Chuyên gia Philippines: Trung Quốc dọa dẫm các nước ASEAN ở Biển Đông
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - “Trung Quốc đang tìm cách dọa dẫm các quốc gia Đông Nam Á để buộc họ phải chấp nhận việc khai thác dầu khí ở Biển Đông theo yêu cầu từ Trung Quốc”.
Đó là nhận định của PGS. Jay Batongbacal, Đại học Philippines, Giám đốc Học viện Hàng Hải và Luật Biển, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.
PGS. Jay Batongbacal. Ảnh: ANC |
Đáng chú ý, viện dẫn Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, PGS Jay Batongbacal khẳng định: Phán quyết của Tòa PCA đã đưa ra những lý lẽ cụ thể và rõ ràng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có quyền thiết lập Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa từ đường cơ sở của mình bao quanh bãi Tư Chính và khu vực này hoàn toàn không cắt qua hoặc chồng lấn với Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa của Trung Quốc.
PV: Trung Quốc đã hai lần cho tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc còn có những động thái gây hấn cả với Philippines, Malayisia. Theo ông, Trung Quốc đang tính toán điều gì?
PGS. Jay Batongbacal: Trung Quốc đang tìm cách dọa dẫm các quốc gia Đông Nam Á để buộc họ phải chấp nhận việc khai thác dầu khí ở Biển Đông theo những yêu cầu từ Trung Quốc.
Trung Quốc đang muốn thể hiện rằng, họ có thể đơn phương làm như vậy. Bằng cách can thiệp vào các hoạt động của Việt Nam và Malaysia, Trung Quốc hy vọng có thể ép các nước này hoặc phải chấp nhận chỉ hợp tác với Trung Quốc hoặc phải đối mặt với hành động khai thác dầu khí đơn phương của Trung Quốc trong Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa của các nước này.
PV: Có ý kiến cho rằng, Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển của Việt nam là một hành động "giương đông kích tây" nhằm thực hiện mưu đồ chiếm đóng trái phép một số thực thể ngầm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quan điểm của ông về ý kiến này?
PGS. Jay Batongbacal: Có thể là như vậy bởi điều này đã từng có tiền lệ. Trung Quốc đã từng triển khai giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam trùng với thời điểm nước này bắt đầu hoạt động cải tạo trái phép các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trong khi cả thế giới tập trung theo sát diễn biến này, họ đã không để mắt đến hoạt động cải tạo quy mô cực lớn của Trung Quốc.
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.
|
PV: Tổng thống Duterte chuẩn bị có chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 5. Ông đưa ra kịch bản nào về vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm này? Liệu Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 có được Tổng thống Duterte nêu ra và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng?
PGS. Jay Batongbacal: Tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Duterte, ngay cả khi ông Duterte có nêu lại phán quyết của Tòa trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tôi không cho rằng sẽ có sự thay đổi trong quan điểm của Trung Quốc sau cuộc gặp. Kết quả tốt nhất có thể sẽ là một tuyên bố chung sau cuộc gặp nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề gì.
PV: Phán quyết tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền bằng đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong vụ việc Bãi Tư Chính, liệu phán quyết này có thể áp dụng để làm căn cứ yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế không?
PGS. Jay Batongbacal: Phán quyết của Tòa PCA đã đưa ra những lý lẽ cụ thể và rõ ràng cho thấy Việt Nam hoàn toàn có quyền thiết lập Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa từ đường cơ sở của mình bao quanh bãi Tư Chính và khu vực này hoàn toàn không cắt qua hoặc chồng lấn với Vùng Đặc quyền Kinh tế/thềm lục địa của Trung Quốc.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang có những hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ảnh: Schottel |
PV: Các nỗ lực quốc tế hiện nay đã đủ để ngăn cản các hành động của Trung Quốc?
PGS. Jay Batongbacal: Đến thời điểm này, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng bởi Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các hoạt động của nước này trên biển. Tuy nhiên, sẽ cần phải có thêm nhiều tuyên bố mạnh mẽ và các hành động cụ thể để Trung Quốc có thể nhận ra rằng, hành động của họ gây hại nhiều hơn là những lợi ích tiềm tàng mà nước này nghĩ rằng họ có thể nhận được.
PV: Theo ông,Việt Nam nên làm gì để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình trước những tham vọng của Trung Quốc?
PGS Jay Batongbacal: Việt Nam có thể kiện Trung Quốc trong những vấn đề hẹp và cụ thể để phản đối những hành động đơn phương của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đây sẽ là vụ kiện khác so với vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Việt Nam có thể “tấn công” bằng pháp lý vào hoạt động khai thác và dọa dẫm đơn phương của Trung Quốc cũng như mối đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc thông qua việc triển khai các tàu để bảo vệ việc thăm dò của nước này trên biển Việt Nam./.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vụ bãi Tư Chính: Tỉnh táo đấu tranh với mưu đồ “nuốt trọn” Biển Đông
Vụ Bãi Tư Chính: Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải lên tiếng
Vụ bãi Tư Chính không phải chuyện riêng giữa hai nước trên Biển Đông
Từ khóa: Trung Quốc dọa dẫm các quốc gia ASEAN, Biển Đông, khai thác dâu khí, bãi Tư Chính, PGS. Jay Batongbacal
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN