Cựu Chủ tịch Vinashin bị đề nghị 18-20 năm tù

Cập nhật: 19/10/2019

Ông Nguyễn Ngọc Sự và ba thuộc cấp bị cáo buộc ra chủ trương gửi tiền vào OceanBank để nhận "lại quả" hơn 105 tỷ đồng.

Sau gần 2 ngày xét xử, chiều 11/6, VKSND Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) 18-20 năm tù, Trương Văn Tuyến (cựu Tổng Giám đốc Vinashin) 7-8 năm tù, Phạm Thanh Sơn (cựu phó tổng giám đốc Vinashin) 8-9 năm tù, Trần Đức Chính (cựu kế toán trưởng Vinashin) 18-20 năm tù cùng tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

cuu chu tich vinashin bi de nghi 18-20 nam tu  hinh 1
Các bị cáo Chính, Sự, Tuyến và Sơn (từ trái qua) nghe VKS luận tội.

Theo VKS, năm 2008-2010, Vinashin có nguy cơ phá sản nên Nhà nước đưa ra giải pháp tái cơ cấu, sáp nhập về Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Sau đó, Vinashin tiếp nhận 2.200 tỷ đồng từ PVN, 4.190 tỷ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương để thực hiện đề án tái cơ cấu. Vinashin đã sử dụng một số lượng tiền lớn trích ra ở hai khoản này để gửi vào Oceanbank.

Bị cáo Sự với vai trò đứng đầu Vinashin, ra chủ trương gửi tiền có kỳ hạn vào Ngân hàng TMCP - Oceanbank, thông qua hai cuộc hội ý với các ông Tuyến, Sơn và Chính.

Công tố viên nhận thấy, các bị cáo là những người được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng nguồn tiền chuyển về Vinashin song đã đồng thuận gửi tiền của Vinashin vào OceanBank nhằm hưởng lãi suất chênh lệch.

Từ ngày 8/11/2010 đến ngày 31/10/2014, Vinashin đã phát sinh hơn 2.500 hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn vào Oceanbank với tổng số gần 109.000 tỷ đồng và hơn 181 triệu USD. Lãi phát sinh tương ứng theo tiền gửi là hơn 1.000 tỷ đồng, cùng gần 30.000 USD.

Từ tháng 2/2011 đến tháng 10/2014, ông Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng do OceanBank chi lãi ngoài cho Vinashin. Số tiền chi lãi ngoài này được OceanBank tính toán và chi thực tế trên 400 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn của Vinashin phát sinh từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2014. Khoản tiền nhận lãi ngoài này, ông Chính bỏ ngoài sổ sách của Vinashin.

Sau khi nhận tiền, các bị cáo đã chia nhau, chiếm hưởng cá nhân. Qua tài liệu, hồ sơ, VKS thấy, có cơ sở xác định bị cáo Sự chiếm hưởng hơn 8 tỷ đồng, Sơn 1,2 tỷ đồng, Tuyến 3,5 tỷ đồng. VKS đề nghị tòa buộc bốn bị cáo phải bồi thường khoản tiền đã chiếm đoạt.

Đại diện cơ quan công tố cho rằng, các bị cáo là người có chức vụ, đáng lẽ phải đứng lên lèo lái để đưa Vinashin phát triển, nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân đã vi phạm pháp luật. Hành vi của bốn bị cáo đã phạm vào tội danh như cáo trạng truy tố.

"Đây là vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các bị cáo, ảnh hưởng tiêu cực về tài chính...", VKS đánh giá. Trong vụ án, Sự là bị cáo chính, ba người còn lại có vai trò ngang nhau. Tuy nhiên, Chính là người tham mưu tích cực, nhận và giữ, sử dụng số tiền 105 tỷ đồng.

Theo VKS, vụ án trên là giai đoạn 2, điều tra mở rộng sai phạm của Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank) và đồng phạm xảy ra tại OceanBank. VKS đề nghị các bị cáo nộp lại số tiền đã chiếm hưởng, trả cho Oceanbank, cũng để khấu trừ khoản tiền bồi thường dân sự của Hà Văn Thắm.

Ngày 12/6, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận./.


Từ khóa: vinashin, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Nguyễn Ngọc Sự, chi lãi ngoài, OceanBank

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập