Có gì trong lễ hội cầu ngư đặc biệt "tam niên đáo lệ" ở Huế?
Cập nhật: 02/02/2023
VOV.VN - Đã thành thông lệ cứ “tam niên đáo lệ” tức ba năm một lần, dân làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương) và Thai Dương ở TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế lại tổ chức long trọng Lễ Xuân tế kỳ yên vào các ngày 9 - 10 và 11 - 12 tháng Giêng các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Nguyên trước đây hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ đều cùng một làng Thai Dương Thượng Hạ. Đến sau trận lũ lớn năm 1897, một cửa biển mới đã mở ra giữa làng Thai Dương Thượng Hạ mà người dân gọi là cửa Sứt, thay thế cho cửa biển ở Hòa Dân bị bồi lắp. Từ đó làng Thai Dương Thượng Hạ đã bị chia cắt thành hai làng Thai Dương và Thai Dương Hạ như ngày nay.
Thành hoàng của 2 làng Thai Dương Hạ và Thai Dương là Ông Trương Quý Công (húy là Trương Thiều), một người có công khai khẩn và truyền nghề cho người dân đánh bắt trên đầm, phá và cả ngoài biển khơi.
Buổi chiều trước ngày diễn ra nghi lễ chính, người dân tổ chức cung nghinh Thành hoàng làng từ các am, miếu về đình. Nghi vệ gồm có cờ xí, lỗ bộ, chiêng trống, dàn nhạc bát âm và một đoàn người gánh chiếc ghe tượng trưng, cùng các vị hương lão, tráng niên tạo thành một đoàn rước trang nghiêm diễu hành từ đầu đến cuối làng và rước vào đình.
Buổi tối ngày đầu là lễ túc yết, với nội dung cúng tế lễ vật để cáo yết với thần linh. Sau lễ túc yết thường có diễn tuồng, vừa là một nghi tiết dâng cúng, vừa để toàn dân thưởng thức.
Rạng sáng hôm sau, vào khoảng 2h sáng, là mở đầu chánh tế với đầy đủ nghi thức cổ truyền như dâng hương dâng rượu tam tuần, đọc chúc với sự phụ họa của phường bát âm và chiêng trống. Đến khoảng 6h sáng là lễ trình nghề diễn ra ngoài sân đình.
Lễ trình nghề là một hình thức “hèm” để tưởng nhớ vị Thành hoàng đã có công lập làng và hướng dẫn dân làng cách mưu sinh.
Sau 3 hồi trống lớn của vị chấp lệnh, các tráng đinh đóng vai ngư phủ tung cần câu, lập tức đám trẻ em đóng vai cá tranh nhau đớp mồi. Một toán ngư phủ khác khiêng một cái ghe mành cốt tre được đan chắc chắn và phết giấy đỏ, bên trên có một người ngồi. Họ tiến vào sân đình và chạy quanh đám trẻ tượng trưng đàn cá.
Lưới trên thuyền được bủa vã vây lấy đám trẻ thành vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp.
Đàn cá thì tìm cách thoát ra khỏi lưới đang khi đám ngư phủ người thì “hụ”, người thì “ngoắc” cố giữ không cho đàn cá thoát ra ngoài. Khi vòng tròn được thu nhỏ lại, một ngư phủ trên ghe nhảy xuống bắt lấy “con cá” to nhất đem vào đình để cúng tượng trưng cho vị Thành hoàng.
Cùng lúc này trên mặt đầm phá, các ngư dân chèo ghe thuyền biểu diễn các trò kéo rớ, bủa lưới, xúc khuyết, câu mực...
Tiếp đến, một số “cá” được gánh trong trạc (thúng) đưa ra bờ biển để rửa nước muối, một số khác được gánh ra chợ bán.
Các bà buôn “cá” đến trả giá, mặc cả ồn ào như buổi bán cá thực sự.
Đó là nghi thức làm trò ruỗi bộ (bán cá trên đường). Các chủ thuyền bán “cá” xong kéo nhau vào một địa điểm (có thể là sân chùa hoặc miếu thờ cạnh đình) để “chia tiền”. Đến đây xem như lễ tất, mọi người tụ tập ở bờ phá xem đua trải.
Điểm sáng của lễ hội Cầu Ngư là tuy diễn ra từ lúc trời còn tối mịt nhưng vẫn thu hút khá đông dân địa phương và du khách tham gia, mọi người đều hân hoan trong niềm vui tái hiện cảnh chài lưới, mua bán tấp nập.
Ngoài phần lễ mang tính chất tâm linh, phần hội trong lễ hội Cầu Ngư cũng là một trò trình diễn nghề đậm tính chất nghi lễ. Những diễn biến trong lễ hội cũng nhằm diễn tả những nỗ lực của cha ông trải qua bao đời để giáo dục và làm hành trang cho thế hệ trẻ tiếp nối./.
Từ khóa: lễ hội cầu ngư ở Huế, lễ hội cầu ngư đặc biệt, lễ hội cầu ngư Thai Dương
Thể loại: Tổng hợp Video
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN