Công nghiệp văn hoá không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”
Cập nhật: 17/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa: Đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh điều này khi phát biểu đề dẫn Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”, diễn ra sáng 17/12 tại Bắc Ninh.
Đầu tư cho văn hoá cũng là đầu tư phát triển
Kế thừa và bổ sung, phát triển sáng tạo qua nhiều nhiệm kỳ, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vai trò của văn hóa trong phát triển và phát triển văn hoá đã rất toàn diện và rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hoá Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.
“Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước” – ông Nguyễn Xuân Thắng nói và cho rằng hội thảo là dịp để nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua.
“Không phải chỉ là lĩnh vực tiêu tiền”
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn, gìn giữ những di sản, giá trị văn hóa truyền thống cho muôn đời sau luôn là điều cần thiết, tất yếu và cấp thiết.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa: đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hoá các sản phẩm văn hoá gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Bên cạnh đó là kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế. Hội nhập văn hoá là khía cạnh hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Quá trình đó đòi hỏi giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc phải đi đôi với mở cửa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với xu thế của thời đại.
“Đặc biệt, phải tăng cường sức đề kháng văn hoá để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc” – ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý.
Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Chính sách văn hóa cần chú ý tới cả “diện” và “điểm”, khuyến khích cả văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa để phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa của các tầng lớp trong xã hội, bảo tồn và gìn giữ bản sắc, kế thừa và phát triển tinh hoa văn hoá của dân tộc.
Phải có đột phá thực sự
Từ thực tiễn phát triển của nền văn hoá Việt Nam, tại Hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn vấn đề bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hoá.
“Cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng vai trò, hiệu quả, nội dung của các luật, các chính sách hiện hành để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với đời sống thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở lĩnh vực văn hoá phát triển” – ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Vấn đề quan trọng khác là đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.
“Sẽ có những địa phương xây dựng chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực văn hoá; cũng sẽ có những địa phương mà văn hoá chỉ là một trong những trụ cột của cấu trúc phát triển; và càng không thể có một chính sách phát triển văn hoá như nhau ở các địa phương khác nhau” – ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, phát triển văn hoá gắn với phát triển con người, luôn đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu của phát triển văn hoá. Muốn khơi dậy được giá trị văn hóa, phải khơi dậy được sức mạnh con người Việt Nam, trước hết là phẩm chất, năng lực, sự năng động và trách nhiệm của nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.
Điều quan trọng nữa là phải chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển. Mang bản chất là những ngành sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hoá có tiềm năng phát triển rất lớn và đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế mới.
“Nhận thức rõ điều này, chúng ta đã đạt được sự thống nhất rằng, đầu tư vào lĩnh vực văn hoá cũng chính là đầu tư phát triển” – ông Nguyễn Xuân Thắng nói và đề nghị cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ưu tiên phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt, có tiềm năng, thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương.
Liên quan đến xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cần ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực để lĩnh vực văn hoá, con người có được những bước đột phá phát triển thật sự./.
Từ khóa: Hội thảo văn hoá 2022, ông Nguyễn Xuân Thắng, đầu tư cho văn hoá
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN