi phạm các quy định này có thể bị phạt tù lên tới 20 năm.

Tuy vậy, quy định này không áp dụng cho những ai muốn làm việc cho 4 quốc gia thành viên còn lại của nhóm tình báo Ngũ nhãn gồm Mỹ, Anh, Canada và New Zealand.

Australia thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát thông tin mật trước sức ép từ phía Mỹ và Anh, yêu cầu nước này cần gia tăng các biện pháp để bảo vệ các bí mật quốc phòng trong khuôn khổ cơ chế AUKUS, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, các hệ thống tên lửa mới, máy tính lượng tử và trí tuệ nhân tạo.

Trước khi dự luật này được đệ trình Quốc hội, theo đề nghị của Mỹ, vào tháng 10/2022 Australia đã bắt giữ một cựu phi công của lực lượng hải quân Mỹ đang sinh sống tại Australia vì đã tới Trung Quốc đào tạo cho các phi công quân đội của Trung Quốc. Mỹ cho rằng phi công này đã vi phạm các quy định của Mỹ về việc xuất khẩu các dịch vụ quốc phòng.

Từ khóa: quốc phòng, australia, xin phép, làm việc cho nước ngoài, cựu nhân viên quốc phòng, tình báo Ngũ nhãn, hợp tác quốc phòng, aukus

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả: việt nga/vov-australia

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan