Còn nhiều điểm chưa rõ trong xử lý vụ phá rừng ở Tủa Chùa
Cập nhật: 19/10/2019
Bến Tre đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng bệnh viện 1.000 giường
Quảng Nam siết chặt quản lý an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông
VOV.VN - Sự việc dù đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng chưa thỏa đáng, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Vừa qua, gia đình ông Vừ A Páo, trú tại thôn Trung Thu, xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên gửi đơn khiếu nại đến VOV và một số cơ quan báo chí khác ở tỉnh đề nghị làm rõ những điểm bất thường trong vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn vào đầu năm nay. Điều đáng nói là sự việc dù đã được các cơ quan chức năng giải quyết, nhưng chưa thỏa đáng, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Phóng viên làm việc với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa. |
Phá rừng hay phát nương?
Diễn biến vụ việc được tóm tắt như sau: Tháng 3/2019, hàng loạt hộ dân tại xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa phát cả ha rừng phòng hộ làm nương, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không phát hiện. Đến đầu tháng 6/2019, qua nguồn tin báo thì lực lượng kiểm lâm và cán bộ xã mới tiến hành kiểm tra, đo đạc và lập biên bản vi phạm đối với 1 trường hợp vi phạm là gia đình ông Vừ A Páo (nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Thu), với diện tích rừng thiệt hại là 2.380 m2.
Trụ sở UBND xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa. |
Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Páo đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng cho rằng: diện tích rừng mà ông bị quy là vi phạm thực tế chỉ là đất trồng cây hàng năm. Còn 7 hộ khác (trong đó có cả gia đình cán bộ xã Trung Thu) cùng tham gia phát rừng làm nương thời điểm đó mới phát vào đất rừng phòng hộ, và các hộ này đến nay chưa ai bị xử lý.
Tìm hiểu thêm được biết, ngày 12/6/2019, cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã lập biên bản vi phạm hành chính số 001043 đối với ông Vừ A Páo, thôn Trung Thu, xã Trung Thu “về hành vi phá rừng trái pháp luật” căn cứ theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng được ban hành theo Quyết định số 1208, ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên (sau đây gọi tắt là bản đồ 1208 - PV). Tuy nhiên, theo ông Páo, tại thời điểm các hộ phát rừng làm nương, bản đồ 1208 chưa được công bố đến người dân xã Trung Thu. Hơn nữa, biên bản vi phạm hành chính số 001043 được lập vào ngày 12/6/2019, nhưng mãi 7 ngày sau, Hạt kiểm lâm huyện Tủa Chùa mới trả biên bản vi phạm cho ông Páo, như vậy những giá trị pháp lý của biên bản này đang bị đặt ra nhiều nghi vấn?.
Những bụi tre của người dân trồng ven rừng bị UBND xã Trung Thu cho lực lượng đi phá. |
Mặt khác, theo bản đồ địa chính xã Trung Thu (thửa số 10, tờ bản đồ số 31) thì diện tích ông Páo đã phát làm nương là đất trồng cây hàng năm (có ký hiệu NHK). Tại thời điểm làm việc với phóng viên vào sáng 24/7/2019, ông Trần Quốc Khánh, quyền Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cũng không phủ nhận điều này. Ông Khánh cũng thừa nhận, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 1208 mới được công bố đến các chủ tịch xã cách thời điểm làm việc với phóng viên khoảng 2 tuần và vẫn chưa công bố đến người dân.
Như vậy, sự chồng chéo giữa bản đồ 1208 với tờ bản đồ địa chính xã Trung Thu tại thời điểm tháng 3 năm 2019 đang đặt ra mâu thuẫn, đây là vụ phá rừng hay phát nương làm rẫy?
Nhiều bất cập trong quản lý, không đủ cơ sở nhưng vẫn xử phạt
Để xác định thửa số 10, tờ bản đồ số 31 trong bản đồ địa chính xã Trung Thu, ngày 10/7/2019, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đã chủ trì cuộc làm việc có đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa, cùng công chức địa chính xã Trung Thu.
Tại buổi làm việc này, các bên cũng chỉ ra: Theo tờ bản đồ địa chính số 31, thửa số 10 thì khu vực ông Vừ A Páo đã phát được xác định là đất nương trồng cây hàng năm (kí hiệu NHK).
Tuy nhiên, khi đối chiếu với bản đồ quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 76, ngày 14/1/2008 của UBND tỉnh Điện Biên về phê duyệt báo cáo kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2006 - 2020, thì khu vực trên lại thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất trạng thái 1a, thuộc Tiểu khu 560, Khoảnh 13, 16.
Còn khi đối chiếu với bản đồ giao đất, giao rừng theo kế hoạch 388 ngày 20/3/2013 của UBND tỉnh Điện Biên, thì khu vực trên là rừng sản xuất thuộc Tiểu khu 560, Khoảnh 13, 16 trạng thái 2a và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư thôn Trung Thu quản lý, bảo vệ và hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đối chiếu với tờ bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 1208 ngày 21/12/2018 của UBND tỉnh Điện Biên thì khu vực trên lại thuộc Tiểu khu 560, khoảnh 16, trạng thái 2a, rừng phòng hộ.
Một mảnh nương được gia đình ông Vừ A Páo đem trồng rừng từ mấy năm trước (cạnh mảnh nương được cho là vi phạm) nay đã thành rừng cộng đồng theo Bản đồ 1208.
|
Như vậy có thể thấy, diện tích đất rừng mà ông Vừ A Páo đã phát làm nương, mỗi tờ bản đồ thể hiện một trạng thái khác nhau. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay, chưa đưa ra kết luận cụ thể về trạng thái rừng và đang đề nghị chỉnh lý.
Dù sự việc chưa ngã ngũ xem đây là vụ phá rừng hay phát nương làm rẫy, nhưng ngày 8/8/2019, UBND huyện Tủa Chùa vẫn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với gia đình ông Vừ A Páo, với mức phạt 25 triệu đồng. Chính vì vậy, ngày 15/8/2019, ông Vừ A Páo lại tiếp tục viết đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí. Trong đơn, ông Páo có nêu một số nội dung liên quan đến những việc làm thiếu khách quan, minh bạch của một số cán bộ kiểm lâm huyện Tủa Chùa trong thời gian qua.
Sau khi báo chí vào cuộc, phản ánh việc buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng tại xã Trung Thu và những bất cập trong công tác xử lý vi phạm của lực lượng kiểm lâm; ngày 20/8/2019, UBND huyện Tủa Chùa lại có báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên và các cơ quan liên quan, nội dung thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện “còn hạn chế” và việc Hạt kiểm lâm huyện lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt đối với ông Vừ A Páo là “chưa phù hợp…”.
Điều đáng nói là, thay vì việc thu hồi biên bản không phù hợp nói trên, UBND huyện Tủa Chùa lại ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính hộ gia đình ông Vừ A Páo, với mức phạt 25 triệu đồng, do vậy đã dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài..../.
Lâm Đồng mật phục bắt đối tượng phá rừng, chiếm đất
Điều tra vụ phá rừng thông đặc dụng tại Thừa Thiên Huế
Từ khóa: phá rừng, phát nương, Tủa Chùa, bảo vệ rừng
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN