Cùng tham gia đánh bạc nhưng mức án khác nhau, vì sao?
Cập nhật: 16/04/2020
VOV.VN - Cùng tham gia một vụ đánh bạc nhưng 10 người lại chịu những mức án khác nhau từ phạt tù tới án treo, cải tạo không giam giữ.
Vì sao lại như vậy? Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, Công ty Luật NHB tư vấn qua trường hợp băn khoăn của ông Chu Văn Thuy ở tỉnh Thái Nguyên.
Cùng tham gia đánh bạc nhưng mức án khác nhau, vì sao? |
PV: Thưa luật sư, ông Chu Văn Thuy ở xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có băn khoăn về bản án đánh bạc của con ông như sau: “Khi con tôi đánh bạc thì có 11 người, chỉ có con tôi đi tù, 5 người cải tạo không giam giữ, 5 người án treo 9 tháng. Tôi muốn hỏi là thế có đúng hay không?”
Xin hỏi luật sư là theo quy định của Bộ Luật hình sự thì tội đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào ạ?
Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Tội đánh bạc được quy định cụ thể tại Điều 321 Bộ Luật hình sự năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, tại Khoản 1 của tội đánh bạc quy định mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn phạm tội một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp, tiền hoặc vật dùng để đánh bạc có trị giá trên 50 triệu đồng hoặc sử dụng mạng Internet, mạng máy tính hoặc tái phạm nguy hiểm thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
PV: Như vậy, tội đánh bạc đã được quy định rất cụ thể trong Bộ Luật hình sự với những khung hình phạt rất khác nhau. Có khi nào cùng tham gia trong một vụ đánh bạc nhưng lại bị xử lý hình sự khác nhau như ông Thuy cho biết không, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Vẫn có thể có trường hợp cùng tham gia một vụ án đánh bạc nhưng lại bị xử lý hình sự với các mức hình phạt khác nhau. Bởi khi tuyên án thì tòa án sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội, vai trò của bị cáo trong vụ án. Ngoài ra, tòa án còn xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với từng bị cáo. Chính vì vậy mà mức hình phạt đối với các bị cáo có thể không giống nhau trong cùng một vụ án.
PV: Nhưng nếu không đồng ý với bản án này của tòa án thì gia đình ông Thuy giờ có thể làm gì?
Luật sư Nguyễn Thị Phương Anh: Nếu con ông không đồng ý với bản án sơ thẩm của tòa án cấp sơ thẩm thì con ông có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tòa tuyên án. Còn trong trường hợp con ông vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn này sẽ được tính từ ngày nhận được bản án, hoặc từ ngày bản án được niêm yết. Đối với bản án phúc thẩm thì có hiệu lực ngay từ ngày tòa tuyên án và các bị cáo không có quyền kháng cáo.
Tuy nhiên, trong trường hợp con ông hoặc gia đình ông phát hiện kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, hoặc có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, ông và gia đình ông có thể làm đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để gửi tới người có thẩm quyền, đề nghị kháng nghị đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Còn trong trường hợp phát hiện các tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của tòa án mà không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó ông hoặc gia đình ông, hoặc con ông có thể đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm và gửi tới người có thẩm quyền, đề nghị kháng nghị đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật.
PV: Xin được cảm ơn luật sư Nguyễn Thị Phương Anh, Công ty Luật HNB và cộng sự./.
Từ khóa: đánh bạc, mức án, án treo, cải tạo không giam giữ
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN