Cuộc cải cách bộ máy "xoay chuyển tình hình nội bộ Trung Quốc"
Cập nhật: 13/12/2024
VOV.VN - Theo nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang (nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; hiện là Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế - CSSD), Trung Quốc đã trải qua 9 cuộc cải cách bộ máy Chính phủ. Trong đó một số cuộc cải cách có những điểm tương đồng với bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Ngày 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; không thể chậm trễ hơn.
Nhân dịp này, nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang (nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; Cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế - CSSD) đã có bài viết "Các cuộc cải cách bộ máy Chính phủ Trung Quốc và những kinh nghiệm đáng tham khảo". Báo Điện tử VOV xin lược trích một số nội dung chính trong bài viết của nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang:
Kể từ cải cách mở cửa (1978) đến nay, Trung Quốc đã tiến hành 9 lần điều chỉnh, đổi mới bộ máy quản lý điều hành từ Trung ương đến địa phương, Trung Quốc gọi là “cải cách cơ cấu chính phủ”[1]. Mục tiêu chủ yếu là khắc phục tình trạng chính phủ mạnh về chức năng quản lý, yếu về chức năng phục vụ, cồng kềnh về cơ cấu và biên chế, chồng chéo mơ hồ về chức năng, đẩy nhanh việc xây dựng một chính phủ phục vụ, trách nhiệm, liêm khiết, hiệu quả, vận hành hài hòa đúng luật, thích ứng với thể chế kinh tế thị trường XHCN.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn đi sâu phân tích về cuộc cải cách lần thứ 4 (năm 1998) do thủ tướng Chu Dung Cơ chủ trì, bởi hai lý do:
Thứ nhất, đây là cuộc cải cách bộ máy có quy mô lớn nhất kể từ cải cách mở cửa đến nay, mang đến hiệu quả rõ ràng nhất trong 9 cuộc cải cách bộ máy và về cơ bản được định hình cho đến ngày nay. Các cuộc cải cách trước đó không giải quyết được một số chướng ngại cơ bản như bộ máy chồng chéo, cồng kềnh, biên chế ngày càng phình ra. Các cuộc cải cách sau đó chủ yếu là các cuộc điều chỉnh lại cơ cấu, không gây biến động lớn. Người Trung Quốc cho rằng, kể từ cải cách mở cửa đến nay, hai sự kiện được coi là “cách mạng” nhất, làm xoay chuyển tình hình nội bộ Trung Quốc, đó là cuộc cải cách bộ máy Chính phủ của ông Chu Dung Cơ năm 1998 và cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình sau này.
Thứ hai, xét bối cảnh và yêu cầu phát triển của Trung Quốc năm 1998, thấy nhiều nét tương đồng với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Nhiều vấn đề gặp phải liên quan đến bộ máy nhà nước cũng tương đồng với những vấn đề của Việt Nam đang gặp phải. Vào thời điểm nói trên ở Trung Quốc, về mặt lý luận, “thể chế kinh tế thị trường XHCN” đã hình thành và tiếp tục hoàn thiện; vai trò của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cũng như chức năng chính phủ và chức năng thị trường v.v... đã được xác định lại; thực tiễn đòi hỏi có một cuộc đổi mới về bộ máy chính quyền để thích ứng với thể chế kinh tế mới. Bởi thế, những kinh nghiệm của Trung Quốc trong quá trình cải cách bộ máy chính phủ giai đoạn này, rất đáng để Việt Nam tham khảo, đặc biệt là trong việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII và tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo”.[2]
Cuộc cải cách lần thứ tư (1998) là cuộc cải cách bộ máy chính phủ mạnh nhất từ trước đến nay. Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển đổi chức năng chính phủ theo yêu cầu của kinh tế thị trường XHCN, cải cách chế độ sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Giải thể 15 bộ, lập thêm 4 bộ, đổi tên 3 bộ. Các bộ và ủy ban của Quốc vụ viện từ 40 giảm xuống còn 29; tinh giản 1/4 cơ cấu trong các bộ; chuyển giao hơn 200 chức năng cho doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức môi giới xã hội, các tổ chức ngành nghề; giảm biên chế nhân viên của Quốc vụ viện 50% (từ 3.400 xuống 1.700). Tổng cộng từ Trung ương đến các cấp địa phương giảm 47% nhân viên. Đặc điểm nổi bật là về quản lý hành chính, chính phủ không quản lý kinh tế các ngành công nghiệp cụ thể
Theo Thủ tướng Chu Dung Cơ, một nguyên nhân quan trọng sinh ra thâm hụt tài chính là chi phí hành chính tăng quá mạnh. Theo thống kê của Bộ Tài chính lúc bấy giờ, chi phí mỗi năm cho bộ máy chính quyền và nhân viên hành chính chiếm tới trên 30% tổng chi phí tài chính. Như vậy vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội sẽ giảm rất mạnh. Một thượng tầng kiến trúc đồ sộ như vậy, tất yếu sẽ đè sập cơ sở kinh tế mỏng yếu. Thời kinh tế kế hoạch, một khi kinh tế phát triển lại đòi hỏi tăng thêm bộ máy và nhân viên quản lý kinh tế, làm cho bộ máy phình ra, bộ máy phình ra tất yếu kiềm chế sức sống của kinh tế. Trong hoạt động kinh tế thị trường, dù là cá nhân hay là đơn vị doanh nghiệp cũng đều phải gắng sức giảm giá thành, tăng lợi nhuận mức cao nhất. Nhưng trong hoạt động của chính phủ lại không có động cơ như vậy, vẫn duy trì nguồn thu nhập chính phủ, chẳng liên quan gì đến giá thành thu nhập này cả, năng suất thấp vẫn được khuyến khích.
Vào thời điểm cải cách và phát triển đã bước vào giai đoạn mới, chính phủ phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Một mặt, thể chế kinh tế thị trường XHCN đã từng bước được xây dựng, giao lưu hội nhập quốc tế về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa… không ngừng mở rộng, công cuộc xây dựng hiện đại hóa tiến triển nhanh chóng. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ tương đối nhiều, nhân viên mất việc và thất nghiệp tăng, mâu thuẫn xã hội tăng theo, không thể coi thường. Cơ sở nông nghiệp vẫn mỏng yếu, chênh lêch thành thị, nông thôn, công nhân, nông dân vẫn rất lớn. Đầu tư mù quáng và chồng chéo tạo thành nợ xấu, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tài chính. Trong tình hình đó, bắt buộc phải đẩy nhanh cải cách bộ máy chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội. Cải cách bộ máy được coi là “một cuộc cách mạng”. Cải cách không thể không trở ngại và rủi ro, nhưng tình thế bắt buộc, không làm là không có lối thoát. Thậm chí còn gọi đây là “bối thủy chi chiến” (nghĩa là trận chiến quay lưng ra bờ sông, không có chỗ lùi). Thủ tướng Chu Dung Cơ tuyên bố: “Bất chấp phía trước là bãi mìn và vực thẳm, Chu Dung Cơ tôi vẫn tiến lên, việc nghĩa không thể lùi bước”.
Mục tiêu cải cách:
Xây dựng một hệ thống quản lý hành chính làm việc hiệu quả cao, vận hành hài hòa, hành vi chuẩn mực, hoàn thiện chế độ viên chức, xây dựng đội ngũ quản lý hành chính chuyên môn hóa có chất lượng cao, từng bước thành lập một thể chế quản lý hành chính mang đặc sắc Trung Quốc, thích ứng với thể chế kinh tế thị trường XHCN.
Nguyên tắc của cải cách:
- Chuyển đổi chức năng chính phủ, thực hiện chính phủ tách khỏi doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường XHCN. Phải thiết thực chuyển chức năng chính phủ sang điều tiết vĩ mô, quản lý xã hội và dịch vụ công, thực sự giao quyền sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
- Điều chỉnh cơ cấu tổ chức của chính quyền, thực hành tinh binh giản chính theo nguyên tắc tinh giản, thống nhất, hiệu quả. Tăng cường các bộ ngành điều hành vĩ mô, điều chỉnh và giảm thiểu các bộ ngành kinh tế chuyên môn, điều chỉnh thích ứng các bộ ngành dịch vụ xã hội, tăng cường các bộ ngành quản lý giám sát chấp pháp, phát triển các tổ chức xã hội trung gian.
- Điều chỉnh quyền hạn chức trách các bộ ngành chính phủ theo nguyên tắc gắn chặt giữa quyền hạn và trách nhiệm. Phân công rõ ràng rành mạch chức năng giữa các bộ ngành, chức năng giống nhau hoặc gần giống nhau giao cho một bộ đảm nhiệm, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối quản lý một việc, nhiều đầu mối cùng ra lệnh.
- Thực hiện hành chính theo pháp luật, tăng cường xây dựng pháp chế hệ thống hành chính theo yêu cầu quản lý đất nước theo pháp luật.
Từ mục tiêu và những nguyên tắc trên, Quốc hội đã thông qua phương án cụ thể là giảm từ 40 bộ và ủy ban (ngoài văn phòng Quốc vụ viện) xuống còn 29 bộ và ủy ban. Chia làm 4 nhóm: (1) Nhóm các bộ điều hành vĩ mô; (2) Nhóm các bộ quản lý kinh tế chuyên ngành; (3) Nhóm các bộ ngành giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hoá, bảo hiểm xã hội, quản lý tài nguyên; (4) Nhóm các bộ ngành chính trị quốc gia.
Tổng kết tất cả 9 cuộc cải cách bộ máy chính phủ của Trung Quốc kể từ cải cách mở cửa đến nay, rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu mà Việt Nam có thể tham khảo như sau:
Thứ nhất, kiên trì lấy chuyển đổi chức năng chính phủ làm then chốt cho cải cách bộ máy. Cơ cấu và chức năng có liên quan chặt chẽ với nhau, dựa vào nhau để tồn tại, chỉ có trên cơ sở vạch rõ phạm vi nghiệp vụ thì mới có thể tinh giản bộ máy và nhân viên một cách hiệu quả. Trong “ba định”, trước hết là định rõ chức năng, tiếp theo là định rõ cơ cấu (bộ máy). Nếu chưa định rõ chức năng là chưa thể định cơ cấu, lại càng không thể định biên chế được. Không thể hô hào “giảm biên chế” một cách mù quáng khi chưa xác định được chức năng và cơ cấu.
Thứ hai, kiên trì nguyên tắc vừa tích cực vừa ổn thỏa. Cải cách bộ máy là sự điều chỉnh lớn các loại lợi ích và quyền lực, đụng chạm nhiều mặt, mâu thuẫn nhiều, độ khó khăn cao, động đến lợi ích rất nhiều người, nhiều nhóm người mà ta thường gọi là “lợi ích nhóm”. Đối với những vấn đề nhạy cảm như tinh giản cơ cấu, phân luồng nhân viên, vừa chủ động tích cực, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, lại vừa luôn kiên trì cải cách theo kế hoạch, chia lộ trình, chia giai đoạn, làm từng bước, vừa làm vừa thăm dò sức chịu đựng của xã hội; vừa từng bước tinh giản bộ máy, lại vừa bố trí nhân viên dư thừa của các cơ quan một cách ổn thỏa, tức là vừa tích cực vừa ổn thỏa.
Thứ ba, phải hoàn thiện các quy chế luật pháp tương quan, cải cách đúng luật. Cải cách là điều chỉnh cục diện lợi ích, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng có độ rủi ro, cải cách chính phủ rủi ro càng lớn. Nếu không có sự đảm bảo về luật pháp và quy chế tương ứng, thì rất nhiều cuộc cải cách không thể tiến hành. Bởi vậy, cải cách bộ máy phải được đặt trên nền tảng của luật pháp và quy chế tương quan, làm theo luật pháp. Trung Quốc đã lần lượt cho ra đời một loạt quy chế, luật pháp như “Luật tổ chức Quốc vụ viện”, “Điều lệ về lập bộ máy chính quyền và quản lý biên chế địa phương các cấp”, “Điều lệ về lập bộ máy hành chính và quản lý biên chế Quốc vụ viện” v.v… đảm bảo về chế độ cho cải cách bộ máy tiến hành thuận lợi, ngăn ngừa một cách hiệu quả bộ máy tiếp tục phình ra.
Thứ tư, phải phối hợp đồng bộ giữa cải cách bộ máy với các cải cách khác. Theo kinh nghiệm lịch sử, bất kỳ cuộc cải cách nào đơn lẻ cũng đều không thể thành công, phải tiến hành cải cách đồng bộ với các lĩnh vực khác mới có thể đạt được hiệu quả mong đợi. Một là cải cách bộ máy đồng bộ với giải phóng tư tưởng. Chuyển đổi chức năng chính phủ, xóa cơ quan này, nhập cơ quan kia, phân luồng nhân viên… một mặt phải phá bỏ sự ràng buộc về tư tưởng bởi văn hoá chuyên chế phong kiến cũ và mô hình thể chế XHCN truyền thống, mặt khác phải bằng tâm thái bình tĩnh bao dung xem xét lại chế độ tiên tiến của các nước tư bản phát triển, vừa dám đột phá truyền thống, lại giỏi tiếp thu học hỏi. Không ngừng đổi mới quan niệm chính là sự bảo đảm về tư tưởng cho cải cách bộ máy chính phủ. Hai là, cải cách bộ máy phối hợp đồng bộ với hoàn thiện và phát triển kinh tế thị trường XHCN. Đồng thời đặt lên hàng đầu việc chuyển đổi chức năng chính phủ, thúc đẩy việc tách rời chính quyền và doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp có quyền tự chủ thật sự, hơn nữa phải đi vào chiều sâu cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường XHCN. Ba là, cải cách bộ máy phối hợp đồng bộ với cải cách chế độ cán bộ nhân sự. Bốn là, cải cách bộ máy phối hợp đồng bộ với hoàn thiện năng lực tự trị xã hội. Cần phải căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, coi trọng việc bồi dưỡng các tổ chức xã hội, tạo cơ sở xã hội cho chuyển đổi toàn diện mô hình chính phủ.
Thứ năm, cải cách bộ máy phải xuất phát từ tình hình đất nước, tùy nơi mà áp dụng, hình thức đa dạng. Đồng thời với việc tham khảo những cách làm thành công của nước ngoài, Trung Quốc phải xuất phát từ đặc điểm tình hình đất nước Trung Quốc, tính toán cân nhắc, tiến hành từng bước. Nếu cứ bê nguyên kinh nghiệm nước khác, mô hình nước khác vào là khó thành công. Một nước kém phát triển đang trong thời kỳ chuyển đổi mô hình xã hội, nếu cải cách bộ máy cứ đơn giản bê nguyên tiêu chuẩn bộ máy chính phủ của nước ngoài, vội vội vàng vàng giản hóa quyền lực, không những không đạt được mục tiêu cải cách như mong muốn mà còn rất dễ tạo nên rối loạn cuộc sống xã hội. Không thể từ nam chí bắc, từ miền núi đến miền xuôi áp dụng nhất nhất một mô hình quản lý. Cơ cấu của một tỉnh miền núi không thể giống hoàn toàn một tỉnh miền xuôi. Về lộ trình cải cách cụ thể, cũng tùy nơi mà vận dụng, hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, mở cửa đối ngoại và hội nhập quốc tế không thể không coi trọng tiếp thu và học tập kinh nghiệm của nước ngoài, phải dám tiếp thu và biết tiếp thu. Chúng ta không thể bê nguyên mô hình và kinh nghiệm của phương Tây, nhưng một số kinh nghiệm và cách làm trong quá trình hoàn thiện thể chế quản lý hành chính của các nước phát triển đáng được coi trọng, đặc biệt là phương pháp khoa học về quản lý của các nước này.
Thứ sáu, phải công khai hóa chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương và chính quyền các cấp địa phương. Muốn tăng cường trách nhiệm, hiệu quả làm việc, mức độ liêm khiết của bộ máy chính quyền, cần phải có sự giám sát của công chúng. Không thể giám sát quyền lực khi không rõ phạm vi quyền lực đó. Bởi vậy, Trung Quốc thường công bố rõ ràng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương. Hình thức là xuất bản sách, website công bố các nội dung: chức năng, cơ cấu, biên chế, lãnh đạo v.v... của từng bộ và từng đơn vị trong mỗi bộ.
Thứ bảy, thành lập cơ quan quản lý thống nhất. “Ủy ban Trung ương về biên chế cơ cấu nước CHND Trung Hoa” là cơ quan điều phối nghị sự đặt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quốc vụ viện. Ủy ban này phụ trách công tác cải cách thể chế và cơ cấu quản lý hành chính cũng như công tác quản lý biên chế của cả nước. Ủy ban này cũng thống nhất quản lý công tác biên chế cơ cấu của các cơ quan Đảng, cơ quan Nhân đại, Chính hiệp, Tòa án, Viện Kiểm sát, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân và các đơn vị sự nghiệp của cả nước. Đây vừa là cơ quan Trung ương Đảng vừa là cơ quan Chính phủ (hiện nay do Thủ tướng làm Chủ nhiệm). Văn phòng Ủy ban trước đây đặt trong Bộ Nhân sự, nay do Ban Tổ chức Trung ương quản lý.
Trên đây là một số cách làm và kinh nghiệm của Trung Quốc trong quá trình cải cách bộ máy chính phủ nhằm thích ứng với thể chế kinh tế thị trường XHCN mà chúng tôi tạm rút ra từ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng đây là những kinh nghiệm rất đáng để Việt Nam chúng ta tham khảo trong bối cảnh hiện nay.
Phương án cải cách bộ máy Quốc vụ viện đề ra vừa tính đến yêu cầu của cải cách và phát triển, cũng phải tính đến khả năng chịu đựng của xã hội. Bởi thế phương án vẫn có tính quá độ. Về mức độ cải cách, có nhiều tranh luận. Có ý kiến cho rằng, cải cách nên bước dài một chút, cố hết sức một bước đến nơi, thiết lập thể chế hành chính thích ứng với kinh tế thị trường. Một số ý kiến khác lại cho rằng, trọng điểm của cải cách là doanh nghiệp nhà nước, nhiệm vụ rất nặng nề, công nhân viên chức mất việc nhiều, độ khó cao, cải cách không thể bước quá dài. Chủ tịch Giang Trạch Dân nêu phương châm “vừa tích cực vừa ổn thỏa”, nghĩa là vừa phải mạnh tay vừa phải mềm dẻo thỏa đáng, trong quá trình lập phương án cải cách, luôn chú ý cả 2 mặt này.
Thứ nhất, kiên trì phương châm vừa tích cực vừa ổn thoả. Đây là cuộc cải cách thay đổi cơ cấu nhiều nhất, điều chỉnh nhân viên nhiều nhất kể từ cải cách mở cửa, nên trong việc tổ chức thực hiện phải chú ý bố trí tổng thể giữa cải cách bộ máy với thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ ổn định chính trị xã hội, không gây “sốc”. Ngay sau khi phương án được thông qua, các cơ quan mới thiết lập phải nhanh chóng treo biển làm việc, công việc điều chỉnh nội bộ cũng phải tiến hành nhanh chóng. Phương án “ba định” (định chức năng, định cơ cấu, định biên chế) của các bộ trong Quốc vụ viện phải thực hiện xong trong vòng nửa năm, công việc hành chính cơ quan đi vào trật tự vận hành mới. Sau khi cải cách bộ máy Quốc vụ viện, sẽ tiến hành cải cách bộ máy chính quyền các cấp địa phương. Phương án “ba định” cấp tỉnh hoàn thành sau một năm. Các địa phương làm theo sự bố trí thống nhất của Quốc vụ viện. Phải thiết thực tăng cường lãnh đạo, làm việc kiên nhẫn tỉ mỉ, tư tưởng không phân tán, trật tự không lộn xộn, nhân viên được bố trí thoả đáng, tài sản Nhà nước không được để thất thoát, công tác phải vận hành bình thường.
Thứ hai, làm tốt công tác “phân luồng nhân viên”, nâng cao trình độ đội ngũ viên chức và nhân viên công tác cơ sở. Phân luồng nhân viên tức bố trí lại công việc cho nhân viên, giải quyết công ăn việc làm cho số nhân viên dư thừa. Tinh binh giản chính, phân luồng nhân viên là những việc khó của các cuộc cải cách bộ máy. Mục tiêu của cải cách lần này là giảm tổng số biên chế cán bộ cơ quan xuống 50%. Công tác giảm biên chế nhân viên trong cơ quan Quốc vụ viện yêu cầu phải hoàn thành trong một năm. Nhưng công tác phân luồng nhân viên dự định phải mất 3 năm. Nhân viên công tác cơ quan có trình độ văn hoá tương đối cao, hiểu biết chính sách phương châm, là tài sản quý báu của nước nhà, cần phải bố trí thoả đáng, phát huy đầy đủ vai trò của họ. Phương pháp cơ bản phân luồng nhân viên là: phân luồng giữ nguyên chức, đào tạo có định hướng, tăng cường cho doanh nghiệp, tối ưu hoá cơ cấu. Phân luồng giữ nguyên chức nghĩa là sau khi định biên xong, số cán bộ dư thừa rời khỏi cơ quan vẫn giữ nguyên chức. Đào tạo có định hướng nghĩa là đào tạo chính quy kiến thức các mặt như kế toán, kiểm toán, pháp luật, quản lý kinh tế, quản lý giáo dục v.v... nhằm chuẩn bị cho vị trí công tác mới. Tăng cường cho doanh nghiệp nghĩa là chọn những nhân viên sau khi đã đào tạo có định hướng, trước hết là bổ sung cho các doanh nghiệp công thương, doanh nghiệp tài chính tiền tệ, sau nữa là các cơ quan chấp pháp như tài chính thuế vụ, chính pháp, quản lý thị trường, các đơn vị văn hóa, giáo dục, y tế và tổ chức xã hội thích ứng với phát triển kinh tế thị trường. Tối ưu hóa cơ cấu nghĩa là thông qua việc phân luồng nhân viên, điều chỉnh cơ cấu tuổi tác, cơ cấu tri thức và cơ cấu chuyên ngành của nhân viên chính quyền và doanh nghiệp, cơ quan và cơ sở, đạt được tổ hợp tối ưu, nâng cao toàn diện chất lượng tổng thể của đội ngũ công chức và nhân viên cơ sở. Đơn vị sự nghiệp có số lượng lớn, nhiệm vụ cải cách khối này rất nặng nề, ngoài các đơn vị giáo dục và một số rất ít đơn vị khác yêu cầu phải cấp tài chính ra, các đơn vị sự nghiệp còn lại mỗi năm giảm tài chính 1/3, cố gắng trong 3 năm cơ bản tự túc được.
Thứ ba, chuyển đổi chức năng chính phủ một cách nghiêm túc, cải tiến tác phong làm việc, nâng cao hiệu quả công tác. Đây là tiêu chí quan trọng đối với hiệu quả của cải cách bộ máy. Bất kể bộ ngành mới thành lập hay bộ ngành được giữ lại, sau cải cách bộ máy, trách nhiệm công tác không hề giảm nhẹ mà còn nặng hơn, phải căn cứ yêu cầu mới, nâng cao khả năng làm việc theo pháp luật, thực hiện chức trách của cơ quan nhà nước. Phải hoàn thiện thêm một bước chế độ vận hành hành chính, tăng cường chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, quy phạm hóa chức quyền của người lãnh đạo, chống đùn đẩy nhau, kỷ luật hành chính nghiêm khắc, giám sát những hành vi tắc trách. Các bộ mới thành lập cũng như các bộ bị điều chỉnh lớn phải nhanh chóng xử lý quan hệ chức năng, đảm bảo vận hành bình thường. Tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ theo tiêu chuẩn có đức có tài, ban lãnh đạo phải làm tốt công tác tự xây dựng mình, tăng cường đoàn kết nội bộ. Tất cả nhân viên công tác chính quyền đều phải nỗ lực học tập, cần cù liêm chính, khắc khổ công tác thành những công chức được nhân dân hài lòng.
Thứ tư, tăng cường xây dựng pháp chế của hệ thống tổ chức hành chính. Tăng cường và hoàn thiện lập pháp hành chính trên cơ sở đã cải cách bộ máy, tinh binh giản chính. Kiến nghị sửa đổi “Luật tổ chức Quốc vụ viện”, quy phạm hoá theo pháp luật việc bố trí các bộ ngành của Quốc vụ viện. Kiến nghị sửa đổi “Luật tổ chức địa phương” vào thời điểm thích hợp, làm rõ hơn những chuẩn mực về quyền hạn chức trách và cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương. Trên cơ sở “ba định” của các bộ, tiến hành lập pháp tổ chức của bộ, làm rõ chức năng công tác, hoàn thiện quy trình công tác. Đẩy nhanh việc soạn thảo quy chế quản lý các tổ chức, kiểm soát cơ cấu và biên chế, thiết lập cơ chế ràng buộc.
Thứ năm, chấp hành nghiêm kỷ luật chính trị, phục tùng đại cục cải cách. Cải cách bộ máy và phân luồng nhân viên đụng chạm đến toàn cục cải cách, phát triển và ổn định, đụng chạm đến quyền lực của các bộ ngành và lợi ích thiết thân của từng cán bộ hoặc lợi ích nhóm, cần phải nhấn mạnh việc xem xét toàn cục. Cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cần phải phục tùng sự bố trí của tổ chức, nhìn nhận đúng đắn sự thay đổi cương vị công tác cá nhân.Việc nghiên cứu và soạn thảo phương án cải cách đã tính đến ý kiến các mặt, khi phương án được phê chuẩn là phải kiên quyết chấp hành, phải đồng tâm hiệp lực, tranh thủ thực hiện thuận lợi cải cách bộ máy chính phủ.
Thứ sáu, tháng 4/1999, Trung Quốc ban hành lệnh cấm triệt để quân đội, công an, cảnh sát vũ trang tiến hành các hoạt động kinh doanh, lập doanh nghiệp; cấm tất cả các thương phẩm ngoài thị trường mang nhãn hiệu “quân đội”, “quốc phòng”, “Bát nhất” cũng như phiên hiệu các nhà máy (cũ) của quân đội. Mục đích là “bảo vệ lợi ích công và giữ trật tự của kinh tế thị trường”. Quân đội, công an, cảnh sát vũ trang là công cụ chuyên chính vô sản, không được lợi dụng đặc quyền hành chính để tham gia cạnh tranh thị trường.
Từ khóa: cải cách, bộ máy, Chính phủ, cải cách, kinh nghiệm, tham khảo, vụ trưởng, Nguyễn Vinh Quang, Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN