Cục trưởng Cục Điện ảnh: Không dễ tạo "luồng xanh" cho phim Việt ra nước ngoài
Cập nhật: 09/10/2021
Thu Trang nói gì về diễn xuất của Hoa hậu Thiên Ân trong "Nụ hôn bạc tỷ"?
Luxury cruise ship brings 4,400 international visitors to Hue in early 2025
VOV.VN - Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, chúng ta hướng đến mong muốn làm sao để điện ảnh Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng những điều được quy định trong Luật phải cân nhắc rất kỹ.
Những ngày qua, nhiều nội dung trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi nhận sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, giới làm phim. Trong một vài cuộc hội thảo gần đây về góp ý dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, không ít nhà làm phim chia sẻ, họ gặp nhiều khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi khi đem phim Việt ra quốc tế do công tác cấp phép, kiểm duyệt phim của Việt Nam với các quy định tại các LHP quốc tế còn mâu thuẫn, từ đó đề xuất mong muốn rằng các quy định của Luật Điện ảnh có thể sớm tạo ra một "luồng xanh" dành cho phim dự LHP quốc tế. Ngoài ra, các nhà sản xuất phim cũng quan tâm đến việc thẩm định, duyệt kịch bản phim truyện điện ảnh có yếu tố nước ngoài
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về những nội dung này.
PV: Thời gian qua, một số bộ phim Việt đoạt giải ở LHP quốc tế nhưng chưa xin cấp phép phổ biến và phân loại phim trong nước tiếp tục được dư luận quan tâm. Nhiều nhà làm phim Việt độc lập vẫn chọn liều lĩnh gửi phim đi thi khi chưa thông qua thẩm định cấp phép phổ biến của Cục Điện ảnh dù nhận thức được rủi ro và cái sai trong việc đi ngược quy trình. Có ý kiến cho rằng, vì chế tài xử phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vi Kiến Thành: Nghị định 38 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo vừa rồi đã có điều chỉnh, nâng mức xử phạt lên cao hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mức xử phạt của Việt Nam chúng ta vẫn còn nhẹ. Cho nên tính răn đe chưa cao. Nhưng xét trên khía cạnh khác, phải nói là ý thức chấp hành pháp luật của một số nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam chưa tốt.
Nhiều người tự cho mình là nghệ sĩ, có suy nghĩ có thể làm những cái khác biệt với Luật mà không hiểu rằng mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật.
PV: Một số nhà làm phim cho rằng, cơ chế kiểm duyệt trong nước vẫn quá khắt khe, thiếu cởi mở, cho nên nhiều đơn vị sản xuất, đạo diễn buộc phải mang phim đi “thi chui”, tức là công bố ở nước ngoài trước, sau đó mới về nước xin cấp phép phổ biến và phân loại phim. Vì thế cho nên, họ mong muốn Luật Điện ảnh có "luồng xanh" dành riêng cho các phim Việt Nam bước ra thế giới với bộ tiêu chí riêng và không liên quan đến giấy phép phát hành tại Việt Nam. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Ông Vi Kiến Thành: Đó là ý kiến mà ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi rất quan tâm và đang nghiên cứu để có thể đưa ra các Nghị định, tạo điều kiện cho phim Việt Nam ra nước ngoài, tham gia được nhiều LHP, hội nhập với quốc tế nhiều hơn. Chúng ta hướng đến mong muốn làm sao để điện ảnh Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế, nhưng những điều được quy định trong Luật phải cân nhắc rất kỹ. Trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, một bộ luật với 2 tiêu chí khác nhau không thể dễ dàng bảo ủng hộ ngay hoặc phủ quyết ngay được. 2 tiêu chí sẽ tạo ra sự phân biệt, rằng phim Việt Nam dự LHP quốc tế được quy định cởi mở hơn so với phim phát hành, phổ biến tại Việt Nam.
PV: Các nhà sản xuất phim cũng quan tâm đến việc thẩm định, duyệt kịch bản phim truyện điện ảnh có yếu tố nước ngoài. Ông nghĩ sao về việc loại bỏ việc thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài muốn đến ghi hình, làm phim tại Việt Nam. Điều này được cho là tháo gỡ nút thắt để hấp dẫn các nhà làm phim ngoại hơn?
Ông Vi Kiến Thành: Luật Điện ảnh 2006 cũng đã đề cấp đền việc tạo điều kiện tốt hơn cho các đoàn làm phim quốc tế vào Việt Nam. Luật Điện ảnh sửa đổi bổ sung lần này cũng có rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều điều đề cập đến việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam triển khai các dự án sản xuất phim mà sử dụng bối cảnh, phim trường, diễn viên của Việt Nam. Điều đó đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế, khuyến khích phát triển du lịch.
Việc bỏ thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài, nếu nhìn ở góc độ những nhà sản xuất phim với mong muốn có nhiều dự án hợp tác với quốc tế, phát triển kinh tế, điện ảnh, du lịch, thì hợp lý. Nhưng ở góc độ tư tưởng văn hóa, thì lại ẩn chứa nhiều nguy cơ. Cục Điện ảnh đã gặp nhiều kịch bản nước ngoài gửi đến để thẩm định, trong đó xuyên tạc lịch sử. Trong quá khứ, có dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở hang Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết họ nói về một gia đình sống ở đó nhưng Sơn Đoòng lại là của một nước khác chứ không phải của Việt Nam. Với những kịch bản như vậy thì có thể cho họ vào Việt Nam làm phim một cách tự do, thoải mái được không?
Cũng phải tính đến việc, có phim hợp tác, liên doanh sử dụng dịch vụ của Việt Nam nhưng lại không phổ biến ở Việt Nam mà lại phổ biến ở nước thứ 3, thứ 4 nào đó, và không phải qua khâu thẩm định, phân loạt phim của Hội đồng ở Việt Nam thì chúng ta không thể ngăn cấm được những nội dung xuyên tạc lịch sử, tư tưởng, văn hóa của Việt Nam. Chính vì thế, Luật Điện ảnh sửa đổi lần này vẫn giữ nguyên quy định thẩm định kịch bản trước với phim liên doanh, hợp tác nước ngoài và phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
PV: Là một loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng, các tác phẩm điện ảnh phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, vì thế có kiến nghị rằng hội đồng duyệt phải có tất cả thành phần từ các lĩnh vực khác trong xã hội và đến từ nhiều địa phương, vùng miền. Ông nghĩ sao?
Ông Vi Kiến Thành: Điện ảnh vốn dĩ từ xưa đến nay, cả thế giới đều xác định đó là ngành nghệ thuật tổng hợp. Một tác phẩm điện ảnh liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội. Khi dự thảo Luật Điện ảnh đưa ra thì cũng có một số ý kiến đề nghị thành phần Hội đồng duyệt phim phải gồm đầy đủ các thành phần thì mới đảm bảo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hết các vấn đề. Cá nhân tôi nghĩ kiến nghị này mang nặng tính lý thuyết, không có tính khả thi.
Hội đồng hiện nay có 11 người, chủ yếu thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, điện ảnh. Nếu đủ các thành phần, con số sẽ lên đến 30-40 người, như vậy rất khó hoạt động. Hội đồng hoạt động liên tục, hàng tuần, có nhiều tuần làm việc 4-5 ngày. Các thành viên trong hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, không phải ai cũng có thể theo đuổi một nhịp độ như vậy.
Điện ảnh là một ngành nghệ thuật, nên phải được nhìn nhận, thẩm định dưới lăng kính của những người hiểu được ngôn ngữ điện ảnh, chứ nếu không rất dễ sa vào làm cho điện ảnh trở thành sản phẩm mang tính nghiệp dư, quá đại chúng vì được nhìn nhận, đánh giá, thẩm định dưới góc độ của những người không có chuyên môn về lĩnh vực. Mặc dù vậy, đó cũng là ý kiến ban soạn thảo vẫn phải tiếp tục nghiên cứu thêm.
Chúng tôi xác định thành viên nào bất biến thì phải có mặt trong Hội đồng, tức là đương nhiên phải có cơ cấu Hội đồng cứng. Còn lại khi có những bộ phim nào chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, có thể mở rộng phạm vi của Hội đồng bằng cách mời thêm thành viên theo kiểu vụ việc.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Từ khóa: cục trưởng cục điện ảnh, cục điện ảnh, luật điện ảnh, dự thảo luật điện ảnh, sửa đổi bổ sung, vi kiến thành, phim độc lập, phim vị, phim vị bị cấm chiếu, hội đồng duyệt phim
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN