Cơ chế một cửa Quốc gia đã thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp?

Cập nhật: 28/06/2020

VOV.VN - Sau thời gian triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia đã có thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tình trạng doanh nghiệp cùng lúc phải nộp nhiều bộ hồ sơ cho các cơ quan ban ngành khác nhau để được giải quyết công việc; tình trạng về hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa “điện tử” hoàn toàn cũng đang gây ra những khó khăn, cản trở cho các doanh nghiệp…

co che mot cua quoc gia da thuc su thuan loi cho doanh nghiep? hinh 1
Sau thời gian triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia đã có thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa Quốc gia với tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ, tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như: tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ lần lượt là 95% và 93%. Dù vậy, vẫn nhiều bộ, ngành chưa đảm bảo tiến độ triển khai thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia.

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế và đối ngoại Hệ thống trường Anh quốc tại Việt Nam nêu thực tế, các doanh nghiệp thường xuyên gặp phải vấn đề khi nộp hồ sơ tại cơ quan “một cửa” phải xin ý kiến bộ ngành khác nhau với lý là đặc thù địa phương. Mặc dù thực tế trong quy định của văn bản không quy định yêu cầu này. Điều này đang là cản trở, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải từ thực tế là nội dung những hồ sơ nào cần phải nộp, bởi vì thông thường trong quy định văn bản pháp luật thì bao giờ cũng quy định kể từ ngày đủ hồ sơ hợp lệ, vậy như thế nào là đủ hồ sơ hợp lệ?- Đây cũng là một vấn đề đối với doanh nghiệp.

“Cổng thông tin quốc gia cần phải quy định rõ thủ tục hồ sơ, những danh mục hồ sơ nào cần phải nộp và thời gian hoàn thành những thủ tục đấy là bao nhiêu. Khi đó thủ tục rõ ràng cho doanh nghiệp và cũng vừa rõ ràng cho cán bộ công chức tại một cửa Quốc gia”, bà Dung nêu ý kiến.

Cùng chung tình trạng này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, doanh nghiệp khó thực hiện trơn tru do văn bản của các cơ quan bộ, ngành vẫn thiếu sự thống nhất. Đồng thời đề xuất để vận hành tốt Cổng một cửa quốc gia được hiệu quả trong thời gian tới, phải đồng bộ về thiết bị, công nghệ cho cả hệ thống.

Để thực hiện trơn tru thì văn bản ban hành ra cần tương thích với nhau để quy định đó có thể đưa ngay vào khai báo trong cơ chế một cửa quốc gia hoặc dịch vụ công quốc gia.

co che mot cua quoc gia da thuc su thuan loi cho doanh nghiep? hinh 2
Tình trạng các văn bản, quy định thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Tình trạng các văn bản, quy định thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới. Đồng thời, rất cần sự vào cuộc giữa các bên để cơ chế một cửa quốc gia mới vận hành một cách có hiệu quả thông suốt được.

Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Bộ Tài chính-trực tiếp là Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành liên quan. Qua đó, để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Hải quan cho biết: “Về cơ chế chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các bộ, ngành nâng cao số lượng, chất lượng các thủ tục. Theo chương trình theo quyết định 125 tư của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta có 263 thủ tục, hiện nay chúng ta đã đưa được 198 thủ tục còn lại 65 thủ tục nữa nằm trong giai đoạn 2016- 2020. Tôi cho rằng sắp tới phải tiếp tục đẩy mạnh đưa thủ tục hành chính một hệ thống một cửa quốc gia”.

Cơ chế một cửa Quốc gia là hệ thống một cửa để thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa nhằm giúp tinh giản các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Khi mà nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, thời gian tới, các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc triển khai thanh toán điện tử, khắc phục các khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng chữ ký số.

Đồng thời, cải thiện tính minh bạch trong cung cấp thông tin, tiến độ giải quyết hồ sơ, công khai kết quả giải quyết thủ tục, thống nhất và đơn giản hóa các biểu mẫu, giấy tờ dễ hiểu với doanh nghiệp./.

Từ khóa: cơ chế một cửa, thủ tục hành chính, chữ ký số, cải cách thủ tục hành chính

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập