Cụ ông tái chế rác nhựa thành vật dụng hữu ích
Cập nhật: 1 giờ trước
VOV.VN - Ông Nguyễn Văn Lẹ, ngụ ấp Tây Yên A, huyện An Biên (Kiên Giang) dù năm nay đã 81 tuổi nhưng ngày ngày vẫn cần mẫn thu gom những sợi dây nhựa ngoài môi trường để đem về tái chế thành sản phẩm thủ công, thân thiện với môi trường.
Giống như bao buổi sáng khác, ở góc hiên nhà, ông Nguyễn Văn Lẹ lại cần mẫn, tỉ mỉ từng chút một để ngồi đan những sợi dây nhựa nhặt được ngoài môi trường và biến chúng thành những vật dụng có ích như: giỏ xách, sọt đựng trái cây, giỏ đựng tôm, thúng, chậu hoa kiểng...
Ông Lẹ cho biết, các sản phẩm tái chế do ông làm ra bắt nguồn từ nguyên liệu là những sợi dây nhựa dùng để chằng buộc gạch hoặc những vật liệu xây dựng khác. Sợi dây nhựa này sau khi làm hết nhiệm vụ của nó sẽ trở nên vô ích, không ai thu gom và thường bị vứt bừa bãi ngoài môi trường. Thấy lãng phí và gây ô nhiễm, ông Lẹ cũng sẵn có nghề đan tre thời còn trẻ nên đã bắt đầu lên kế hoạch thu gom và tái chế.
“Sau khi biết đan bằng tre, trúc thì tôi bắt đầu làm. Làm rồi thì tôi sáng chế ra nhiều sản phẩm lớn hơn. Dây nhựa này thì của cơ sở bán vật liệu xây dựng dùng để buộc gạch ống, gạch thẻ. Dây này thì phế liệu không có mua nên vứt bỏ chứ không dùng làm gì hết, rồi từ đó mình mới xin", ông Lẹ chia sẻ.
Trước khi thành những sản phẩm hữu ích, dây nhựa được ông Lẹ thu gom về rồi mang đi ngâm nước, rửa thật sạch và sau cùng đem đi phơi nắng. Dây nhựa với tính chất bền bỉ, thế nên các sản phẩm tái chế có thể chịu được mưa, nắng và độ bền lên đến hơn 10 năm.
Ở độ tuổi đã cao, vậy nên thường sẽ mất khoảng từ 2-3 ngày thì ông Lẹ sẽ hoàn thành được từ 1-2 sản phẩm. Những sản phẩm ông Lẹ làm xong sẽ bán với giá dao động từ 80.000 – 200.000 ngàn đồng tuỳ theo sản phẩm, hoặc tuỳ theo yêu cầu đặt hàng của người mua: “Làm cũng lai rai mà mấy đứa con tôi không cho. Tôi thấy ở không buồn với lại ngày xưa đến giờ quen với lao động rồi giờ không làm gì buồn lắm. Thật sự giờ ở không mấy đứa con cho cũng đủ ăn chứ không phải thiếu, mà thôi kệ, chừng nào không làm được nữa thì thôi chứ còn làm được cứ làm. Nếu tôi còn mạnh khoẻ là một năm tôi tái chế khoảng 2 tấn rác nhựa".
Ngoài việc tái chế những dây nhựa thành những sản phẩm để bán, ông Lẹ còn sáng tạo đan thành những thùng rác để gửi tặng đến các điểm trường, cơ quan nhà nước trên địa bàn xã, huyện với mong muốn lan toả ý thức gìn giữ bảo vệ môi trường đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thấm thoát đã 4 năm ông Lẹ bắt đầu mày mò làm tái chế dây nhựa. Đến nay, việc làm ý nghĩa của ông đã tạo sức ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và được nhiều người ủng hộ. Ông Lẹ cho biết khoảng thời gian gần đây, vì tuổi cao nên ông không thể tự mình đi thu gom dây nhựa như ngày trước, tuy nhiên dây nhựa không vì thế mà còn bị vứt bừa bãi ngoài môi trường nữa.
Bởi giờ đây mọi người xung quanh ông đã ý thức cao hơn trong công đoạn phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ để gìn giữ môi trường: “Công việc tái chế này thì có người biết người không, tôi cũng kêu gọi rằng những ai có rác thải thì mình phân loại ra chứ đừng vứt bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến chính bản thân mình và con cháu mình sau này nữa".
Từ khóa: tái chế , tái chế, tái chế rác thải nhựa, rác thải nhựa, Kiên Giang
Thể loại: Xã hội
Tác giả: trọng nhân/vov giao thông
Nguồn tin: VOVVN