“Cởi trói” thủ tục cho doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế có thể 7-8%
Cập nhật: 10/01/2020
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Do đó, cần “cởi trói” thủ tục để giúp DN bứt phá.
Ngày 10/1, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 |
Đây là diễn đàn đối thoại chính sách thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh đã thể hiện qua các kết quả kinh tế xã hội năm 2019, vượt mục tiêu đã đề ra.
Kết quả này được thể hiện ở sự thăng hạng, tăng điểm của Việt Nam trong các xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới. Đặc biệt, thể hiện rõ nét qua số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, nhiều năm liền đạt con số kỷ lục. Đáng nói, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua dấu mốc 500 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng lần đầu tiên tăng gấp 4 lần so với các doanh nghiệp FDI…
Tuy vậy, theo TS. Vũ Tiến Lộc, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Do đó, cần “cởi trói” thủ tục để giúp doanh nghiệp bứt phá.
Ông Lộc cho rằng, nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể vượt mốc 7-8%/năm. Nếu tình trạng xung đột, chồng chéo pháp luật được tháo gỡ, các dự án lớn nhanh chóng được thực hiện thì kỳ tích phát triển của năm 2019 còn to lớn hơn nữa.
Liên quan đến chồng chéo xung đột pháp luật, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VCCI đã thực hiện việc thu thập, nhận diện, phân tích và làm rõ những điểm chồng chéo, xung đột giữa các quy định của pháp luật. VCCI đã có báo cáo cụ thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về 25 điểm xung đột, chồng chéo lớn giữa các đạo luật về đầu tư kinh doanh. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để trình Quốc hội tháo gỡ.
Theo Chủ tịch VCCI, năm 2020 là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, qua tập hợp, nghiên cứu rất nhiều vấn đề của môi trường kinh doanh, VCCI đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm.
Về chỉ số khởi sự kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hoá các thủ tục hậu đăng ký doanh nghiệp như khai báo lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội, mua hoá đơn, mở tài khoản ngân hàng, nộp lệ phí môn bài.
Biện pháp đơn giản hoá phù hợp nhất vẫn là liên thông hoặc kết hợp các thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có thể làm nhiều thủ tục cùng một lúc. Ngoài ra, có thể bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết như lệ phí môn bài, con dấu doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thuế, theo Chủ tịch VCCI, các biện pháp cải cách cần tập trung vào một số vấn đề như, đơn giản hoá quy định về thủ tục mua hoá đơn, tự in hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn điện tử, cải thiện việc thực hiện thủ tục hoàn thuế, xin miễn giảm thuế và xin xác nhận nghĩa vụ thuế, các quy định chính sách thuế cần rõ ràng để tránh xung đột giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế.
Ngoài ra, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp cũng là vấn đề cần tiếp tục được chú trọng giải quyết. Theo đó, các giải pháp cần tập trung thực hiện là ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính, thanh kiểm tra công vụ thường xuyên, gắn chặt trách nhiệm kiểm soát tham nhũng với công tác đánh giá cán bộ.
Về cổng dịch vụ công các cơ quan nhà nước, Chủ tịch VCCI cho rằng các cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các cổng dịch vụ công khi làm các thủ tục hành chính./.
Thủ tướng: Cắt giảm điều kiện kinh doanh để tránh tiêu cực, tham nhũng
Từ khóa: môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, VBF, VCCI
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN