Công nghiệp văn hóa ở TP.HCM vẫn còn nặng tính chất phong trào
Cập nhật: 14/11/2023
VOV.VN - Mô hình công nghiệp văn hóa ở TP.HCM vẫn còn nặng tính phong trào. Để xây dựng thành phố sáng tạo thì TP.HCM cần phải xác định rõ các nguồn lực. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” của TP.HCM do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Trường Đại học Văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức sáng nay (14/11).
TP.HCM được cho là thành phố năng động, sáng tạo, đa dạng văn hóa và cũng là trung tâm của điện ảnh cả nước. TP.HCM cũng đã xây dựng kế hoạch gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc Mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO trên lĩnh vực điện ảnh, bởi đây là một trong những thế mạnh của ngành công nghiệp của TP.HCM. Hiện nay, doanh thu của điện ảnh không thua kém gì doanh thu ở các lĩnh vực khác. Như vậy TP.HCM có đủ cơ sở để phát triển điện ảnh thành một ngành công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên để định hướng nghệ thuật cho một thành phố triển sáng tạo, phải đầu tư và đặc biệt phải xem xét tính khả thi.
Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cần làm rõ khái niệm về thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa và TP.HCM vận dụng gì từ định hướng này. Định hướng công nghiệp văn hóa đặt ra vấn đề khai thác văn hóa từ truyền thống đến hiện đại, vốn hiện có kết hợp với tính sáng tạo. Còn thành phố sáng tạo là phải xuất phát từ sự sáng tạo của con người và toàn dân.
Qua thực tế, cả công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo đều nhằm xây dựng thương hiệu địa phương của các thành phố trên thế giới. Trong đó nguồn lực cực kỳ quan trọng là con người, không chỉ văn nghệ sĩ, mà là người dân. Do đó, TP.HCM khi xây dựng thành phố sáng tạo ở lĩnh vực nào thì cần căn cứ vào những vấn đề trên.
PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng nói: “Tính công nghiệp văn hóa của TP.HCM theo tiêu chí thành phố sáng tạo của UNESCO, thì TP.HCM vẫn còn nặng tính chất phong trào, kể cả điện ảnh, làm theo hướng sóng và gió, không mang tính công nghiệp. Tính công nghiệp là phải có thiết chế, cơ chế vững chắc, thể chế vững chắc”.
Năm 2019, UNESCO đã ghi danh Hà Nội là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thiết kế” và mới đây tháng 10/2023, UNESCO ghi danh Hội An là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian” và Đà Lạt là thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Âm nhạc”.
Ngày 16/4/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO. Theo kế hoạch này, TP.HCM cũng là một trong những địa phương tiếp theo, cùng với các thành phố Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Vũng Tàu,… có tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững và có khả năng tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế, văn học, âm nhạc, thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông.
Từ khóa: công nghiệp văn hóa, văn hóa tphcm,thành phố sáng tạo,nguồn lực văn hóa,Huỳnh Quốc Thắng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: vũ hường/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN