CPTPP đòi hỏi các bộ, ngành phải công khai, minh bạch
Cập nhật: 19/02/2020
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
VOV.VN - Để tạo bước tiến trong hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, các bộ, ngành phải công khai, minh bạch...
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, và được các chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ tạo thêm nhiều xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng từ Hiệp định CPTPP còn phụ thuộc vào năng lực thể chế, năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại Hội thảo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam", diễn ra tại Hà Nội, ngày 19/2, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định:Sau 13 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo "Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam", diễn ra tại Hà Nội, ngày 19/2. |
"Chúng ta đã có chuyển biến đáng kể, nếu không nói là đột phá, về tư duy hội nhập. Những chuyển biến ấy không chỉ thể hiện ở việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực, song phương và đa phương, mà còn ở chỗ nhấn mạnh hơn yêu cầu thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế", bà Minh nói.
Khu vực tư nhân - Xương sống của nền kinh tế
Việt Nam hiện đã chủ động hơn trong cải cách thể chế kinh tế. Môi trường kinh doanh đã có những thay đổi tích cực, trong đó vai trò quan trọng khu vực tư nhân được thừa nhận và được coi là xương sống của nền kinh tế. Song, theo đánh giá của Viện trưởng CIEM, khung khổ thể chế và pháp lý của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam nhìn chung vẫn chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
"Nhận thức về hạn chế này không có nghĩa là chúng ta sẽ dừng hội nhập để ưu tiên cải cách thể chế kinh tế trong nước; ngược lại, Đảng, Chính phủ đã khẳng định nhất quán, liên tục ưu tiên thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, và một nền tảng quan trọng chính là cải cách thể chế kinh tế trong nước", bà Minh nêu rõ.
Đề cập CPTPP, các chuyên gia kinh tế cho rằng, so với các nước tham gia vào hiệp định này, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.
Hiệp định CPTPP là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM nhấn mạnh, cần phải có cải cách thể chế thương mại, thể chế đầu tư, thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, vấn đề về sở hữu trí tuệ; việc phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; chính sách ngành, công nghiệp… Cùng với đó là định hướng chung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách nền tảng kinh tế thị trường nhằm tận dụng được hiệu quả nhất những cơ hội từ Hiệp định CPTPP mang lại.
Theo ông Dương, Bộ Công Thương mới đây có báo cáo 1 năm thực hiện CPTPP. Tại báo cáo cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào các nước trong các khối CPTPP tăng trưởng khá, Việt Nam xuất siêu 1,6 tỷ USD. Nhưng, về thu hút đầu tư từ các nước trong khối CPTPP vào Việt Nam còn hạn chế.
"Các cam kết về môi trường của Hiệp định CPTPP phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn đặt ra những thách thức trong thực thi chính sách về môi trường và phát triển bền vững. Hiện, tư duy không còn "đối phó" nữa nhưng đã thực hiện bài bản hơn trong nhận thức, công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn… cũng là cả vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá," ông Dương cho hay.
Sức ép cải cách
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: Một yếu tố rất quan trọng để tạo bước tiến trong hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp đó là các bộ, ngành phải công khai, minh bạch, nhất là các bước giải quyết thủ tục hành chính.
"Nếu thực hiện đầy đủ các cam kết công khai minh bạch chúng ta sẽ có bước tiến đáng kể và sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn vốn", TS. Lê Đăng Doanh nói.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, Hiệp định CPTPP đề cập tới thương mại, đầu tư và những vấn đề về môi trường, lao động và đặt ra những tiêu chuẩn bắt buộc để cải cách. CPTPP có sức ép để thực hiện, tạo ra những điều kiện thực hiện các cải cách, thể chế.
"Các thể chế yêu cầu của Hiệp định CPTPP rất gần với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Cơ hội về kinh tế trong CPTPP có thể là thấp nhưng nếu cộng hưởng với EVFTA thì sẽ rất lớn, để Việt Nam hiện thực hoá cải cách kinh tế. Đồng thời, tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển và tự chủ được nguồn nguyên vật liệu để xuất khẩu, tận dụng được thuế quan", bà Trang lưu ý./.
Từ khóa: Hiệp định CPTPP, thương mại và đầu tư, cptpp, ciem, doanh nghiep viet nam
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN