Có 3 nơi khách mua hàng thường tìm đến nhiều nhất
Cập nhật: 24/11/2020
VOV.VN - Đó là các kênh trực tuyến; công cụ tìm kiếm và website của nhà cung cấp nên việc xây dựng lại việc nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp là rất cần thiết.
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo với chủ đề Xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua thương mại điện tử. Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin cụ thể cho doanh nghiệp về sàn thương mại điện tử, cách Marketing hiệu quả, kỹ năng bán hàng trên sàn, rủi ro và cách phòng tránh trong thanh toán.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hoàng Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu rõ: Khi dịch Covid-19 xảy ra cho thấy tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong tất cả các hoạt động, đặc biệt là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là rất cần thiết.
“Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc tìm kiếm thị trường, khách hàng theo các kênh truyền thống, trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử là một kênh hỗ trợ, giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm những khách hàng mới, những thị trường mới hiệu quả và tiết kiệm chi phí giao dịch”, ông Tiến chỉ rõ.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đoàn Thúy, Công ty TNHH Glovimex cho biết, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ, thời gian qua doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch qua thương mại điện tử và đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, trong 3 năm qua, doanh nghiệp đã xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, đã đạt được những thành công nhất định. Việc cải tiến về các hình ảnh giúp sản phẩm giới thiệu được đẹp hơn; các video trên website giúp các khách hàng từ xa có thể nhìn thấy được doanh nghiệp, sản phẩm… “Đây là một trong những mấu chốt để doanh nghiệp có thể kinh doanh trên thương mại điện tử thành công. Đặc biệt là nhất là trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhờ sử dụng kênh thương mại điện tử hiệu quả, doanh nghiệp đã vượt qua được khó khăn, duy trì được đà phát triển”, bà Thúy nói.
Theo ông Nguyễn Thiên Phúc, Giám đốc vận hành và kinh doanh công ty Inovatie Hub Việt Nam, việc tận dụng số hóa thông minh trong markting cũng đã và đang đem lại hiệu quả tốt hơn trong việc bán hàng. Đồng thời, đẩy mạnh được thêm hiều hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ồng Phúc cũng cho rằng, hiện có 3 nơi người mua hàng thường ghé đến nhiều nhất đó là các kênh trực tuyến; công cụ tìm kiếm và website của nhà cung cấp… Do đó việc xây dựng lại việc nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp là rất cần thiết.
“Điều đầu tiên mỗi doanh nghiệp cần phải có website. Đối với doanh nghiệp đã chọn lựa một nền tảng thương mại điện tử, vẫn nên tham gia phối hợp với các bên hoặc thậm chí là các công ty đối tác để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả trên nền tảng đó. Ngoài việc doanh nghiệp có một sản phẩm tốt, cũng nên có hình ảnh chỉn chu và thông tin nội dung của sản phẩm nó phải phù hợp, phải đúng và đầy đủ chi tiết… Từ đó để giúp cho các người mua hàng họ tìm kiếm về sản phẩm tốt hơn và khi đó họ cũng tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Phúc chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng chia sẻ những kỹ năng bán hàng của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử; những rủi ro và cách phòng tránh trong thanh toán. Qua đó giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả tốt nhất khi giao dịch qua hình thức thương mại điện tử.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, dự đoán tốc trưởng của thương mại điện tử năm nay tiếp tục tăng trên 30%, giá trị thương mại điện tử sẽ vượt quá 15 tỷ USD, đến năm 2025 sẽ đạt 52 tỷ USD./.
Từ khóa: thương mại điện tử, nhận diện thương hiệu, tạo lập hình ảnh, thông tin doanh nghiệp
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN