Công bố mức độ hài lòng của doanh nghiệp về Cơ chế một cửa quốc gia
Cập nhật: 22/06/2020
Đổi mới sáng tạo- xu thế tất yếu trong kỷ nguyên mới (01/01/2025)
Tiền Giang: Giao mỏ cát Ngũ Hiệp-1 cho công ty Đức Phú Thịnh
VOV.VN - Theo kết quả khảo sát vừa được công bố, phần lớn các chức năng cơ bản trên Cổng một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt.
Ngày 22/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Báo cáo cho thấy, hiện vẫn còn một số bộ, ngành chưa đảm bảo tiến độ triển khai thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia.
Báo cáo tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính – dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 5 Bộ, ngành có sự tham gia hồ sơ và tần suất nhiều nhất.
Công bố Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”. |
Theo kết quả khảo sát, phần lớn các chức năng cơ bản trên Cổng một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt. 95% số doanh nghiệp đánh giá dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như: tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ.
Dù vậy, vẫn nhiều bộ, ngành chưa đảm bảo tiến độ triển khai thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia.
Theo phản ánh, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuộc Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ gặp khó khăn hơn so với thủ tục hành chính của các bộ, ngành khác. Hiện, vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin, chẳng hạn như 27% doanh nghiệp chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định của Cổng do còn gặp lỗi kết nối và khoảng 20% doanh nghiệp phản ánh tốc độ xử lý các tác vụ trên cổng còn chậm.
Có 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.
Nguyên nhân chính của những khó khăn bao gồm: hệ thống xử lý thủ tục của Bộ quản lý chuyên ngành chưa điện tử hoàn toàn; tình trạng một số doanh nghiệp bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần; thời gian các Bộ ngành xử lý hồ sơ của một số doanh nghiệp tương đối lâu.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai nêu rõ: “Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất khẩu là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã đang và sẽ nỗ lực hết sức hợp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Từ đó, nhằm nâng cao hiệu quả hiệu lực của cơ chế này”.
Tại buổi công bố, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị, cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số. Các bộ, ngành, cần nâng cấp các chức năng giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và cung cấp thêm một số tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng một cửa quốc gia. Cùng với đó, triển khai thực chất việc cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, cải thiện tính minh bạch trong cung cấp thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ; công khai kết quả giải quyết thủ tục, thống nhất và đơn giản hóa các biểu mẫu, giấy tờ dễ hiểu với doanh nghiệp và thực hiện chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam nêu ý kiến, việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia cần phải được triển khai đồng bộ trong thời gian tới.
“Có nhiều văn bản chúng ta cũng có thay đổi, nhưng còn rất nhiều văn bản mà những quy định ban hành còn phức tạp, đôi khi có muốn triển khai theo Cơ chế một cửa quốc gia này cũng khó. Các doanh nghiệp phản ánh là còn vấn đề cần được giải quyết trong thời gian sắp tới. Do đó, chúng tôi cho rằng, rất cần sự vào cuộc của tất cả các bên thì cơ chế một cửa quốc gia mới vận hành một cách có hiệu quả thông suốt được. Cùng với đó, thiết bị công nghệ cho cả hệ thống cần được đồng bộ để việc vận hành một cách trôi chảy”, ông Trương Văn Cẩm nói./.
Từ khóa: cơ chế một cửa quốc gia, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, thủ tục hành chính, thanh toán điện tử
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN