Công cụ răn đe suy yếu, Iran có thể sẽ lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Israel dường như đã cho thấy hai biện pháp răn đe quan trọng nhất của Iran - tên lửa đạn đạo và lực lượng vũ trang Hezbollah ở Lebanon - không mạnh như người ta vẫn nghĩ. Hiện giờ sự chú ý đổ dồn vào việc liệu Iran có thúc đẩy chương trình hạt nhân để răn đe kẻ thù lớn nhất trong khu vực hay không.

Trong nhiều tháng qua, các quan chức Iran nói rằng nước này đã tích lũy được hầu hết kiến ​​thức cần thiết để chế tạo vũ khí và rằng họ có thể xem xét lại lời cam kết trong hai thập kỷ qua của Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei về việc không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cuối tháng 9, cựu Giám đốc cơ quan nguyên tử Iran, Fereydoun Abbasi, nói rằng Tehran có thể sẽ bắt đầu sản xuất urani được làm giàu 90%, cấp độ vũ khí.

Theo các quan chức Mỹ. Iran sẽ mất chưa đầy 2 tuần để chuyển đổi kho dự trữ urani được làm giàu cấp độ 60% hiện tại thành vật liệu cấp độ vũ khí.

Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này năm 2018, Iran đã khôi phục và có nhiều tiến triển trong chương trình hạt nhân, đưa nước này đến gần hơn với mức có thể phát triển vũ khí hạt nhân.

“Khi các năng lực của Iran suy yếu đi so với Israel, Tehran sẽ buộc phải phát triển sức mạnh răn đe mới, bao gồm cả việc mở rộng chương trình hạt nhân. Những gì chúng ta có thể thấy là hiện nay Iran đang chịu nhiều áp lực hơn buộc họ phải thúc đẩy chương trình hạt nhân và đưa ra cảnh báo rằng chương trình này sẽ không còn duy trì mục đích ‘hòa bình’”, Gregory Brew, nhà phân tích cấp cao về Iran và năng lượng tại công ty tư vấn Eurasia Group, nhận định.

Iran đã tiến gần đến vũ khí hạt nhân ở mức nào?

Iran hiện có gần 13.000 máy ly tâm, trong đó có hàng nghìn máy thuộc loại tiên tiến.

Mặc dù tuyên bố chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình, nhưng Iran là quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất làm giàu urani ở cấp độ 60%. Urani được làm giàu cấp độ 90% có thể sử dụng cho vũ khí hạt nhân.

Urani được làm giàu ở cấp độ vũ khí cần được chuyển từ thể khí sang thể rắn thông qua một quá trình hóa học. Urani thể rắn sau đó cần phải nấu chảy và đúc thành dạng bán cầu - một quá trình đòi hỏi máy móc có độ chính xác cao. Iran đã khôi phục hoạt động liên quan đến urani thể rắn vào năm 2021.

Theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), hiện tại, Iran có đủ urani làm giàu gần cấp vũ khí cho gần 4 vũ khí hạt nhân. Iran cũng đã cắt giảm các hoạt động giám sát quốc tế được quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Hồi giữa năm nay, Mỹ nói rằng, Iran đã bắt đầu các hoạt động hướng tới việc chế tạo bom hạt nhân. Do việc giám sát quốc tế bị hạn chế, hoạt động vũ khí hóa của Iran sẽ khó bị phát hiện hơn và nếu bị phát hiện cũng sẽ chậm hơn. Một số chuyên gia cho rằng Iran có thể sản xuất một thiết bị hạt nhân đơn giản chỉ trong vài tháng.

Khả năng Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran

Trước đây, Israel từng có các hoạt động phá hoại chương trình hạt nhân Iran nhưng vẫn chưa tìm cách xóa bỏ vĩnh viễn các nỗ lực làm giàu urani của Tehran.

Dù vậy, Israel đã cho thấy khả năng thâm nhập tình báo sâu bên trong đội ngũ cấp cao của Iran cũng như các nhóm đồng minh của nước này thông qua các cuộc tấn công gần đây, bao gồm một cuộc không kích giết chết thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại một nhà khách ở Tehran. Israel có thể lựa chọn tấn công các cơ sở làm giàu urani của Iran nếu Tehran đẩy nhanh hoạt động hạt nhân.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần trước nói rằng Iran đã “phạm sai lầm lớn” khi tấn công tên lửa vào Israel và Tehran sẽ phải trả giá. Ông cũng nhấn mạnh, “Không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận”.

Hezbollah, lực lượng dân quân phi nhà nước được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới, từ lâu đã được coi là chính sách bảo hiểm chính của Iran. Nhưng chiến dịch quân sự gần đây của Israel nhắm vào kho vũ khí của Hezbollah và ám sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah ngay tại sở chỉ huy ở Beirrut đã làm suy yếu nhóm vũ trang Lebanon được Iran hậu thuẫn.

Một công cụ răn đe quan trọng khác của Iran là kho dự trữ ước tính ít nhất 3.000 tên lửa đạn đạo. Trong gần 200 tên lửa Iran phóng về phía Israel hôm 1/10, một số tên lửa đã lọt qua được hệ thống phòng không của Israel, nhưng chúng không gây ra thiệt hại lớn.

Sau cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran vào Israel hồi tháng 4 với hơn 300 tên lửa và UAV, Israel đã đáp trả bằng một phát súng cảnh cáo nhỏ, phá hủy các khẩu đội phòng không chỉ cách các cơ sở hạt nhân Natanz của Iran 20km.

Cho đến nay, Israel dường như không muốn hành động đơn độc trong việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố Washington sẽ đảm bảo Iran phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng cho cuộc tấn công đầu tháng này, nhưng Mỹ không muốn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, đặc biệt là trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Các cuộc không kích của Israel có thể gây thiệt hại cho các địa điểm làm giàu hạt nhân của Iran, nhưng việc vô hiệu hóa hoàn toàn chương trình hạt nhân của nước này sẽ là thách thức đáng kể đối với Tel Aviv.

Cũng không rõ các cuộc tấn công của Israel có thể xuyên sâu đến mức nào vào các cơ sở mới mà Tehran xây dựng sâu dưới lòng đất tại Natanz hay cơ sở Fordow được đào sâu vào sườn núi.

Canh bạc lớn

Một cuộc tấn công nếu chỉ đẩy lùi chương trình hạt nhân của Iran trong nhiều tháng hoặc một năm sẽ là một canh bạc lớn. Giới chức Iran trước đây từng cảnh báo, một cuộc tấn công như vậy có thể khiến họ từ bỏ hiệp ước cho phép quốc tế giám sát chương trình hạt nhân của nước này.

“Câu hỏi khi đó sẽ là liệu Iran có rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và trục xuất các quan sát viên quốc tế hay không”, Eric Brewer, Phó Chủ tịch Chương trình An ninh Vật liệu Hạt nhân có trụ sở ở Washington cho biết.

Iran có thể quyết định tiếp tục cách tiếp cận từng bước để tiến gần hơn đến khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân, Michael Horowitz, giám đốc tình báo của công ty tư vấn Le Beck có trụ sở tại Israel cho biết.

“Iran sẽ tập trung vào an ninh nội địa trước tiên, trước khi thực hiện bất kỳ bước đi quyết liệt và mạo hiểm nào, bao gồm cả việc chế tạo bom”, ông Horowitz nói.

Một động thái thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân cũng đi kèm với rủi ro chính trị. Tổng thống mới đắc cử Masoud Pezeshkian có ý định sử dụng biện pháp ngoại giao để phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế đang gặp khó khăn của Iran. Điều đó có thể phụ thuộc vào việc Iran chấm dứt hoạt động làm giàu urani cấp độ cao và tạo điều kiện cho các quan sát viên của IAEA.

“Tôi không nghĩ Iran sẽ đưa ra quyết định trả đũa mà không có có sự đồng thuận nội bộ khi nói đến chương trình hạt nhân. Điều này không có nghĩa là họ sẽ dốc toàn lực vào chương trình vũ khí hạt nhân nhưng có lẽ Iran sẽ nỗ lực hơn nữa để đảm bảo có khả năng chế tạo loại vũ khí này nhanh chóng khi cần thiết”, bà Nicole Grajewski, thành viên của Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết.

Từ khóa: Iran, vũ khí hạt nhân, công cụ răn đe, Hezbollah, tên lửa đạn đạo, cơ sở hạt nhân Iran, urani cấp độ vũ khí,Israel

Thể loại: Thế giới

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập