Cứ thực phẩm "nhà làm" là yên tâm?
Cập nhật: 04/02/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
[VOV2] - Thực phẩm "nhà làm" phong phú về mặt hàng, thuận lợi trong mua bán khi được bán online và quan trọng hơn cả là chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta tiêu dùng chỉ bằng niềm tin?
Thay vì như mọi năm phải khệ nệ túi lớn, túi bé thì năm nay, chị Nguyễn Như Mai, ở Long Biên, Hà Nội chỉ cần ngồi ở cơ quan nhưng vẫn mua được đủ thứ. Chị kể: mứt dừa mua của một người bạn, giò me thì có bố mẹ của một đồng nghiệp cơ quan ở quê. Củ cải muối chua, dưa hành muối thì do vợ của anh Giám đốc làm và bán.
Còn chị Nguyễn Minh Thu, ở Hoàng Mai, Hà Nội thì nhiều năm nay Tết đã không còn ám ảnh chuyện bếp núc nữa. Xúc xích chị mua của con thầy giáo cũ. Mứt dừa, mứt vỏ cam, ô mai lại có một đồng nghiệp chuyên làm và bán cứ mỗi dịp Tết. Vậy là, chỉ cần mua của người quen như thế là đủ một mâm cỗ Tết.
Không còn phải quan tâm đến bao bì, nhãn mác, lo lắng hóa chất bảo quản như thực phẩm ngoài thị trường, hai chữ “nhà làm” và “của người quen” đã thay thế tất cả.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Ngô Xuân Dũng – Nguyên giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, Học việc Nông nghiệp Việt Nam, thực phẩm nhà làm không hẳn là an toàn tuyệt đối. Thực phẩm nhà làm vẫn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi sinh vật trong quá trình chế biến và bao gói. Nhiều người không chú trọng đến việc vệ sinh bề mặt chế biến, dụng cụ chế biến. Hay đơn giản, người chế biến nếu không mặc tạp dề, không đội mũ kín trùm tóc thì hoàn toàn có thể lây nhiễm vi sinh vật sang thực phẩm. Mà trong thực tế, điều này lại ít người để ý nếu làm thực phẩm tại nhà.
Trong khi đó, thực phẩm công nghiệp hiện nay đều phải tuân thủ quy trình này và cả những quy định của Nhà nước về chất phụ gia, chất tạo màu, tạo vị và hóa chất bảo quản.
Chính vì vậy, Thạc sỹ Ngô Xuân Dũng khuyến cáo: người chế biến thực phẩm phải giữ vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là những bề mặt tiếp xúc với sản phẩm, dụng cụ chế biến phải được vô trùng. Khi đóng gói sau gia nhiệt, cố gắng để thực phẩm ở nhiệt độ 50 độ C để đảm bảo không bị thôi nhiễm thành phần polymer cũng như ức chế sự phát triển vi sinh vật. Ngoài ra, quá trình vận chuyển thực phẩm phải đảm bảo ở nhiệt độ tiêu chuẩn là 5 độ.
Người mua hàng không vì quá tin ở hai chữ "nhà làm" mà bỏ qua việc nắm được thông tin cơ bản của sản phẩm như: nguyên liệu từ đâu, hạn sử dụng như thế nào. Nếu thấy mùi lạ, màu sắc lạ người tiêu dùng phải phản ánh ngay. Ngoài ra, trước khi sử dụng nên đun nóng lại thực phẩm để đảm bảo tiêu diệt vi sinh vật. Nếu không thì ngay khi nhận phải bảo quản trong tủ lạnh dưới 5 độ C.
Từ khóa: thực phẩm, chế biến, thủ công, ATVSTP
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2