Có 265 ngành điểm chuẩn đại học tăng từ 5 điểm trở lên

Cập nhật: 17/09/2021

[VOV2] - Thống kê về biến động điểm chuẩn xét tuyển đại học chính quy dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho thấy có 265 ngành học điểm chuẩn đại học tăng từ 5 điểm trở lên. 30 ngành học điểm chuẩn tăng từ 9-11 điểm.

Ngày 17/09, Bộ GD-ĐT có thống kê về kết quả tuyển sinh đại học chính quy đợt 1 năm 2021. Theo đó, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng từ hơn 900 nghìn lên hơn 1 triệu thí sinh (tăng hơn 11% so với năm 2020).

Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng 152 nghìn thí sinh (năm 2020 là 643.000; năm 2021 là 795.000) tăng 24% so với năm 2020.  Số thí sinh đã xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển khác chỉ tăng 17.000 (Năm 2020: 75.000; năm 2021 là 92.000).

Trước ý kiến của dư luận về phổ điểm môn tiếng Anh cao khiến cho điểm chuẩn của các tổ hợp có môn tiếng Anh tăng, Bộ GD-ĐT cho rằng, bài thi môn tiếng Anh điểm tăng khá nhưng đây là chuyện bình thường và là một tín hiệu đáng mừng.

Bên cạnh đó, số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên (tất cả tổ hợp) chiếm 4,7% là hết sức bình thường

Cũng theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, số mã ngành tuyển sinh đạt từ 70% chỉ tiêu trở lên đạt trên 75% (tăng 9% so với năm 2020). Số ngành tuyển dưới 50% là 18%, giảm 9% so với năm 2020.

Liên quan đến những biến động điểm chuẩn xét tuyển đại học dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ GD-ĐT đánh giá, các trường top trên tiếp tục có điểm chuẩn các ngành ổn định hoặc tăng nhẹ. Trong khi đó các trường top giữa có nhiều ngành bứt phá mạnh.

Số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3259 mã ngành). Số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 8%, trong đó tăng từ 9-11 điểm là 30 ngành (chưa tới 1%).

Cụ thể, có 265 ngành học điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên. Riêng khối Kỹ thuật-Công nghệ: 70 ngành, Sư phạm: 64 ngành. Tiếp đó tới khối Kinh doanh &Quản lý: 42 ngành, Xã hội-nhân văn: 32 ngành, Pháp luật: 10 ngành...

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng. Thứ nhất, điểm bài thi môn tiếng Anh có tăng (hợp lý). Thứ hai, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh (số trẻ sinh năm 2003 tăng, xu hướng chọn học đại học tăng), giới hạn chỉ tiêu của các trường top trên. Và thứ ba là xu hướng chọn ngành (tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh).

Về những trường hợp một số thí sinh điểm rất cao nhưng lại trượt hết các nguyện vọng, trao đổi với báo chí ngày 17/09, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng đây là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, tỉ lệ tuyển sinh được của tất cả các ngành học đều cao hơn năm 2020.  

“Chỉ những thí sinh nào điểm cao nhưng không đặt nguyện vọng vào những ngành thấp hơn thì mới không trúng tuyển. Đây là điều đáng tiếc. Tuy nhiên các trường sẽ còn nhiều hình thức xét tuyển khác nhau và thí sinh vẫn còn cơ hội để trúng tuyển vào những hình thức xét tuyển khác”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, xét tuyển đại học là câu chuyện cạnh tranh. Khi Bộ GD-ĐT đã đưa ra được mô hình (các nhóm xét tuyển, lọc ảo...) để xét tuyển được các em vào nhiều trường, nhiều ngành thì cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng lộ trình, phương án để việc tổ chức kỳ thi và xét tuyển đại học đảm bảo chất lượng hơn, đánh giá đúng được năng lực của học sinh hơn. Lộ trình này đáng lẽ được triển khai từng bước trong năm 2020, 2021. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh mà chưa thể triển khai ngay được.

“Trong những năm tới phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án để làm sao các trường tăng quyền tự chủ của mình, tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực bên cạnh kỳ thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những kỳ thi này phải thực sự nhẹ nhàng nhưng đánh giá được tốt năng lực của thí sinh. Đặc biệt, dù có làm gì cũng phải đảm bảo không tăng áp lực cho thí sinh và xã hội.”-Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Vì sao điểm chuẩn một số ngành/trường tăng đột biến?

[VOV2] - Đâu là nguyên nhân khiến điểm chuẩn ở một số ngành của các trường đại học tăng đột biến, việc cộng điểm ưu tiên cho một số đối tượng thí sinh cần được điều chỉnh thế nào để các thí sinh không thuộc diện ưu tiên đỡ bị thua thiệt?

Từ khóa: Điểm chuẩn tăng, xét tuyển đại học, tuyển sinh, điểm chuẩn, trúng tuyển, ngành học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập