Covid-19 làm lung lay vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Cập nhật: 24/02/2021

VOV.VN - Bên cạnh việc bị thiệt hại trong cam kết tài chính, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế.

Đầu năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, thậm chí còn nguy hiểm hơn với biến chủng mới của virus khiến tốc độ lây lan nhanh. Dịch bệnh Covid-19 trở lại đang đặt ngành dệt may vào thế khó khi cả năm 2020 đã lao đao vì dịch, chưa kịp hồi phục.

Thách thức cùng nguy cơ lớn

Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho đến nay các đơn hàng xuất khẩu dệt may đã ký tới hết tháng 4/2021, thậm chí một số mặt hàng ký tới hết tháng 8/2021. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần 3 khi ngay từ tháng 2/2021, dịch Covid-19 trở lại miền Bắc với ổ dịch tại Hải Dương có quy mô lớn.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, trong khi đơn hàng của các DN đã ký dài hạn, các DN dệt may đang đối mặt với những rủi ro bị hủy đơn hàng như câu chuyện đã xảy ra năm 2020.

Thực tế năm 2020, khi dịch bệnh diễn biến trên toàn thế giới một cách bất ngờ, khiến chuỗi cung ứng dừng lại, người mua không nhận hàng, không đặt hàng, ngành dệt may bị thiệt hại nặng về doanh thu. Tiền lương, cùng các chế độ cho người lao động bị sụt giảm.

Chính bởi vậy, Chủ tịch HĐQT Vinatex cảnh báo, thời điểm đầu năm 2021 này, nếu để xảy ra dịch bệnh ở cơ sở, phải cách ly không thể tổ chức sản xuất sẽ dẫn đến việc ngoài việc bị thiệt hại về tiền lương, chế độ cho người lao động, các DN dệt may còn không thể hoàn thành được hợp đồng kinh tế đã ký kết với khách hàng.

“Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các doanh nghiệp dệt may. Bên cạnh việc bị thiệt hại trong cam kết tài chính với khách hàng, trong dài hạn vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế. Do vậy, việc kiểm soát dịch bệnh ở các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thực hiện ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn”, ông Trường cho biết.

Thời gian qua, trước tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, ngành dệt may đã chuẩn bị tâm thế mong sao duy trì được năng lực sản xuất, xuất khẩu để trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019. Theo dự báo sáng sủa nhất của ngành này, ít nhất cũng phải đến quý III/2022 và theo kịch bản phục hồi chậm thì phải hết năm 2023 ngành dệt may mới trở lại vị thế vốn có. Đây cũng chính là một thách thức đáng kể đối với ngành dệt may.

Tuy nhiên, những tín hiệu từ thị trường trong quý I/2021 cho thấy, dự báo và hướng phấn đấu đạt mục tiêu của ngành dệt may là có cơ sở thực hiện được. Việc các doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng dài hạn, nhiều mặt hàng chủ lực được các đối tác quan tâm… chính là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của ngành may mặc.

Nghiêm túc phòng dịch để đẩy mạnh sản xuất

Để khắc phục tình trạng hiện nay, Chủ tịch HĐQT Vinatex nêu rõ, các doanh nghiệp cần nâng mức độ phòng chống dịch bệnh lên cao nhất. Đối với người lao động đến từ vùng dịch cần đảm bảo quy định giãn cách 21 ngày, chưa đến nhà máy làm việc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may cũng cần cam kết hỗ trợ cho những lao động phải giãn cách ở nhà mức lương tối thiểu, để họ yên tâm rằng họ sẽ có việc làm trong thời gian tới; vận động toàn bộ người lao động nghiêm túc thực hiện phòng dịch trong cộng đồng, không tụ tập ngoài giờ, không tham gia các sinh hoạt cộng đồng có đông người.

“Vinatex phấn đấu đạt kết quả bằng năm 2019, đây là mục tiêu hết sức thách thức và Vinatex sẽ nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên, Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát dịch bệnh ở cả trong nước và thế giới. Như hiện nay, các đơn hàng đang có sự phục hồi khá nhưng lại có rủi ro dịch bệnh ở trong nước. Nếu phát sinh phải cách ly thì không chỉ không có tăng trưởng mà còn có nguy cơ chúng ta phải chịu phạt hợp đồng. Do vậy hiện nay Vinatex chỉ đạo các đơn vị đưa chế độ phòng dịch ở mức cao nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả”, ông Trường cho biết.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng công ty đang tập trung vào công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất, nhất là trong giai đoạn chuyển dịch, sản xuất các đơn hàng mới, khó. “Những ngày đầu của năm Tân Sửu 2021, do tình hình dịch bệnh nên ban lãnh đạo May 10 đã thay đổi kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt để tập trung hoàn thành đúng tiến độ giao hàng nhằm đảm bảo mục tiêu của cả năm đã được đề ra”, ông Việt bày tỏ.

Khẳng định đội ngũ Vinatex cần phát huy tiềm lực và nội lực để tăng trưởng, ông Đặng Vũ Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, trong năm 2021, Tập đoàn tiếp tục tăng cường mảng công tác dịch vụ cho đơn vị thành viên trong kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN về chính sách, pháp lý…

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng với tình hình mới, Tập đoàn tập trung bổ sung, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối chuỗi trong các doanh nghiệp thành viên, tăng hiệu quả hoạt động của các DN có vốn Tập đoàn chi phối, số hóa công tác quản trị, sao cho chất lượng quản trị được nâng cao, phát triển hài hòa các mảng sợi, vải, may.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, chủ động ứng phó với tình hình mới. 

“Để có sự thành công, bền vững cho ngành dệt may thì cơ chế, chính sách phải thực sự tạo thông thoáng để công nghiệp dệt may phải là ngành có đóng góp cho nền kinh tế ổn định, đặc biệt giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho xã hội. Đó là điều kiện cần và đủ để cho các doanh nghiệp có được một giải pháp phát triển bền vững, chương trình xanh hóa, liên kết chuỗi và phát triển bền vững”, ông Giang nhìn nhận.

Trong tháng 1/2021, chỉ số sản xuất ngành dệt và chỉ số sản xuất trang phục lần lượt tăng 16,6% và 9,9% so với cùng kỳ năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 92,4 triệu m2, tăng 20,4%; quần áo mặc thường ước đạt 380,1 triệu cái, tăng 9,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tháng 1/2021 ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020./.

Từ khóa: dệt may, đơn hàng dệt may, chuỗi cung ứng, nguyên liệu dệt may

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập