Cựu lãnh đạo Mobifone cấu kết với AMAX “thổi phồng” AVG như thế nào?
Cập nhật: 25/09/2019
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Để có được mức giá "trên trời" cho AVG, một số cựu lãnh đạo Mobifone đã cấu kết với công ty định giá AMAX thổi phồng giá trị.
AVG liên tục lỗ trong nhiều năm
Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG) hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, được thành lập từ năm 2012 với Chủ tịch là ông Phạm Nhật Vũ.
Theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ: Trước khi tiến hành thương vụ chuyển nhượng 95% cổ phần với Mobifone, AVG đã trải qua quá trình lỗ lũy kế. Cụ thể, tính đến 31/3/2015, tổng tài sản của AVG là 3.260 tỷ đồng. Nợ phải trả là 1.266 tỷ đồng. Giá trị còn lại của tài sản cố định là 208 tỷ đồng.
Sau thương vụ chuyển nhượng, AVG sang Mobifone lấy tên là MobiTV. (Ảnh: VTC) |
Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá AVG đã liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632 tỷ đồng tương đương 45% vốn điều lệ.
Đầu tháng 3/2015, Phó Tổng giám đốc Mobifone Nguyễn Bảo Long gọi cho ông Vũ về việc AVG bán cổ phần. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ông Nguyễn Bắc Son khi ấy là Bộ trưởng TT&TT đã chỉ đạo quyết liệt các cấp dưới, trong đó có Thứ trưởng Trương Minh Tuấn và các lãnh đạo Mobifone về việc chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG sang Mobifone với giá trị 8.889 tỷ đồng.
Giá trị AVG được "thổi phồng" như thế nào?
Mức giá 8.889 tỷ đồng cho 95% cổ phần AVG vào thời điểm đó được cho là bất hợp lý, quá cao so với giá trị thật của doanh nghiệp này. Để hình thành "mức giá trên trời", các cựu lãnh đạo Mobifone đã câu kết với công ty định giá AMAX.
Cơ quan điều tra nhận định: Sau khi ký hợp đồng thẩm định giá trị AVG, bị can Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty AMAX) đã tính giá trị AVG dựa trên kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2015 - 2020 theo định hướng của Mobifone. Ngoài ra, bị can Mạnh đã đưa giá trị 2 khoản đầu tư ngoài ngành và giá trị sau năm 2026, với mục đích "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp của AVG.
Cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Mobifone - Lê Nam Trà. (Ảnh: VTC) |
Bị can Võ Văn Mạnh đã chỉ đạo các nhân viên AMAX định giá AVG với nhiều sai lệch khác như: Không thẩm tra, kiểm chứng tài liệu được Mobifone cung cấp; không đánh giá lại tài sản cố định của AVG mà giữ nguyên giá trị theo sổ sách kế toán...
Về phía các cựu lãnh đạo của Mobifone, dù biết AVG đang làm ăn bết bát nhưng vẫn quyết mua 95% cổ phần với giá "trên trời", với mục đích hưởng lại quả từ thương vụ phi pháp. Cụ thể, bị can Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone) đã nhận 2,5 triệu USD tiền "cảm ơn", còn bị can Cao Duy Hải nhận 500.000 USD.
Kết luận điều tra nêu rõ: "Bị can Trà thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son với mong muốn giữ được chức vụ chủ tịch HĐTV Mobifone và sẽ được "lại quả" sau khi thực hiện xong dự án. Hành vi của Lê Nam Trà đã giúp sức cho Nguyễn Bắc Son đạt được ý chí, mục đích, gây thiệt hại gần 6.500 tỷ".
Tại cơ quan công an, bị can Phạm Thị Phương Anh (cựu Phó Tổng giám đốc Mobifone) khai: Biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, hiệu quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần AVG chênh lệch lớn so với giá trị thực tế. Tuy nhiên, bị can Phương Anh vẫn tiếp tay thúc đẩy thương vụ sai trái, vì sức ép chỉ đạo của cấp trên.
Với sự cấu kết, bắt tay giữa các bị can, thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG với giá "trên trời" đã diễn ra, nguy cơ gây thiệt hại cho Nhà nước 7.000 tỷ đồng. Sau khi sự việc bị phanh phui, bị can Phạm Nhật Vũ chủ động hủy hợp đồng giữa AVG và Mobifone, tự nguyện trả Mobifone số tiền tương ứng 95% cổ phần AVG, cả gốc lẫn lãi./.
Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD
Từ khóa: AVG, Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, cơ quan điều tra
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN