Cuộc sống người dân khu phong tỏa ở buôn vùng sâu Đắk Lắk

Cập nhật: 25/09/2021

VOV.VN - Vượt qua những bối rối ban đầu, sau hơn 1 tháng thực hiện phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, bà con ở nhiều buôn làng của xã Cư Né, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk đã có sự điều chỉnh phù hợp để ổn định đời sống, đảm bảo sản xuất.

Được về nhà sau 1 tháng điều trị Covid-19, chị H Trâm Kpă, ở buôn Đrao, xã Cư Né, huyện Krông Buk không giấu nổi niềm vui vì đã khỏi bệnh và được gặp lại con gái nhỏ. Chị H Trâm kể, suốt 1 tháng qua, từ khi biết mình và 3 người trong nhà bị mắc bệnh, chị vô cùng hoang mang, lo lắng. Nhất là khi mẹ chị tiến triển nặng phải chuyển điều trị lên tuyến trên và bản thân chị bị tái nhiễm sau thời gian được xác nhận khỏi bệnh.

Trong thời gian điều trị, dù được các bác sĩ, nhân viên y tế và đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc, hỗ trợ rất tốt, nhưng chị H Trâm vẫn không khỏi lo lắng cho những người thân và đàn vật nuôi ở nhà khi cả gia đình phải đi cách ly, điều trị, còn buôn làng thì đang bị phong tỏa.

"Bình thường dân làng sẽ đi nương rẫy để kiếm đồ ăn cho gia đình, nhưng dịch thì họ không được đi ra ngoài. Từ khi dịch bùng phát thì mình có theo dõi trên các trang mạng Facebook cũng như thông tin của huyện thì thấy có nhiều mạnh thường quân cũng như nhà nước vào hỗ trợ nhiều cho dân làng, không chỉ những hộ gia đình khó khăn mà tất cả các gia đình có người F0, F1 thì đều được nhà nước hỗ trợ"- chị H Trâm nói.

Hơn 1 tháng bị phong tỏa, cuộc sống của người dân ở xã Cư Né đã có nhiều thay đổi. Như ở tâm dịch của xã là buôn Đrao và Ktơng Drun, 440 hộ dân tới 439 hộ là người Êđê, sinh sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Anh Y Bih Êban, thành viên đội tình nguyện buôn Đrao, xã Cư Né cho biết, thời điểm này đang là mùa thu hoạch nhiều loại nông sản như lúa, ngô, sầu riêng và làm cỏ cà phê. Nhưng do tuân thủ quy định phòng chống dịch, mọi người đều phải ở trong nhà, không được đi đâu. Các hoạt động chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thu hoạch nông sản, mua nhu yếu phẩm của bà con đều được các tình nguyện viên làm giúp. Dù lực lượng mỏng (cả đội chỉ có 7 người) nhưng các tình nguyện viên buôn Đrao đều rất nhiệt tình hỗ trợ người dân, không quản ngại nắng mưa, tối muộn, đi lại khó khăn.

"Các hoạt động giúp dân trong khu vực phong tỏa đó là lo cho gia súc gia cầm như là đi cắt cỏ cho bò, cho gà, vịt, lợn, chó, mèo ăn thay cho các đi cách ly mà không có ai ở nhà. Hỗ trợ mua đồ cho dân trong khu phong tỏa, mua nhu yếu phẩm thiết yếu thì đội tình nguyện sẽ đi phát tận nhà cho người dân. Khi các mạnh thường quân và đoàn hỗ trợ về đồ ăn, ví dụ như rau củ quả dù trời muộn thì các anh em tình nguyện vẫn đưa lên xe cày, xe máy đi từng ngõ ngách đường buôn làng để kịp phát cho người dân"- anh Y Bih Êban nói.

Theo ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cư Né, địa phương này đang là tâm dịch lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với gần 300 ca mắc Covid-19, trong đó nhiều nhất là ở 2 buôn Đrao và Ktơng Drun với gần 240 ca. Từ ngày 22/8 đến nay toàn xã có 17 thôn, buôn bị phong tỏa, 4 thôn, buôn khác thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Xã đã thành lập 21 đội hình tình nguyện và tổ Covid cộng đồng, đây là lực lượng vừa làm công tác hỗ trợ, vừa là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Các thành viên trong mỗi đội sẽ phụ trách việc hỗ trợ mua nhu yếu phẩm giúp từng hộ gia đình, cấp phát nhu yếu phẩm và khẩu trang cho người dân; kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản để giúp người dân có nhu cầu tiêu thụ nông sản.

Đối với các gia đình có chăn nuôi gia súc, địa phương đã hỗ trợ mua rơm, muối, chia lực lượng cắt cỏ cho bò, cắt lá cây cho dê. Thậm chí với các hộ phải đi cách ly tập trung cả gia đình thì các tổ Covid cộng đồng còn chia nhau đến nhà để giúp nấu cám lợn, cho chó mèo gà vịt trong nhà ăn. Trong thời gian phong tỏa, toàn xã có 7 người qua đời (trong đó có 2 người chết do Covid-19) đội tình nguyện cũng báo chính quyền và hỗ trợ mai táng giúp.

Các đội tình nguyện và tổ Covid cộng đồng cũng đang đảm nhiệm hỗ trợ chăm sóc 6 em thiếu nhi, trong đó em nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi, lớn nhất 7 tuổi. Đây là con cháu ở các gia đình mà toàn bộ người thân đều đi cách ly tập trung hoặc đang điều trị Covid-19. Xã hỗ trợ cung cấp tã, sữa, nhu yếu phẩm còn các đội tình nguyện sẽ thay nhau đến nấu cơm cho các cháu.

 "Sau khi xã Cư Né mới bị phong tỏa 2-3 ngày, tất cả các mạnh thường quân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều đã đến hỗ trợ cho Cư Né rất nhiều, đặc biệt trong đó có các dụng cụ y tế, đảm bảo cho anh em trong công tác chống dịch cũng như cấp phát cho bà con, không để bà con bị đói hay bị bỏ lại phía sau. Về tổ Covid cộng đồng và các đội hình thanh niên tình nguyện thì cực kỳ nhiệt tình và đoàn kết, gắn bó trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Rất nhiều đội hình thanh niên tình nguyện, tổ Covid cộng đồng mặc dù có con nhỏ hay là đường xá trong buôn rất lầy lội nhưng anh em rất nhiệt tình giúp đỡ dân một cách rất hiệu quả"- ông Thịnh nói.

Xã Cư Né hiện có 2.560 hộ dân đang phải thực hiện cách ly phong tỏa tại các thôn, buôn. Lãnh đạo và chính quyền xã đã vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đồng thời tích cực vận động các nguồn lực để hỗ trợ các gia đình trong khu phong tỏa để họ yên tâm thực hiện việc cách ly theo quy định.

Sau hơn 1 tháng cách ly, phong tỏa và thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, đến thời điểm này, tình hỉnh dịch bệnh tại tâm dịch xã Cư Né đã được kiểm soát, không phát sinh các ca mới trong cộng đồng. Chính quyền và người dân đang quyết tâm để “chuyển màu” vùng tâm dịch, sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường./.

Từ khóa: Cuộc sống, người dân, khu phong tỏa, buôn vùng sâu,  Đắk Lắk

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập