Con trai cả Mao Trạch Đông từng tham gia Hồng quân chiến đấu chống phát xít Đức
Cập nhật: 05/05/2020
Quan hệ sâu đậm giữa CIA và tình báo Ukraine trong xung đột với Nga
Nga tấn công dữ dội Ukraine trên thực địa, sẵn sàng cho mọi kịch bản
VOV.VN - Trong khi quan hệ giữa Mao Trạch Đông và Moscow không hề xuôi chèo mát mái, con trai của ông vẫn được gửi đến Liên Xô để trui rèn.
Sergei Trung Quốc
Mao Ngạn Anh - con trai cả của Mao Trạch Đông và Dương Khai Tuệ (Khải Huệ) - người vợ thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc, bị Quốc dân Đảng hành quyết năm 1930 - sinh năm 1922, tại Trường Sa (tỉnh Hồ Nam), nơi cha ông - từng là bí thư Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mao Ngạn Anh cùng hai em cùng cha cùng mẹ đã phải sống trong khu ổ chuột và thậm chí sống lang thang. Mao Trạch Đông từng nói: “Vì sự nghiệp cách mạng, từ nhỏ những đứa trẻ này đã phải ăn cơm của nhân dân, vượt ngàn dặm đường”.
Năm 1936, Mao Trạch Đông đã gửi hai con trai của mình sang Liên Xô, nhập học tại trường Quốc tế (Interdom) mang tên Elena Stasova tại tỉnh Ivanovo - nơi con của lãnh đạo các đảng cộng sản trên thế giới thường được gửi đến. Mao Ngạn Anh là một trong nhiều người Trung Quốc ở đó. Để đảm bảo an toàn, cậu ta được mang tên giả là Sergei Yongfu. Tại trường, Mao Ngạn Anh được nhớ đến như một thiếu niên có năng lực và năng động.
Đại đội phó chính trị Sergei Maev
Năm 1941, Mao Ngạn Anh tròn 21 tuổi, đã viết một số thư gửi lãnh tụ Stalin xin được ra mặt trận chống phát xít. “Tôi yêu Liên Xô như yêu Trung Quốc. Tôi không thể nhìn những bọn phát xít Đức chà đạp đất nước Liên Xô. Tôi muốn trả thù cho hàng triệu người Xô Viết đã chết”, cậu học sinh ở Interdom bày tỏ. Một trong những lợi thế của Mao Ngạn Anh là có vốn tiếng Đức tốt, nhờ một người bạn thân - con trai của Fritz Straube, một chiến sĩ chống phát xít Đức - kèm cặp. Được sự đồng ý của Mao Trạch Đông và sự giúp đỡ của Dmitry Manuilsky - một quan chức Đảng Cộng sản, tháng 5/1942, Mao Ngạn Anh đã được toại nguyện.
Mao Trạch Đông và con trai Mao Ngạn Anh; Nguồn: russian7.ru |
Đầu tiên, Ngạn Anh tham gia các khóa học dành cho hạ sĩ quan, sau đó được ghi danh vào Học viện Quân-Chính mang tên Lenin (có tài liệu nói Học viện Quân sự mang tên Frunze). Tốt nghiệp, được bổ nhiệm làm Đại đội phó về chính trị của một Đại đội xe tăng, cựu học sinh của Interdom này được mang một cái họ mới - Maev - và được điều ra tiền tuyến. Các đồng nghiệp gọi anh là Trung úy Sergei, và chỉ một vài người trong ban chỉ huy sư đoàn biết thân thế của anh. Tháng 1/1943, Sergei trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô.
Mayev đã chiến đấu tại Mặt trận Belorussian 2. Sau khi giải phóng lãnh thổ Liên Xô, anh cùng đại đội xe tăng tiến vào Ba Lan, Tiệp Khắc và đến Berlin. Để tỏ lòng biết ơn đối với đóng góp của anh, Joseph Stalin đã mời viên sĩ quan trẻ vào Điện Kremlin và tặng một khẩu súng lục làm kỷ niệm. Mao Ngạn Anh cũng có cơ hội chiến đấu với người Nhật đang xâm lược quê hương. Tháng 8/1945, giai đoạn cuối của Thế chiến II, Ngạn Anh đã chiến đấu tại Mặt trận Zabaikal ở tỉnh Chahar (nay là Nội Mông) của Trung Quốc, được trao tặng Huân chương Sao Đỏ và Huy chương vì Thành tích chiến đấu. Sau chiến tranh, chàng trai trẻ vào học tại Học viện nghiên cứu phương Đông Moscow với tên Sergei Yongfu.
Trở về Trung Quốc
Mao Ngạn Anh ở lại Liên Xô đến đầu năm 1946, sau đó về hẳn Trung Quốc. Trong một lá thư, Mao Trạch Đông đã cảm ơn Stalin vì sự giáo dục và quá trình dạy dỗ Mao Ngạn Anh. Nhưng mặc dù lý tưởng cộng sản đã được thấm nhuần từ thời thơ ấu, Mao Ngạn Anh đã nhìn thấy những sai sót trong các hoạt động của cha mình và thậm chí đã chỉ trích ông về tôn sùng cá nhân. Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc coi đó là “hành động chống Đảng” nên đã đưa cậu con trai về nông thôn cải tạo, nơi theo Mao Trạch Đông là "trường đại học lao động".
Trung úy Hồng quân Mao Ngạn Anh (Sergei Maev); Nguồn: wikipedia.org |
Năm 1949, Mao Ngạn Anh lên xe hoa cùng Lưu Tư Tề và rồi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Sau tuần trăng mật ngắn ngủi, Mao Ngạn Anh được gửi sang Triều Tiên để thử thách trong lửa đạn chiến trường, làm thư ký riêng kiêm phiên dịch tiếng Nga cho Nguyên soái Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài, và một phần công tác quân báo ở Tổng bộ Quân tình nguyện Trung Quốc tại Mặt trận Triều Tiên.
Từng trải nhưng đoản mệnh
Biết con trai trưởng Mao Trạch Đông nhập đội quân tình nguyện sang chiến đấu ở Triều Tiên, CIA đã chỉ đạo Tướng MacArthur - Tư lệnh quân Mỹ cũng là trùm mật vụ của Washington ở bán đảo Triều Tiên - tổ chức bắt cóc Mao Ngạn Anh và tiêu diệt Bành Đức Hoài. Bắt cóc Mao thế tử là yêu cầu chính trị, tiêu diệt Bành Đức Hoài là yêu cầu chiến lược. Nếu việc bắt cóc thành công, về chính trị sẽ đánh một đòn tâm lý cân não đối với Mao, làm nản quyết tâm chiến lược, khiến ông dao động. Còn khử được Bành Nguyên soái sẽ khiến chí nguyện quân Trung Quốc tạm thời rơi vào tình trạng “rồng không đầu”, làm rối việc bố trí lực lượng chiến lược đã định, khiến toàn quân tổn thương sinh khí, khó có thể tổ chức chiến dịch có hiệu quả.
Mặc dù kế hoạch thuộc loại tuyệt mật, các bức điện mật của CIA đã bị tình báo Liên Xô (KGB) thu được và giải mã. Bộ Quốc phòng Liên Xô đã mật báo khẩn cấp cho Nhiếp Vĩnh Trăn, khi đó là Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc. Sau khi đọc xong bức điện mật của tình báo Liên Xô, Mao Trạch Đông chỉ thị miệng điện báo ngay cho Bành Đức Hoài, yêu cầu chuyển vị trí của Bộ Tư lệnh. Vẫn chưa yên tâm, chiều hôm sau, Mao tự tay viết tiếp một bức điện mật, được mã hóa và chuyển đi. Nhưng đáng tiếc là Tổng bộ Quân chí nguyện vừa bố trí xong kế hoạch mở chiến dịch, các công việc cho trận đánh lớn rất bề bộn và khẩn trương.
Bành Đức Hoài nhận được cùng một lúc 2 bức điện tuyệt mật của Nhiếp Vĩnh Trăn và Mao Trạch Đông nhưng không thể kịp di chuyển địa điểm. Cũng chính vào buổi chiều Mao Trạch Đông gửi điện cho Bành Đức Hoài, trùm tình báo CIA MacArthur đã ra lệnh cho một đội biệt kích hỗn hợp Mỹ-Hàn bí mật đột nhập Tổng hành dinh quân chí nguyện Trung Quốc. Bị lộ, hai bên chiến đấu rất ác liệt và Mao Ngạn Anh may mắn chỉ bị thương nhẹ, thoát nạn. Kế hoạch bắt cóc không thành, Mỹ quay sang thực hiện phương án 2 - dội bom napan (bom cháy) xuống Tổng bộ Quân chí nguyện Trung Quốc, hòng chôn vùi Mao Ngạn Anh trong biển lửa.
Vợ chồng Mao Ngạn Anh - Lưu Tư Tề; Nguồn: wikipedia.org |
Ngày 24/11/1950, 4 chiếc máy bay B-26 của Mỹ đã lồng lộn lao đến trút mưa bom napan xuống động Đại Du; cả khu Tổng bộ Quân chí nguyện bị cháy ngùn ngụt, khói lửa cuồn cuộn bốc lên không trung. Thiếu tướng Mao Ngạn Anh đã bị bỏng nặng trong vụ đánh bom và chết vào ngày hôm sau (có tài liệu nói bị chết cháy). Bài “Cuộc mưu sát con trai Mao Trạch Đông của CIA trong chiến tranh Triều Tiên” đăng trên tờ Tham khảo lịch sử thế giới đã làm cho dư luận thế giới bất bình, căm phẫn mưu đồ và hành động vô nhân tính của CIA.
Khi được thông báo về cái chết của con trai, Mao nói rằng, “Chiến tranh cách mạng thường phải trả giá. Mao Ngạn Anh cũng là một chiến sĩ bình thường, vì sự nghiệp quốc tế vô sản, Mao Ngạn Anh đã hy sinh tuổi trẻ, làm tròn nhiệm vụ của một đảng viên cộng sản”. Với sự đồng ý của Mao Trạch Đông, Mao Ngạn Anh được an táng tại Bình Nhưỡng trong nghĩa trang của các chí nguyên quân Trung Quốc, với một tấm bia bằng đá hoa cương khắc hàng chữ: Mộ liệt sĩ Mao Ngạn Anh. Mọi người đã dùng câu thơ: “Xuất quân, tin thắng trận chưa về, người đã khuất” để khái quát cuộc đời 28 tuổi xuân ngắn ngủi đầy sóng gió của Mao Ngạn Anh. Cũng có một số nguồn tin cho rằng thi hài của Mao Ngạn Anh đã được chuyển về Bắc Kinh.
Ba năm sau, tin dữ đến khiến người vợ trẻ Lưu Tư Tề đau đớn như đứt từng khúc ruột, một thời gian dài buồn rầu trầm uất. Để thay đổi không khí, Mao Trạch Đông bố trí cho Tư Tề đi Moscow học. Mùa thu 1961, Lưu về nước và được phân công làm phiên dịch tiếng Nga tại Bộ chỉ huy Công binh Quân giải phóng Trung Quốc. Mao Trạch Đông rất quan tâm đến đời sống của Lưu Tư Tề, nhiều lần khuyên chị tái giá. Được sự quan tâm của Mao, Lưu Tư Tề kết hôn với Dương Mậu Chi, giáo viên Học viện Không quân. Sau phong ba bão táp của “đại cách mạng văn hóa”, Lưu Tư Tề được phân công về làm việc tại Học viện Khoa học Quân sự cho đến khi nghỉ hưu.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân “ngã ngựa” của Bành Đức Hoài trong thời kỳ Đại Nhảy Vọt và sau đó bị đấu tố trong cách mạng văn hóa một phần là do sự căm tức của Mao Trạch Đông, người cho rằng cái chết của con trai cả của ông là do sự bất cẩn của Bành Đức Hoài. Các sự kiện cuộc đời của Mao Ngạn Anh, trong đó có thời gian phục vụ trong Hồng quân Liên Xô, được giới thiệu trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc dài 34 tập, công chiếu năm 2011./.
Từ khóa: Mao Ngạn Anh, con trai của Mao Trạch Đông, Sergei Trung Quốc, Sergei Maev, Quân chí nguyện Trung Quốc tại Triều Tiên
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN