Chuyên gia: Việc áp dụng hay bỏ hệ thống đồng hồ đếm ngược cần cân nhắc kỹ lưỡng
Cập nhật: 07/07/2024
Tai nạn liên hoàn, Quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài
Tuần lễ Du lịch - Thương mại TP. HCM và ĐBSCL “Tinh hoa miền sông nước”
VOV.VN - Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, việc đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông có cả lợi ích và hạn chế. Việc áp dụng hệ thống này cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên điều kiện cụ thể của từng địa phương
Mới đây, TP HCM đã thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở một số giao lộ lớn. Lý giải về việc này, theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Võ Khánh Hưng, bộ đếm lùi giây tại các giao lộ giúp người đi đường nhận biết để có ứng xử khi gặp đèn giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, có tình trạng người dân tăng tốc vượt khi đèn xanh chỉ còn vài giây; hoặc cố vượt khi chưa hết đèn đỏ; người phía trước bị người phía sau nhấn còi nhắc nhở. "Việc hai bên đều tranh thủ vài giây là nguyên nhân dẫn đến va chạm giao thông. Từ thực tế này, Sở Giao thông Vận tải đã nghiên cứu bỏ bộ đếm giây và đã thí điểm ở 4 giao lộ", ông Võ Khánh Hưng thông tin.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông khẳng định: "Không có cơ sở nào để kết luận như vậy. Có đếm giây hay không, người cố ý vượt đèn đỏ vẫn cứ vượt".
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông là một chủ đề gây tranh cãi nhiều năm nay, với những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, quan trọng là việc có lợi ích hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng đường.
Cụ thể, đếm giây giúp người tham gia giao thông biết chính xác thời gian còn lại trước khi đèn chuyển sang màu khác, giúp họ di chuyển an toàn và tránh vi phạm luật giao thông. Giúp người lái xe và người đi bộ đưa ra quyết định tốt hơn. Ví dụ như "nếu bạn biết chỉ còn vài giây nữa là đèn thay đổi, bạn có thể chuẩn bị dừng lại hoặc bắt đầu di chuyển".
Làm giảm sự bất an và lo lắng, đặc biệt đối với người đi bộ đang cố gắng băng qua ngã tư đông đúc. Biết chính xác còn lại bao nhiêu thời gian có thể giúp mọi người đánh giá liệu họ có đủ thời gian để vượt qua an toàn hay không.
"Có thể góp phần giúp luồng giao thông trôi chảy hơn bằng cách giúp người lái xe dự đoán khi nào đèn sẽ thay đổi, giảm việc dừng và khởi động đột ngột. Khi biết rõ thời gian còn lại, người lái xe có thể điều chỉnh tốc độ phù hợp, tránh phanh gấp hay tăng tốc đột ngột, góp phần giảm ùn tắc giao thông", TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, đồng hồ đếm ngược cũng có những hạn chế nhất định như số giây trên đèn giao thông có thể bất lợi tùy theo ý thức của người sử dụng đường. Khi sắp hết đèn xanh nếu người sử dụng đường chủ động dừng xe thì xe và người được an toàn, nhưng không ít người lại vội vã tranh thủ băng qua nút giao, tăng tốc để vượt qua giao lộ trước khi đèn chuyển mà. Đây là hành vi nguy hiểm, gây rủi ro.
Hiện nay, việc đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia không sử dụng hệ thống này. Ở Việt Nam, việc đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông được thí điểm ở một số địa phương và nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều.
"Việc đếm giây trên đèn tín hiệu giao thông có cả lợi ích và hạn chế. Việc áp dụng hệ thống này cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên điều kiện cụ thể của từng địa phương. Ngoài ra, cần nhấn mạnh hiệu quả của hệ thống đếm giây phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ý thức của người tham gia giao thông, chất lượng đèn tín hiệu giao thông,... Cần có các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông cho người dân để họ sử dụng hệ thống đếm giây một cách hiệu quả và an toàn", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Từ khóa: tai nạn, tai nạn giao thông, đồng hồ đếm ngược, đèn tín hiệu giao thông
Thể loại: Xã hội
Tác giả: văn ngân/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN